Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội chia sẻ với DĐDN về việc doanh nghiệp sẽ không sẵn sàng đầu tư nếu kỳ vọng về môi trường đầu tư chưa tốt lên.
- Thách thức lớn đối với đà phục hồi kinh tế trong những tháng tới đang được “bôi đậm” bởi các chỉ số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lớn, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI), Chỉ số Sản xuất công nghiệp chưa phục hồi, tiêu dùng nội địa giảm mạnh, một số ý kiến đề nghị Quốc hội cần có chính sách dài hạn để doanh nghiệp lên kế hoạch kinh doanh phù hợp, thưa ông?
Nguyên tắc điều hành kinh tế vĩ mô là phải đủ dài, có dự báo, được đo, đếm tác động. Nhà nước chỉ áp dụng chính sách ngắn hạn như chính sách tài khoá và tiền tệ để sửa chữa hoặc kích thích cho một lĩnh vực cụ thể nào đó trong giai đoạn ngắn hạn. Còn các chính sách khác phải đủ dài thì doanh nghiệp mới lên được kế hoạch đầu tư, kinh doanh.
Đơn cử, kế hoạch đầu tư một dự án từ 20 năm đến 25 năm, nếu chính sách liên tục thay đổi thì doanh nghiệp sẽ không thể dự đoán được chu kỳ kinh doanh sẽ như thế nào.
Chẳng hạn, bây giờ chúng ta đưa ra chính sách giá điện gió nhưng thay đổi 5 năm/lần thì sẽ không có doanh nghiệp nào dám đầu tư. Bởi, khi doanh nghiệp đã đầu tư thì phải nhìn thấy xu hướng ổn định, lộ trình tăng giá điện bao nhiêu %/năm… khi đó doanh nghiệp mới tính được bài toán tài chính, kinh tế.
Quy hoạch điện VIII ra đời chậm, kế hoạch thực hiện, chính sách giá, cách thức đấu thầu không có… đã dẫn đến việc nhà đầu tư không “mặn mà” với các dự án điện. Điều quan trọng đối với các nhà đầu tư là khi bỏ tiền đầu tư thì phải biết sẽ thu về được bao nhiêu, nhưng vì chính sách giá không có nên không tính được số tiền thu về.
Nhà đầu tư thấy có lãi, trả được nợ, thu hồi được vốn đầu tư… thì mới đầu tư. Còn nếu chính sách không ổn định, nay thay đổi mai biến động doanh nghiệp sẽ không tính được bài toán tài chính nên không thể mạo hiểm đầu tư.
- Những năm qua đã có nhiều chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi kinh tế, nhưng tại sao lại chỉ tính toán thời hạn 6 tháng, thưa ông?
Nhà nước không dùng hai công cụ tiền tệ và tài khoá để điều hành kinh tế vĩ mô dài hạn, vì sẽ tạo ra sự bất ổn cho nền kinh tế. Ví dụ, khi giảm thuế VAT thì sẽ giảm nguồn thu, như vậy sẽ gây mất cân đối tài chính công, từ đó dẫn đến việc Chính phủ bị thiếu nguồn lực để điều hành các ngành kinh tế khác.
Như vậy, việc giảm thuế VAT chỉ áp dụng khi các doanh nghiệp kinh doanh trì trệ để giảm giá, kích cầu. Đây là giải pháp “cấp thiết” hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn nhất, nhưng không phải lúc nào giảm thuế cũng mang lại hiệu quả. Vì, thuế VAT là thuế gián thu không trực tiếp đánh vào doanh nghiệp, chủ yếu là hỗ trợ cho người dân được mua hàng giá rẻ.
Hiện nay, dưới góc nhìn của Chính phủ và các đánh giá của chuyên gia kinh tế giảm thuế VAT đang có tác dụng tốt đến việc hỗ trợ doanh nghiệp nên mới có đề xuất tiếp tục áp dụng chính sách này trong 6 tháng cuối năm 2024.
Cá nhân tôi cho rằng, việc này cần phải được tính toán cẩn trọng xem mức độ tác động của việc giảm thuế này kích thích như thế nào đến phát triển kinh tế và và doanh nghiệp. Bởi, có khi doanh nghiệp đang khó khăn ở khu vực giảm thuế lại không hỗ trợ được cho doanh nghiệp thì việc giảm không có tác dụng.
- Với các doanh nghiệp hiện nay, việc hỗ trợ thuế, phí có lẽ không phải là ưu tiên mà là hỗ trợ để cải thiện năng lực cạnh tranh, thưa ông?
Nòng cốt sức mạnh của nền kinh tế là doanh nghiệp, doanh nghiệp mạnh thì thực lực nền kinh tế mới vững bền mà không phải phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI, mặc dù đây là thành phần rất quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam.
Chúng ta muốn thu hút doanh nghiệp FDI đến để cùng hợp lực, tạo nên sức mạnh của nền kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, cốt lõi vẫn phải là sức mạnh các doanh nghiệp trong nước, đây mới là sức mạnh thực.
Để tăng cường “sức khoẻ” cho doanh nghiệp Việt, cần phải có những chính sách hỗ trợ đồng bộ nhằm giúp doanh nghiệp lớn mạnh hơn. Thuế, phí là một mảng quan trọng, nhưng bên cạnh đó cũng cần phải có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp về vốn, công nghệ, đất đai, lao động… Chính các yếu tố này cũng sẽ thu thút các doanh nghiệp FDI.
- Ông có đề xuất, kiến nghị gì để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong những tháng tới đây?
Thời gian vừa qua Chính phủ đã có nhiều giải pháp thiết thực hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, vấn đề là khả năng tận dụng của doanh nghiệp. Đơn cử, về vốn chúng ta đang có mức lãi suất vay hấp dẫn. Cơ bản doanh nghiệp có đủ năng lực để sử dụng nguồn vốn vay thấp đó hay không.
Đối với chính sách thuế, phí Chính phủ cũng đã thực hiện để tạo cơ hội cho doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn vừa qua.
Tuy nhiên, Chính phủ vẫn cần cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai dễ dàng và nhanh chóng hơn.
- Trân trọng cảm ơn ông!