Chuyển đổi số đang được đẩy mạnh trong cộng đồng doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) chiếm phần nhiều. Quan trọng nhất được tạo ra từ quá trình chuyển đổi số chính là dữ liệu - một loại tài nguyên mới hỗ trợ rất hiệu quả cho hoạt động vận hành, quản lý, quản trị doanh nghiệp.
Trong khi nhận thức của doanh nghiệp về tầm quan trọng, sự cần thiết phải chuyển đổi số đã được nâng lên và chuyển biến thành hành động cụ thể thì việc sử dụng tài nguyên dữ liệu sao cho hiệu quả lại đang trở thành mối quan tâm lớn của các nhà quản trị. Đặc biệt, khác với những tài nguyên trước đó, càng phát triển càng làm cạn kiệt tài nguyên thì hiện nay, nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói chung càng phát triển thì càng có thêm nhiều tài nguyên dữ liệu.
Nhiều chuyên gia từng nhận định rằng, dữ liệu của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có quy mô lớn có thể tăng theo cấp độ nhân. Nguồn dữ liệu khổng lồ đó, không chỉ đến từ các phòng, ban khác nhau trong nội bộ doanh nghiệp mà còn kết nối với các công ty, đối tác và khách hàng bên ngoài.
Từ góc nhìn của doanh nghiệp công nghệ số, bà Nguyễn Ngọc Lệ - Giám đốc Trung tâm kinh doanh công ty cổ phần MISA nhấn mạnh: nếu thu thập, quản lý và khai thác tốt dữ liệu có thể hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều trong hoạt động, vận hành, giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí, nguồn lực cũng như đưa ra quyết định, xây dựng chiến lược hoạt động hiệu quả. Điều này, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp hơn; gia tăng năng suất lao động nhiều lần.
Đặc biệt, trong giai đoạn công nghệ và trí tuệ nhân tạo phát triển mạnh mẽ như hiện nay, dữ liệu được ứng dụng AI hiệu quả và năng suất lao động còn tăng gấp nhiều lần thông qua khả năng có thể xử lý lượng lớn dữ liệu, tính toán nhanh chóng. Theo đại diện của MISA, AI có thể viết email giới thiệu sản phẩm gửi tới khách hàng nhanh gấp 36 lần so với con người. Hay AI có thể thiết kế bộ ảnh thời trang nhanh hơn 24 lần; thiết kế giao diện website nhanh gấp 10 lần lập trình viên.
Nhấn mạnh quản trị doanh nghiệp dựa trên dữ liệu là xu thế tất yếu, bà Nguyễn Ngọc Lệ cho biết thêm, của quản trị doanh nghiệp bằng dữ liệu thường có 5 cấp độ là vận hành theo thói quen; cấp độ nắm bắt; cấp độ phân tích; cấp độ nguyên nhân và cấp độ chiến lược. Hiện nay, tại nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã chuẩn hoá quy trình này và đang vận hành hoạt động của mình rất hiệu quả, nhất là dữ liệu hỗ trợ ra quyết định, xây dựng chiến lược hiệu quả.
Tuy nhiên, với không ít doanh nghiệp SMEs, theo đại diện MISA hiện đang “mắc kẹt” ở cấp độ 2 - nắm bắt, chưa tận dụng được hết tiềm năng của dữ liệu để tiến lên các cấp độ cao hơn. Đồng thời, trong quá trình chuyển đổi số, có 3 thách thức, rào cản chính khiến việc vận hành chưa thể dựa trên dữ liệu. Đó là, ứng dụng rời rạc; không kế thừa dữ liệuvà chi phí cao.
Phân tích cụ thể hơn, bà Nguyễn Ngọc Lê cho hay, ở nhiều doanh nghiệp, có tình trạng mỗi bộ phận, phòng ban sử dụng nhiều giải pháp, ứng dụng khác nhau nên có khi cùng một thông tin, các phòng, ban vẫn phải nhập đi nhập lại. Dữ liệu phân mảnh và không kết nối được với nhau, không hỗ trợ để vận hành doanh nghiệp một cách tối ưu, hiệu quả.
Chưa kể, một số giải pháp, ứng dụng chỉ phù hợp với mỗi giai đoạn phát triển của doanh nghiệp, khi cần thay thế thì không có sự liên thông, khó kế thừa dữ liệu lịch sử. Hay có doanh nghiệp lựa chọn giải pháp chưa phù hợp, không được “may đo” cho vừa nên chi phí cao mà lại dư thừa tính năng.
Từ thực tế trên, bà Nguyễn Ngọc Lệ lưu ý doanh nghiệp nên xây dựng, tổ chức dữ liệu ngay từ thời kỳ đầu khi mới thành lập, chi phí sẽ rẻ hơn nhiều so với việc đợi đến lúc doanh nghiệp phát triển có quy mô lớn hơn mới tính đến việc xây dựng. Ngoài ra, với các doanh nghiệp đã phát triển nhiều năm, cần tính toán, có kế hoạch quản trị, vận hành dựa trên dữ liệu càng sớm càng tốt.
Yêu cầu quan trọng nhất là có giải pháp công nghệ hỗ trợ hội tụ được dữ liệu thông qua hệ sinh thái số để vận hành trên dữ liệu hiệu quả. Hiện nay, việc tư vấn, hỗ trợ sản phẩm, giải pháp phù hợp đã được các doanh nghiệp ICT Việt Nam thực hiện rất tốt.