Với mục tiêu giảm thiểu các nguy cơ mất an toàn và các tai nạn về điện trong nhân dân, qua đó đảm bảo cho lưới điện vận hành an toàn, ổn định và liên tục, Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) đã chủ động triển khai thực hiện nhiều giải pháp giúp người dân có thêm thông tin, kiến thức cần thiết, tránh xảy ra sự cố cháy nổ, tai nạn trong sử dụng điện trên địa bàn thành phố.
Thời gian qua, hệ thống lưới điện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang được đầu tư mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu sử dụng phục vụ cho trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, sinh hoạt, sản xuất của người dân trên địa bàn Thành phố. Bên cạnh đó, việc sử dụng điện của người dân vẫn còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây tai nạn, cháy nổ trong quá trình sản xuất, vận hành. Do đó, cùng với việc tập trung phát triển lưới điện thì công tác đảm bảo an toàn điện luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của EVNHCMC và đặc biệt phải nâng cao ý thức sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả trong người dân.
Năm 2024, EVNHCMC đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý sử dụng điện an toàn trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh. Theo đó, EVNHCMC đã chỉ đạo các Công ty Điện lực trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành khảo sát, đánh giá tình trạng sử dụng điện và tư vấn, cải tạo hệ thống điện trong gia đình. Mục tiêu năm 2024, EVNHCMC sẽ thực hiện công tác trên cho 72.000 hộ gia đình. Tính đến nay, đã thực hiện được 31.674 hộ. Đối tượng hướng đến là các hộ gia đình thuộc các khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao, khu phố có nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, liền kề chợ, khu vực dân cư cũ, chung cư cũ. Theo đó, các hộ gia đình sẽ được tư vấn, phát tài liệu hướng dẫn kiến thức sử dụng điện an toàn.
Ông Trần Văn Phạm – Phó giám đốc kỹ thuật, Công ty Điện lực Củ Chi chia sẻ: “Công tác khảo sát, tư vấn sử dụng điện an toàn trong nhân dân được Tổng công ty Điện lực TPHCM triển khai từ năm 2017 đến nay. Ngay từ đầu năm 2024 Công ty Điện lực Củ Chi đã phối hợp với UBND, Công an huyện Củ Chi lập kế hoạch khảo sát, tư vấn an toàn điện cho các hộ dân tại 21 xã, thị trấn với số lượng là 4.500 hộ. Đến nay chúng tôi đã thực hiện hoàn tất 17 xã, trên 3.400 hộ, số hộ còn lại dự kiến hoàn tất trong tháng 6. Ngoài việc khảo sát trực tiếp cho hộ dân, chúng tôi còn phát cho mỗi hộ dân cuốn cẩm nang an toàn sử dụng điện và sổ tay phòng cháy chữa cháy điện gia đình. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tóm lược các nội dung cơ bản từ cẩm nang, sổ tay để gửi cho địa phương, đài truyền thanh để tuyên truyền sâu rộng đến các hộ dân trên địa bàn huyện”.
“Trong thời gian qua, Công ty Điện lực Củ Chi đã phối hợp với xã thực hiện rất tốt việc tuyên truyền, tư vấn cho người dân trong việc sử dụng điện trên địa bàn xã. Qua hoạt động này góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, nâng cao hiểu biết về an toàn điện, an tâm hơn trong việc sử dụng điện hàng ngày. Đồng thời, số vụ tai nạn điện trong nhân dân thời gian qua cũng giảm”, bà Chị Trần Cẩm Thanh – Phó Chủ tịch UBND xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi cho biết.
