Một cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng?
Trong tuần qua, hầu hết các hãng vận tải biển lớn nhất thế giới cho biết họ sẽ tránh Biển Đỏ và do đó tránh cả Kênh đào Suez sau khi phiến quân Houthi có trụ sở tại Yemen bắn tên lửa vào các tàu chở hàng trong cuộc chiến Israel-Hamas, hãng tin Reuters mới đưa tin.
Thay vào đó, các tàu đi từ Viễn Đông đến châu Âu sẽ phải đi đường vòng quanh toàn bộ lục địa châu Phi qua Mũi Hảo Vọng của Nam Phi. Cuộc hành trình sẽ kéo dài hơn một tuần và sẽ dài thêm khoảng 3.500 hải lý (6.482 km).
Trên thực tế, kênh đào Suez nối Biển Đỏ với Địa Trung Hải là tuyến đường ngắn nhất giữa châu Âu và châu Á. Khoảng 12% lưu lượng vận chuyển toàn cầu thường đi qua tuyến đường biển này.
Các nhà phân tích trong ngành cho biết, quyết định này đã tác động lớn đến chi phí vận chuyển hàng hóa. Nếu nó trở thành một cuộc khủng hoảng kéo dài, có thể làm ảnh hưởng không nhỏ đến chi phí của các doanh nghiệp vận tải biển và làm tăng giá người tiêu dùng phải trả cho hàng nhập khẩu.
Peter Sand, nhà phân tích trưởng của công ty phân tích thị trường Xeneta có trụ sở tại Copenhagen cho biết: “Thực hiện một chuyến đi khứ hồi từ Thượng Hải đến Rotterdam, bạn sẽ phải tốn thêm một triệu đô la Mỹ chi phí nhiên liệu khi định tuyến lại qua Mũi Hảo Vọng. Vì vậy, chỉ riêng điều đó thôi đã là một hóa đơn khổng lồ”.
Nhà phân tích cho biết thêm, phí bảo hiểm cũng đã tăng vọt để ứng phó với các cuộc tấn công, trong khi các hãng vận tải container chạy các tuyến hàng tuần giữa châu Á và châu Âu cũng sẽ cần tính đến chi phí của ba tàu bổ sung để đảm bảo mức độ dịch vụ tương tự.
Ngoài ra, sự chậm trễ trong vận chuyển sau đó cũng sẽ gây ra tác động dây chuyền tại các cảng container trên khắp châu Âu. Với lượng tàu không thể đến theo đúng lịch trình, điều này cũng sẽ gây ra một sự tắc nghẽn đáng kể cho việc xử lý của các cảng container tại châu Âu.
Cuộc khủng hoảng Biển Đỏ đã khơi dậy ký ức về tháng 3 năm 2021 khi kênh đào Suez bị phong tỏa trong sáu ngày sau khi tàu container Ever Given mắc cạn. Vào thời điểm đó, thế giới đang thoát khỏi tình trạng phong tỏa do đại dịch COVID-19 và những nút thắt lớn đã xuất hiện trong chuỗi cung ứng thương mại toàn cầu.
Hàng trăm con tàu bị bỏ lại ở Biển Đỏ trong nhiều tuần và chi phí vận chuyển một container đã tăng từ 2.000 USD lên 14.000 USD. Cuộc khủng hoảng Ever Given đã khiến hàng hóa nhập khẩu từ châu Á bị chậm trễ nhiều tháng.
Các nhà phân tích cho biết, mặc dù các chuỗi cung ứng hầu như đã trở lại bình thường nhưng mối đe dọa an ninh ở Biển Đỏ có thể khiến giá cả tăng gấp đôi trong vài tuần tới. Giá cước vận tải toàn cầu đã tăng trở lại sau khi Kênh đào Panama vào tháng trước hạn chế số lượng tàu có thể chạy trên tuyến đường thủy nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương do hạn hán.
Thương mại Việt Nam bị ảnh hưởng?
Những căng thẳng trên Biển Đỏ đã gây thiệt hại cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của nhiều quốc gia và Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Trả lời truyền thông, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết: các ngành hàng của chúng ta chịu ảnh hưởng nặng nhất sẽ là dệt may, da giày, đồ gỗ và các sản phẩm điện tử. Nhiều tàu chở hàng đã phải đi tránh sang tuyến đường dài hơn, làm kéo dài thời gian di chuyển thêm từ 7 - 14 ngày, khiến chi phí vận chuyển hàng hoá sẽ tăng lên.
“Theo dự kiến, với mỗi một container đi qua khu vực châu Âu, chi phí có thể tăng thêm từ 1000 - 2000 USD, tương tự như thời điểm đứt gãy từ đại dịch COVID-19”, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, cho biết.
Cũng theo lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu, trong vòng 11 tháng năm nay, xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam qua châu Âu giảm 6,6%. Với việc tiếp tục chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng này, các doanh nghiệp xuất khẩu cần phải luôn luôn theo dõi sát diễn biến trên thế giới tác động như thế nào đến sự dịch chuyển của hàng hoá, tác động như thế nào đến hoạt động logistic đối với các lô hàng xuất khẩu của mình, qua đó có thể lên các kế hoạch ứng phó để giảm thiểu thiệt hại.