Thực tế, chiến lược marketing của Baemin không đến nỗi nào, họ xuất hiện rất thân thiện với nhận diện thương hiệu màu xanh ngọc, chữ trắng. Đội ngũ quản lý ứng dụng rất biết cách thủ thỉ vào tai khách hàng.
Chiến lược “Việt hóa”
Chẳng hạn, kỷ niệm mốc thời gian 3 năm có mặt tại Việt Nam, Baemin gửi thông điệp: “Cảm ơn bạn 3 năm qua đã mở app Baemin khi đói bụng”; “Cảm ơn bạn 3 năm qua đã giành vài giây xem quảng cáo của Baemin mỗi khi dừng đèn đỏ”.
Người Hàn cũng tỏ ra rất hiểu ngôn ngữ “teen” của giới trẻ Việt, chẳng hạn ở TPHCM treo biểu ngữ: “Gò Vấp, anh thuộc lòng, em bằng lòng, anh giao!”; ở Hà Nội: “Hoàn Kiếm, anh biết rõ, nhà trong ngõ, anh giao!”.
Kết quả cho thấy, các chiến dịch, event khuếch tán thương hiệu mang phong cách “Việt hóa” đem lại kết quả tốt, Baemin khởi đầu không thể tuyệt vời hơn khi chiếm được 12% thị phần, đánh bại Gojek – song hành cùng Grab Food và Shopee Food thống trị thị trường giao đồ ăn tại Việt Nam.
Nhưng chưa đủ!
Kinh doanh trên nền tảng số ngày nay, việc tút tát hình ảnh nhận diện thương hiệu hay ho và cuốn hút – không phải khi nào cũng đồng nghĩa với tính tích cực của các con số thống kê khô khan. Mạng xã hội có thể ảo, nhưng con số luôn là thật. Vì vậy, nhiều chuyên gia truyền thông số cùng quan điểm, Baemin “chết” vì ảo nhiều hơn thật.
Nói là ảo không phải Baemin lừa dối khách hàng, nhưng chiêu thức “đốt tiền” cho marketing digital mới chỉ giải quyết phần ngọn của vấn đề; cái gốc của mỗi sản phẩm còn được cấu thành bởi rất nhiều yếu tố “định giá”, “phát triển sản phẩm” và “bán hàng”. Người Việt lại thích “ngon, bổ và rẻ”.
Ví dụ, giai đoạn đầu Baemin còn được hỗ trợ bởi các đối tác nên có thể chiết khấu cao, giúp hạ giá bán, nhưng đại dịch COVID-19 rút cạn hầu bao của các quỹ đầu tư, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu nên Baemin rơi vào trạng thái mất cân bằng tài chính.
Ngoài nguyên nhân thuộc về chủ quan, Baemin cũng chỉ là đại diện của một trong rất nhiều lĩnh vực kinh doanh đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Phản ánh bản chất tâm lý mang tính bản năng của con người.
Trong bối cảnh này, dịch vụ đặt đồ ăn qua mạng có thể xếp vào nhóm không quá cần thiết. Do vậy, những cái “chết” như Baemin không chỉ dừng lại ở đó, hàng loạt thương hiệu đang “vã mồ hôi hột” có thể sụp xuống bất cứ lúc nào.