Căn nhà đã được xây dựng từ lâu, nhưng chưa được tô, hệ thống dây điện đi tạm, chằng chịt, không đảm bảo an toàn, hôm nay được thay dây, bóng đèn mới và đi lại đường dây gọn gàng, đảm bảo an toàn cho mùa mưa bão sắp tới của hộ gia đình Ông Nguyễn Văn Trung - Ấp 6a, xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi (thuộc diện hộ nghèo của xã) phấn khởi nói: “Gia đình chúng tôi chân thành cảm ơn chính quyền địa phương và Công ty Điện lực Củ Chi đã sửa sang cho gia đình có được hệ thống dây điện mới an toàn hơn, bên cạnh đó, gia đình còn được tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng điện an toàn và các phòng cháy chữa cháy, tôi xin cảm ơn”.
Kết quả khảo sát sẽ được gửi về cho từng hộ gia đình thông qua chính quyền địa phương và cảnh sát PCCC quận, huyện, để địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, giám sát, các hộ dân chủ động cải tạo hệ thống điện trong gia đình và thay đổi thói quen sử dụng điện an toàn hơn. Đối với các hộ gia đình chính sách, hộ gia đình nghèo, nếu hệ thống điện trong nhà không đảm bảo an toàn, các công ty điện lực sẽ huy động nguồn lực nội bộ, thông qua Đoàn thanh niên của đơn vị để triển khai chương trình “Nguồn sáng an toàn - văn minh - tiết kiệm, vì an sinh xã hội”, sửa chữa điện cho các hộ này. Dự kiến sẽ thực hiện khoảng 500 hộ trong năm 2024.
Nhằm đảm bảo an toàn trong sử dụng điện và Phòng chống cháy nổ liên quan đến điện, ngoài việc tuyên truyền của các cơ quan chức năng cũng rất cần sự phối hợp thực hiện nâng cao ý thức từ phía người dân. Ông Bùi Trung Kiên – Phó Tổng giám đốc EVNHCMC khuyến cáo: “Người dân cần liên hệ ngành điện khi cảm thấy không an toàn về hệ thống điện trong nhà để được hướng dẫn; không tự ý trèo lên trụ điện để sửa chữa; khi lắp đặt nên mua các sản phẩm có thương hiệu và uy tín trên thị trường, tuân thủ khuyến cáo của đơn vị cung cấp hàng, đọc kỹ hưỡng dẫn sử dụng. Bên cạnh đó, người dân cần quan tâm đến vấn đề tuyên truyền liên quan đến ngành điện. Ngành điện Thành phố sẵn sàng tư vấn, giải thích, hỗ trợ cho khách hàng sử dụng điện khi có nhu cầu tìm hiểu về kỹ thuật và an toàn điện”.
Cùng với đó, EVNHCMC cũng triển khai các hoạt động tuyên truyền, thông báo và khuyến cáo người dân các biện pháp đảm bảo an toàn điện thông qua các đơn vị báo đài, App CSKH EVNHCMC, các trang mạng xã hội…
Hiện nay, TPHCM đang bước vào mùa mưa bão, chính vì vậy, EVNHCMC cũng đang đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân các biện pháp về đảm bảo an toàn điện trong mùa mưa bão như: Khuyến cáo người dân ngắt nguồn điện (tắt cầu dao) trong trường hợp khu vực nhà đang sinh sống bị ngập nước hoặc bị mưa làm ướt các thiết bị điện để giảm thiểu nguy cơ chập cháy cũng như tai nạn về điện; tuyên truyền vận động người dân bố trí lắp đặt đường dây dẫn, ổ cắm, thiết bị sử dụng điện trong nhà cao hơn mực nước ngập, ẩm ướt đã từng xảy ra; Lắp đặt các thiết bị đóng, cắt có tính năng chống rò điện phù hợp. Đặc biệt, người dân cần cắt toàn bộ nguồn điện cung cấp cho các thiết bị điện lắp đặt ngoài trời như: Bảng hiệu, bảng quảng cáo… khi trời mưa to, gió lớn và kịp thời thông báo cho ngành Điện cũng như chính quyền địa phương khi phát hiện thấy hiện tượng mất an toàn cung cấp điện.