Người khuyết tật thuộc nhóm người yếu thế trong xã hội. Cơ hội việc làm bình đẳng cho người khuyết tật là mục tiêu của rất nhiều quốc gia nhưng việc thực thi vẫn là một bài toán hóc búa. Theo thống kê của Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Việt Nam hiện có hơn 7 triệu người khuyết tật, tương đương với khoảng 7% dân số. Tuy nhiên, chỉ có 31,7% người khuyết tật trung bình và 7,8% người khuyết tật nặng là có việc làm.
Mặc dù trong những năm gần đây, vấn đề dạy nghề, tạo ra cơ hội việc làm cho người khuyết tật, giúp họ hòa nhập xã hội đã nhận được nhiều sự quan tâm, nhưng người khuyết tật tại Việt Nam vẫn chưa được tiếp cận các cơ hội giáo dục và việc làm một cách công bằng và đầy đủ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chưa thực sự chú ý và quan tâm tới việc mang đến cơ hội việc làm bình đẳng cho người khuyết tật.
Trước tình trạng này, một số nước thậm chí đã đưa “hạn ngạch” người lao động khuyết tật trong doanh nghiệp vào luật. Ví dụ như các công ty của Campuchia phải tuyển dụng 1 người khuyết tật cho mỗi 100 lao động, và các cơ quan, tổ chức của chính phủ phải tuyển dụng 1 lao động khuyết tật cho mỗi 50 lao động. Trung Quốc có quy định chống phân biệt đối xử, đặt ra hạn ngạch 1,5% lao động của một doanh nghiệp là người khuyết tật, còn hạn ngạch của Indonesia là 1 trên 100 lao động.
Tuy nhiên, bây giờ có những góc nhìn khác về vai trò của người lao động khuyết tật trong thời đại mới. Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE), tại Diễn đàn “ESG – Cơ hội và thách thức việc làm cho người khuyết tật” ngày 1/12/2023 cho biết: “Người khuyết tật cần được nhìn nhận là một lực lượng lao động tiềm năng của xã hội, thay vì là đối tượng ưu tiên. Điều này có nghĩa là mọi doanh nghiệp đều cần quan tâm thực sự đến tạo việc làm cho người khuyết tật để họ được cơ hội việc làm bình đẳng như nhau”.
Hiện nay, phát triển bền vững đang là xu thế bắt buộc đối với doanh nghiệp. Trong đó ESG là một tiêu chí rất quan trọng. ESG là viết tắt của Environmental (Môi trường), Social (Xã hội), Governance (Quản trị).
Bà Hà Thu Thanh chia sẻ thêm: “Những khoản đầu tư góp phần tạo công ăn việc làm cho nhóm người lao động khuyết tật có thể được gọi là chi phí tạo tác động xã hội, trở thành giá trị mà doanh nghiệp mong muốn đóng góp, là một phần cấu của chữ S trong ESG”.
Như vậy, với xu hướng ESG, cơ hội việc làm bình đẳng cho người khuyết tật sẽ được mở rộng hơn. Điều này mang lại lợi ích cho cả người khuyết tật lẫn doanh nghiệp. Ví dụ: 75% nhân viên khuyết tật ở Hoa Kỳ có những ý tưởng giúp nâng cao giá trị cho công ty của họ, so với 61% nhân viên không khuyết tật.
Bằng cách đón nhận sự đóng góp của người khuyết tật, các doanh nghiệp có thể tăng cường thực hành ESG, nâng cao danh tiếng và tạo ra một môi trường toàn diện và bền vững hơn, nơi làm việc cho tất cả mọi người.
Bà Đào Thu Hương, cán bộ Chương trình Hòa nhập Người khuyết tật, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) cho rằng: Lợi ích cho doanh nghiệp khi tuyển dụng người khuyết tật là khả năng tiếp cận một thị trường rộng lớn và chưa được khai thác với hơn 1,3 tỷ người khuyết tật và khả năng chi tiêu là 8 nghìn tỷ USD.
Nhiều doanh nghiệp lớn bắt đầu đi tiên phong trong việc sử dụng người lao động khuyết tật một cách đại trà. Grab tuyên bố sẽ tăng gấp đôi số lượng người yếu thế có cơ hội kiếm thêm thu nhập thông qua nền tảng Grab vào năm 2025. Uniqlo cũng là một trong những thương hiệu tiên phong tạo điều kiện cho người khuyết tật làm việc tại các cửa hàng của mình tại Việt Nam. Đặc biệt, các nhân viên này còn được hãng thiết kế một tấm thẻ đeo màu xanh lá cây để dễ dàng giao tiếp với khách hàng.
Như vậy có thể thấy, hòa nhập người khuyết tật không chỉ là sự thôi thúc lương tâm, một việc làm từ thiện, mà còn là trách nhiệm xã hội, lợi thế chiến lược cho các doanh nghiệp muốn thành công trong kỷ nguyên ESG.