Tại cuộc họp nghe "báo cáo về dự thảo Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà" mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã khẳng định điện mặt trời mái nhà là nguồn năng lượng tái tạo cần được ưu tiên, khuyến khích phát triển, vừa huy động được nguồn lực của tổ chức, cá nhân, tận dụng mạng lưới truyền tải hiện hữu.
Tồn tại nhiều điểm nghẽn
Chia sẻ tại Diễn đàn “Điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp - Nhu cầu và giải pháp cho doanh nghiệp" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức, ông Lã Hồng Kỳ, Văn phòng Ban Chỉ đạo nhà nước các dự án ngành năng lượng, việc phát triển điện mặt trời hiện không đồng đều ở ba miền. Cụ thể, các hệ thống điện mặt trời mái nhà đều tập trung ở tại các khu vực Miền Nam (57,94%) và Miền Trung (31,96%), thành phố Hồ Chí Minh đạt 3,69%; Tỷ lệ công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại Miền Bắc chỉ đạt 6,07%, Hà Nội đạt 0,35%.
Bên cạnh đó, các chủ đầu tư phát triển điện mặt trời mái nhà chủ yếu lắp đặt trên mái nhà trang trại chăn nuôi, trồng trọt chiếm 59,73% công suất đặt, tiếp theo đến lắp đặt trên mái nhà kho, nhà xưởng khu công nghiệp chiếm 23,19%, còn lại lắp đặt trên mái nhà ở riêng lẻ, công trình dân dụng (văn phòng công ty, đơn vị hành chính sự nghiệp, trung tâm thương mại dịch vụ, cơ sở tôn giáo, bệnh viện, trường học, công trình hạ tầng kỹ thuật) chỉ chiếm 17,07%.
Về đấu nối, các hệ thống điện mặt trời mái nhà công suất đặt lớn đấu nối chủ yếu vào lưới điện trung áp chiếm 83,15% về công suất, nối hạ áp chiếm 16,85% về công suất.
Từ thực tế này, ông Lã Hồng Kỳ nhận định, việc thu hồi vốn đầu tư đối với khu vực miền Bắc là khó khăn nên các chủ đầu tư cũng không mặt mà cho việc lắp đặt.
Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam đã hết hiệu lực từ ngày 31/12/2020.
Hiện tại, Chính phủ chưa ban hành cơ chế cơ chế khuyến khích phát triển các nguồn điện mặt trời mái nhà với mục đích tự tiêu thụ cho nhu cầu phụ tải tại chỗ (có thể bán phần nhỏ dư thừa lên lưới) để đáp ứng mục tiêu phấn đấu có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu đã được phê duyệt trong Quy hoạch VIII.
Bên cạnh đó, việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại các cơ quan hành chính sự nghiệp, trường học hiện không đạt hiệu quả đầu tư. Hiện cũng chưa có đánh giá nào về điện năng lượng tái tạo vào hệ thống điện nói chung để đảm bảo an ninh năng lượng.
Cũng theo ông Kỳ, thời gian Chính phủ chưa ban hành cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà mới, ngành điện chưa thực hiện thỏa thuận đấu nối các hệ thống điện mặt trời mái nhà mới lắp đặt vào lưới điện. Do đó, hiện chưa có biện pháp và chế tài xử lý các trường hợp người dân đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà đấu nối với lưới điện, tự ý thay đổi công suất hệ thống mà không thông báo ngành điện hoặc tự ý thay đổi công suất dự án.
Hiện cũng chưa có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho các phần tử cấu thành nên hệ thống điện mặt trời mái nhà (tấm pin, inverter, ắc quy..) dẫn đến chất lượng các hệ thống điện mặt trời mái nhà chưa được kiểm soát một cách chặt chẽ, tiềm ẩn các nguy cơ về an toàn điện, an toàn PCCC, độ ổn định về chất lượng điện năng,...
Sớm xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật
Do đó, ông Kỳ kiến nghị Chính phủ giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành liên quan sớm xây dựng và ban hành bộ tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho các phần tử cấu thành nên hệ thống điện mặt trời mái nhà (tấm pin, inverter, ắc quy, bộ chống phát ngược zero export...); tiêu chí kỹ thuật để nghiệm thu nguồn điện mặt trời mái nhà, Quy trình kiểm tra bảo dưỡng, thử nghiệm định kỳ, để có thể kiểm soát một cách chặt chẽ, chất lượng thiết bị lưu thông và lắp đặt, giúp thuận lợi trong quá trình kiểm tra, nghiệm thu đưa hệ thống điện mặt trời mái nhà vào vận hành.
Xây dựng hướng dẫn, quy trình thu hồi các tấm pin năng lượng mặt trời, inverter, ắc quy lưu trữ đã qua sử dụng để đảm môi trường trong thời gian tới.
Thực hiện các báo cáo chuyên sâu về ảnh hưởng của điện mặt trời mái nhà đối với việc vận hành hệ thống lưới điện trung và hạ áp (chất lượng điện năng, sóng hài, quá điện áp, độ dao động điện áp, tổn hao,...), tỷ lệ tối ưu giữa điện lưới và điện mặt trời mái nhà trong một phát tuyến trung/hạ áp, ...
Đồng thời, rà soát các hoạt động quản lý nhà nước chuyên ngành (sử dụng đất đai, an toàn công trình xây dựng, phòng chống cháy nổ, hoạt động kinh tế trang trại, đăng ký kinh doanh…), cần có hướng dẫn từ các Bộ, sở ban ngành liên quan và địa phương để có sự thống nhất trong cả nước để Chủ đầu tư thuận lợi trong việc bổ sung các hồ sơ liên quan.
Ông Lã Hồng Kỳ cũng cho rằng, cần sự ưu tiên đấu nối cho khu vực miền Bắc, đảm bảo hài hoà trên cả nước. Trong đó tính toán chia cho các tỉnh. Hàng năm tiến hành đánh giá việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà và có thể điều chỉnh lại cho phù hợp. Xem xét có cơ chế hỗ trợ giá đối với vùng sâu, vùng xa dùng điện mặt trời mái nhà (trợ giá tiền/ kWp lắp đặt).
Cần phải có quy định về tiêu chí lắp đặt, quy mô công suất lắp đặt phù hợp với việc sử dụng của từng nhóm đối tượng (có thể chia ra nhiều nhóm). Thời gian vừa qua có hiện tượng ồ ạt lắp đặt điện mặt trời mái nhà, khiến bị đội giá thành, chất lượng công trình chưa đảm bảo; cần có định nghĩa về “tự dùng”.
Hỗ trợ tính toán phần công suất lắp đặt tối thiểu cho các hộ gia đình có đủ điều kiện lắp đặt (mức độ dùng điện, thời điểm dùng điện, điều kiện mặt bằng…) để phê duyệt phương án, hạn chế tối đa mức độ lãng phí do không được bán phần điện dư lên lưới.
Do đặc điểm ở Miền Bắc khí hậu chia 4 mùa, lượng bức xạ mặt trời các tháng có sự chênh lệch khá lớn nên rất khó khăn cho việc tính toán công suất điện mặt trời mái nhà nối lưới tự dùng
“Khi có lượng dư thừa cần có cơ chế để EVN mua lại một phần lượng điện dư thừa. Hiện có nhiều thủ tục của Quyết định 13 về an toàn môi trường, đăng ký kinh doanh, phòng cháy chữa cháy….mỗi tỉnh đang hiểu theo cách khác nhau. Vì vậy cần cơ chế chung cho cả nước”, ông Lã Hồng Kỳ nhấn mạnh.