Đây là chia sẻ của luật sư Nguyễn Duy Nguyên - Tổng Giám đốc Công ty Luật Hoàng Giao và cộng sự với Diễn đàn Doanh nghiệp.
- Trong bối cảnh các nhà sản xuất chip bán dẫn trên thế giới đang có xu hướng dịch chuyển ra khỏi Đài Loan và Trung Quốc, Việt Nam trở thành “điểm sáng” thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư lớn, chính sách, pháp luật hiện hành quy định về vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Nhận thức được vai trò then chốt của ngành công nghiệp bán dẫn trong thời đại 4.0, Chính phủ Việt Nam đã chủ động xây dựng và thực thi nhiều chính sách, một mặt nhằm đáp ứng nhu cầu toàn cầu, mặt khác nhằm tối ưu hóa lợi thế vốn có của ngành công nghiệp này.
Để thúc đẩy sự phát triển của ngành sản xuất chip bán dẫn, Việt Nam đã và đang tập trung vào các chính sách hỗ trợ và bền vững, phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, đào tạo lực lượng lao động lành nghề và thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ và phù hợp. Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm thu hút đầu tư và hỗ trợ tăng trưởng cho ngành chip bán dẫn.
Luật Đầu tư 2020 quy định nhiều hình thức ưu đãi đầu tư, trong đó có ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và miễn, giảm tiền sử dụng đất. Chẳng hạn, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này kinh doanh ở vùng khó khăn sẽ được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong thời gian thuê.
Ngoài ra, pháp luật Việt Nam đã áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm đối với thu nhập của doanh nghiệp thực hiện liên doanh mới trong lĩnh vực công nghệ và cho phép doanh nghiệp được miễn thuế tối đa 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp đối với không quá chín năm tiếp theo. Đồng thời, cũng thành lập nhiều quỹ khác nhau trong nhiều năm để hỗ trợ phát triển ngành bán dẫn…
Tuy nhiên, so với nhiều nước trên thế giới, Việt Nam vẫn thiếu chính sách cụ thể để hỗ trợ tài chính cho nghiên cứu, đầu tư, sản xuất và phát triển nguồn nhân lực.
- Vậy, theo ông, Việt Nam có thể học hỏi gì từ các chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn của một số nước phát triển?
Trong nỗ lực phát triển với những tiến bộ khoa học và công nghệ, Hoa Kỳ đã thông qua luật hỗ trợ sản xuất chất bán dẫn và xác định những công nghệ tiên phong để đầu tư R&D (Đạo luật Chíp và khoa học).
Đạo luật này hướng tới 2 mục tiêu quan trọng là phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh quốc gia của Mỹ. Do đó, các doanh nghiệp muốn nhận được hơn 150 triệu USD tài trợ phải nộp kế hoạch chia sẻ cho chính phủ Mỹ về hoạt động sản xuất, một phần của bất kỳ dòng tiền hoặc lợi nhuận nào vượt quá mức họ đăng ký.
Ngoài Hoa Kỳ, để giảm bớt tính phụ thuộc phần lớn vào một số nhà máy ở Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản đã quyết định đầu tư mạnh mẽ để hồi sinh ngành sản xuất chip của mình. Chính phủ nước này đã phân bổ 4.000 tỷ Yen (26,7 tỷ USD) tài trợ trong 3 năm để củng cố năng lực sản xuất chất bán dẫn của Nhật Bản, với mục tiêu đạt 10.000 tỷ Yen, số bán của chip sản xuất nội địa, lên hơn 15.000 tỷ Yen vào năm 2030. Chiến lược sản xuất chất bán dẫn của Nhật Bản bao gồm hai trụ cột chính: thu hút các nhà sản xuất chip nước ngoài bằng cách ban hành các gói trợ cấp và triển khai các dự án đầy tham vọng để giành lại vị thế dẫn đầu trong công nghệ chip, giảm nguy cơ phụ thuộc vào nguồn cung không ổn định từ bên ngoài.
Không chỉ với 2 nước đã nêu, Hàn Quốc cũng được cho là một trong những tấm gương cần được học hỏi về phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn. Đạo luật Thuế đặc biệt được Quốc hội Hàn Quốc thông qua nhằm tăng cường hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn bằng cách mở rộng ưu đãi thuế cho các nhà sản xuất chip và các ngành công nghiệp chiến lược khác.
- Từ thực tế đã nêu, ông có đề xuất, khuyến nghị gì cho Việt Nam trong việc xây dựng chính sách thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn?
Theo tôi, Việt Nam nên nghiên cứu và xây dựng các chính sách thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn theo hình thức công - tư, hỗ trợ các tập đoàn, công ty tư nhân lớn có tiềm lực như Viettel, FPT, Vingroup… xây dựng nhà máy chip bán dẫn. Trong đó, tập trung tăng cường đầu tư cho R&D; hợp tác nghiên cứu với nước ngoài; nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ, đào tạo chuyên gia kĩ thuật cao; tập hợp, thu hút sự tham gia của chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài trong tham vấn chính sách, tham gia trực tiếp vào các dự án nghiên cứu - sản xuất chip bán dẫn.
Cùng với đó, sớm ban hành các chính sách, pháp luật phù hợp với thực tế hoạt động của doanh nghiệp, để các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư lĩnh vực vi mạch hay các doanh nghiệp ở Việt Nam đang hoạt động trực tiếp làm về lĩnh vực vi mạch dễ dàng nhận được ưu đãi từ các chính sách thuế và hạ tầng của Chính phủ. Việt Nam nên tham khảo “Đạo luật Thuế đặc biệt” của Hàn Quốc với các khoản giảm thuế lớn hơn đối với các khoản đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn để thu hút doanh nghiệp…
- Trân trọng cảm ơn ông!