Landini Associates là một công ty tư vấn thiết kế bán lẻ và thương hiệu có trụ sở tại Úc, là bên tạo ra những tác phẩm thăng hoa tại những nơi mà người ta ít ngờ đến nhất.
Chẳng hạn, họ từng cho ra đời cửa hàng McDonald’s phong cách vị lai tại Nhà ga số 1 ở sân bay Sydney. Cửa hàng này sở hữu một nhà bếp ở tầng 2, lơ lửng phía trên quầy gọi món. “Kết nối” hai tầng này là một hệ thống dây chuyền với nhiệm vụ vận chuyển đồ ăn từ bếp xuống quầy gọi món.
Gần đây hơn, vào năm 2022, họ nhận được đơn đặt hàng từ Bưu điện Úc với yêu cầu phát triển và triển khai thiết kế theo hướng vị lai cho hơn 4.000 bưu điện trên khắp đất nước. Và dự án đang dần vào những giai đoạn cuối cùng, khi chỉ vài tuần trước, nguyên mẫu một bưu điện rất khác biệt và có hơi hướng hướng về mảng bán lẻ đã được ra mắt tại Orange, một thành phố ở New South Wales với dân số khoảng 44.000 người. Tổng giám đốc Paul Graham của Bưu điện Úc gọi đây là “bưu điện của tương lai”.
Và dưới đây là bốn điều đặc sắc tại bưu điện Úc thế hệ mới có thể khiến những người dùng của các nước khác ghen tị:
1. Có phòng thử đồ
Không giống Mỹ, Úc có hệ thống tủ khóa giao bưu kiện rất lớn, tiện lợi, an toàn, nơi các nhà bán lẻ có thể đặt bưu kiện vào đó để người dùng đến lấy mà không sợ trộm cướp.
Bưu điện Úc cũng rất mạnh mảng này, sở hữu khoảng 57.000 tủ khóa đặt bưu kiện. Các tủ khóa thường được thiết lập bên trong hoặc ngay sát bưu điện. Người dùng có thể sử dụng cả ngày lẫn đêm. Trong năm tài chính 2023, Bưu điện Úc giao hơn 6 triệu bưu kiện vào các tủ khóa này, tăng 30% so với năm trước.
Chú ý đến điều này, Landini đã cho xây dựng các phòng thay đồ ngay tại bưu điện. Theo giải thích từ Giám đốc Sáng tạo Mark Landini, các mặt hàng mua qua mạng kiểu này thường là quần áo, thứ sản phẩm rất dễ bị hoàn lại nếu không vừa kích cỡ. Tức là giờ đây, khách hàng có thể nhận hàng tại các tủ khóa, thử đồ, và nếu không hợp thì có thể để lại hàng tại bưu điện để nhân viên tiến hành hoàn trả. Tất cả các bước này đều có thể thực hiện ngay tại bưu điện, thay vì phải nhận hàng, đem về nhà thay rồi ra bưu điện trả lại hàng nếu không vừa như trước đây.
2. Có khu bán lẻ (kèm một cửa hàng Apple nhỏ)
Landini nhận định rằng trong thời đại kỹ thuật số hiện nay, các bưu điện có thể sử dụng những không gian trống của mình theo cách mới mẻ và hiệu quả hơn. Với lối suy nghĩ ấy, Landini đã cho ra đời một góc bán lẻ ở bưu điện Orange chuyên bày bán hàng hóa từ các nghệ nhân và thợ thủ công người Úc.
Không chỉ vậy, Apple cũng mở một cửa hàng nhỏ ngay trong bưu điện này. Theo Landini, mặc dù Apple có nhiều khách hàng ở Orange, nhưng thị trường ở đây vẫn không đủ lớn để có thể thiết lập một cửa hàng Apple độc lập. Vậy nên chọn náu mình tại một nơi như bưu điện là một đường lối thuận tiện cho cả thương hiệu lẫn người tiêu dùng.
3. Không cần xếp hàng
Nếu ở các bưu điện kiểu cũ, khách hàng phải xếp hàng chờ đến lượt thực hiện dịch vụ, thì với bưu điện mới, khách hàng có thể quét mã QR, điền loại dịch vụ và nhận tin nhắn cho biết khi nào đến lượt của họ.
4. Có quầy bán đồ uống
Bưu điện kiểu mới ở Orange có quầy bán đồ uống với nhân viên pha chế tại chỗ. Đó là một ý tưởng khá thú vị, bởi vì vốn dĩ logo của Bưu điện Úc đã có vẻ rất giống một tách cà phê.