Mới đây, ba Hiệp hội gồm Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ hàng hải Việt Nam (VISABA), Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt nam (VLA) đã có công văn số 027/CV VSB về việc: “Tác nghiệp bốc dỡ từ Tàu – Sà lan / Ô tô / Toa xe (shipside) tại Hải phòng” gửi Tổng Cục Hải quan và Cục Hải quan Hải Phòng.
Theo đó, ba Hiệp hội nhấn mạnh, trước đây, do đầu tư chưa đồng bộ, quy hoạch manh mún nên hầu hết các cảng biển khu vực Hải Phòng bị hạn chế về mặt bằng, thiếu diện tích kho bãi khi sản lượng hàng hóa gia tăng. Việc này đã tạo điều kiện cho nghiệp vụ shipside hình thành như 1 giải pháp tình thế nhằm đưa một phần hàng hóa ra tập kết ở bãi bên ngoài cảng nhằm giảm tải cho các bãi trong cảng. Với phương thức shipside (giao thẳng) thì container đóng hàng xong sẽ hạ tại các depot bên ngoài, không có giám sát của hải quan, đến giờ xuất hàng thì dùng đội của depot chay thẳng ra mạn tàu để xuất hàng lên tàu.
Hiện nay, với sự quan tâm chú trọng đầu tư hạ tầng cảng biển theo chiến lược phát triển chung của Chính phủ, hệ thống cảng biển khu vực Hải Phòng đã phát triển với tốc độ rất nhanh, quy mô ngày càng mở rộng và trang thiết bị hiện đại đã hoàn toàn đáp ứng các nhu cầu kiểm soát hàng hóa, tải trọng, tình trạnh kỹ thuật của Container, niêm chì... ngay bên trong cảng mà không cần phải đưa hàng hóa ra tập kết ở bãi bên ngoài như trước đây.
Việc triển khai phương thức shipside (giao thẳng) đang được tạo điều kiện dựa trên Công văn 2040/HQHP-GSQL ngày 15/02/2021 (Văn bản 2040) v/v quản lý, giám sát hải quan đối với hàng hóa đưa vào, lưu giữ, đưa ra địa điểm kiểm tra tập trung (KTTT). Đối chiếu với các quy định của pháp luật trong hoạt động hải quan, ngành hàng hải, nội dung Văn bản 2040 có một số điểm chưa phù hợp với quy định tại Khoản 6 Điều 41 Luật Hải quan 2014 và Điều 50, Điều 51 của Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 5/03/2015 quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Việc tập kết làm hàng ngoài bãi cảng tại các depot không có giám sát của hải quan, không mở tờ khai vận chuyển độc lập đã và đang tiềm ấn rủi ro rất lớn đến các doanh nghiệp khai thác các cơ quan hải quan, cảng biển và hãng tàu...
Cụ thể, ba Hiệp hội cho rằng không tuân thủ luật hải quan và thông tư 38 ngày 25/3/2015. Không kiểm soát được hàng hóa, niêm chì hạ ở depot, sau đó xuất thẳng lên tàu. Vi phạm quy định của tổ chức hàng hải Quốc tế IMO về kiểm soát tải trong (VGM). Gây mất an toàn khi xếp hàng lên tàu, an toàn hành trình. Gây ùn tắc giao thông cục bộ trên đường và tại cầu cảng.
“Hiện nay chỉ duy nhất tại Hải phòng còn áp dụng phương thức này trên thế giới gây mất mỹ quan, hình ảnh về cảng cửa ngõ Quốc tế lớn nhất ở khu vực phía Bắc. Gây mất doanh thu của doanh nghiệp cảng, mất nguồn thu ngân sách, làm lợi cho hãng tàu nước ngoài”, văn bản của ba Hiệp hội nêu rõ.
Do đó, các Hiệp hội cùng đề xuất quý các cơ quan ban ngành xem xét siết chặt các biện pháp giám sát quản lý Hải quan tại các bãi ngoài, thu hồi Văn bản 2040 để đồng nhất áp dụng tờ khai vận chuyển độc lập đối với hàng xuất khi thực hiện vận chuyển vào Cảng xuất theo đúng quy định của Luật Hải quan.
Đồng thời, rà soát chuẩn hóa hoạt động của các địa điểm kiểm tra tập trung hiện hữu. Loại bỏ hoàn toàn khung giá tác nghiệp shipside trong quy định về bốc đỡ hàng hóa tại cảng biển Việt Nam tại Thông tư 54/2018/TT-BGTVT và các quy định pháp luật khác liên quan.
“Trên đây là toàn bộ ý kiến đóng góp của các Hiệp hội về tác nghiệp shipside vô cùng lạc hậu vẫn còn đang tồn tại tại Hải Phòng, chỉ khi loại bỏ được tác nghiệp này, hiệu quả hoạt động, chất lượng dịch vụ, hình ảnh và môi trường cạnh tranh tại các cảng biển khu vực Hải Phòng mới thực sự trở nên hiệu quả và bền vững”, công văn của ba Hiệp hội nhấn mạnh.
Trao đổi với DĐDN, nhiều doanh nghiệp trực tiếp hoạt động và cung ứng dịch vụ logistics, kho bãi, vận tải và các dịch vụ liên quan trên địa bàn thành phố Hải phòng, đặc biệt là các doanh nghiệp depot cho biết rất “ngạc nhiên” trước đề xuất nói trên. Thậm chí nhiều doanh nghiệp phản ánh những đề xuất có phần bất hợp lý khi “siết chặt” và loại bỏ hoạt động shipside trong khi đây là hoạt động bình thường và là một trong những điều khoản của Incoterms 2020. Hoạt động này cũng đặc biệt quan trọng với hàng quá khổ, hàng dự án, hàng công trình.
Đặc biệt, Thông tư số 39/2023/TT-BGTVT vừa được Bộ GTVT ban hành cách đây ít ngày về “Ban hành biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam” cũng quy định chi tiết về khung giá dịch vụ bốc dỡ từ Tàu – Sà lan / Ô tô / Toa xe (shipside) tại Hải phòng, tái khẳng định vai trò của loại hình này.