Chiến lược “tự đứng trên đôi chân mình” của Rabbit

Tháng 1/2024 này, công ty Rabbit vừa tung ra thiết bị Rabbit R1. Đây là một thiết bị cầm tay, nhỏ khoảng bằng nửa chiếc điện thoại thông thường, có chức năng như một trợ lý ảo dùng trí tuệ nhân tạo (AI). Nó sẽ thực hiện được một số chức năng mà người sử dụng thường làm bằng các ứng dụng trên điện thoại như là đặt vé máy bay, đặt phòng hay chỉ đơn thuần là trả lời các câu hỏi (tương tự như là trò chuyện với ChatGPT chẳng hạn). Giá của mỗi chiếc là 199$.

Sản phẩm này ngay lập tức đã thu hút sự chú ý của các tín đồ công nghệ. Chỉ trong 24 giờ kể từ khi ra mắt, lô đầu tiên gồm 10.000 chiếc Rabbit R1 đã được bán sạch. Tiếp theo là 4 đợt nữa cũng nhanh chóng được bán hết và hiện công ty đang nhận đặt hàng cho đợt thứ 6 cho 50.000 chiếc.

Một câu hỏi rất nhanh chóng được dư luận đặt ra là: Tại sao công ty không làm một ứng dụng có chức năng tương tự cho điện thoại?

Thắc mắc này có vẻ rất tự nhiên bởi vì một ứng dụng sẽ tiết kiệm chi phí hơn (vì không phải sản xuất phần cứng) và tiếp cận được nhiều người dùng hơn vì tận dụng được lượng người dùng điện thoại thông minh khổng lồ hiện giờ.

Nhưng ông Jesse Lyu, giám đốc của Rabbit đã nghĩ khác. Trả lời trên truyền thông, doanh nhân công nghệ Trung Quốc này cho biết, nếu làm ứng dụng, công ty ông sẽ gặp nhiều rủi ro khi hợp tác với Apple, đồng thời khó bảo vệ được ý tưởng của mình khỏi bị các đối thủ cạnh tranh sao chép. Vì thế, công ty ông quyết định biến Rabbit R1 thành một thiết bị phần cứng riêng biệt.

Ông nói: “(nếu làm ứng dụng trên iPhone) ngay ngày mai, Siri (ứng dụng trợ lý ảo của Apple) sẽ có tất cả các chức năng như của chúng tôi, thậm chí còn làm tốt hơn cả chúng tôi”.

Có lẽ vì thế mà vị giám đốc này nói ông muốn tránh hợp tác với Apple càng nhiều càng tốt. Ông cho biết, biến Rabbit thành một ứng dụng trên iPhone cũng tương tự như trao luôn tài sản trí tuệ của mình cho Apple vì lúc đó Apple sẽ nắm toàn quyền trên kho ứng dụng của họ.

Bên cạnh đó, nếu làm ứng dụng thì có thể sẽ xuất hiện rất nhiều ứng dụng tương tự và cướp đi người dùng của Rabbit.

Ông Lyu nói: “Bạn bây giờ có thể rất thành công trên App Store nhưng bạn sẽ không có cảm giác an toàn. Nếu ngày mai có một ứng dụng tương tự và tốt hơn, người dùng sẽ bỏ sang đó ngay lập tức”.

Chính vì thế nên sản xuất một thiết bị phần cứng riêng biệt sẽ là giải pháp tối ưu để bảo vệ mô hình AI độc đáo của mình khỏi bị dễ dàng sao chép, cũng như để tạo sự khác biệt trong một thị trường ứng dụng AI đang mọc như “nấm sau mưa” hiện nay.

Rabbit R1 là một cái tên mới nhất trong danh sách các thiết bị AI mới “sinh ra đời”. Cách đây 3 tháng, công ty Humane đã giới thiệu ghim cài AI. Hai tháng trước Meta hé lộ phiên bản mới nhất của kính thông minh Ray-Ban có tích hợp AI.

NHƯ VẬY LÀ

Sản xuất thiết bị tích hợp AI là một hướng đi rất mới mẻ trong thị trường đồ công nghệ tiêu dùng hiện nay. Vì thế nó nhận được khá nhiều hoài nghi về tính thực tế. Tuy vậy, với sự quan tâm nhiệt tình của người tiêu dùng với Rabbit R1, có thể dự đoán sẽ còn thêm nhiều thiết bị mới nữa ra đời trong năm nay.