Mới đây, CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) tổ chức sự kiện ra mắt dịch vụ Taxi hybrid, đồng thời giới thiệu dự án hợp tác chiến lược với Toyota Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên một hãng taxi sử dụng ô tô dòng hybrid vào kinh doanh vận tải hành khách tại Việt Nam.
Trước đó, theo thông tin từ ĐHĐCĐ thường niên 2024, Vinasun dự định chi 630-650 tỷ đồng để đầu tư 700 xe hybrid của Toyota trong năm nay. Tuy nhiên, thực tế Vinasun đã ký hợp đồng nhận 806 xe hybrid để vận hành kinh doanh vận tải hành khách từ Toyota Đông Sài Gòn trong năm 2024.
Theo đại diện của Vinasun, dòng xe này giúp tiết kiệm chi phí vận hành về nhiên liệu, không tốn thời gian sạc pin và đặc biệt là có thể giảm thiểu khí thải CO2, đáp ứng mục tiêu bảo vệ môi trường. Đồng thời, Vinasun cũng cam kết giữ nguyên giá cước dịch vụ và cải thiện chất lượng dịch vụ.
Bên cạnh đó, Vinasun cũng công bố việc ký kết hợp tác chiến lược cùng Toyota Việt Nam cho kế hoạch đầu tư lên tới 2,000 xe hybrid vào năm 2025, là một phần của chiến lược dài hạn hướng đến mục tiêu giảm phát thải và bảo vệ môi trường.
Như vậy, trong bối cảnh các hãng taxi truyền thống và một số nền tảng gọi xe từng bước chuyển đổi sang xe thuần điện thì Vinasun lại nói “không” với loại xe này khi tiếp tục chọn hướng đầu tư vào dòng xe hybrid cho dịch vụ taxi.
Trên thực tế, câu chuyện “nói không” với xe điện của Vinasun có vẻ đã nằm trong sự toan tính kỹ lưỡng của hãng taxi truyền thống Việt Nam, khi mà gần đây, các công ty cho thuê ô tô và taxi trên toàn cầu cũng đang “tiến thoái lưỡng nan” trong việc chuyển sang sử dụng hoàn toàn bằng xe điện.
Tại Mỹ, gã khổng lồ cho thuê xe ô tô Hertz tuyên bố “cắt lỗ” khi thay thế 20.000 chiếc xe điện bằng ô tô chạy xăng, thu về một “khoản lỗ” 245 triệu USD do giá bán của các phương tiện thuần điện bị giảm giá một cách nhanh chóng.
Trong khi đó, gã khổng lồ gọi xe Uber mặc dù đang hỗ trợ các tài xế số tiền lên tới 2.000 USD khi mua một chiếc điện của Tesla để tăng cường sử dụng. Tuy nhiên, nền tảng này cũng thừa nhận họ đang gặp khó khăn trong việc thuyết phục các tài xế sử dụng xe điện với số lượng như dự kiến do chi phí sở hữu và khả năng tiếp cận hệ thống trạm sạc.
Theo các chuyên gia phân tích trong ngành, taxi hybrid dù mới xuất hiện gần đây hơn trên thị trường, tuy nhiên nó đã trở thành một xu hướng khá mới mẻ ở một số quốc gia vì nhiều lý do.
Một trong những lợi thế đáng kể nhất của taxi hybrid là giá thành. Taxi hybrid tiết kiệm nhiên liệu hơn taxi truyền thống, điều đó có nghĩa là loại hình này tốn ít chi phí vận hành hơn. Khoản tiết kiệm chi phí này có thể được chuyển sang hành khách. Ngoài ra, một số thành phố trên thế giới còn đưa ra các ưu đãi cho người lái xe taxi hybrid, chẳng hạn như giảm phí cấp giấy phép hoặc tiếp cận các điểm đỗ xe taxi ưu tiên.
Bên cạnh đó, taxi hybrid cũng thân thiện với môi trường, các loại xe hybrid sử dụng kết hợp xăng và năng lượng điện, giúp giảm lượng khí thải và giúp giảm thiểu tác động đến môi trường. Đối với những hành khách có ý thức về môi trường, việc lựa chọn taxi hybrid có thể là một cách để giảm lượng khí thải carbon của họ.
Trong tương lai, đây hoàn toàn là lựa chọn phổ biến nhất và được cung cấp rộng rãi trên thị trường. Chúng cung cấp sự cân bằng tốt về tiết kiệm nhiên liệu, giảm lượng khí thải và phạm vi lái xe. Tuy nhiên, một thách thức mà taxi hybrid đang phải đối mặt đó là việc taxi điện đang ngày càng trở nên phổ biến ở một số thành phố nơi có nhiều trạm sạc hơn. Loại hình này đang là những lựa chọn mang tính chất tốt nhất cho những nhà điều hành taxi phụ thuộc vào nhu cầu cụ thể của họ và sự sẵn có của cơ sở hạ tầng thu phí trong khu vực.