Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 4/1/2024 về tăng cường tiết kiệm chi ngân sách nhà nước.
Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sát sao, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước được đẩy mạnh và đã đạt được những kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, theo kết quả giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, kết luận của các cơ quan thanh tra, Kiểm toán Nhà nước và qua tổng hợp báo cáo, quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm cho thấy vẫn còn những tồn tại, hạn chế, lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công,… ảnh hưởng đến kỷ cương, kỷ luật hành chính và hiệu quả sử dụng nguồn lực ngân sách nhà nước.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, đáp ứng yêu cầu quản lý, tiết kiệm chi, thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của pháp luật, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương (sau đây gọi chung là bộ, cơ quan trung ương), Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là địa phương) tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp.
Về xây dựng, hoàn thiện thể chế, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tập trung thực hiện rà soát, đánh giá, tổng kết và khẩn trương nghiên cứu, đề xuất các cấp có thẩm quyền sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan theo quy định tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 và Đề án "Đổi mới cơ chế phân cấp quản lý, phân bổ ngân sách nhà nước để bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và chủ động của ngân sách địa phương, các cơ quan, đơn vị có liên quan" để tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả.
Tập trung nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013 và các luật, văn bản pháp luật có liên quan, khắc phục tình trạng chồng chéo, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Tiếp tục rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về chi ngân sách nhà nước, cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, quản lý sử dụng tài sản công theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, Chính phủ.
Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Giao thông vận tải theo chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền được giao tiếp tục rà soát, hoàn thiện, ban hành định mức, đơn giá phù hợp; chỉ đạo quản lý đầu tư công chặt chẽ, tiết kiệm chi ngay từ khâu lập, thẩm định, phê duyệt dự án và thiết kế, dự toán xây dựng công trình.
Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục rà soát trình cấp có thẩm quyền ban hành đầy đủ các quy định, hướng dẫn triển khai thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ.
Thực hiện nghiêm các nhiệm vụ theo quy định tại Điều 4 Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Tăng cường tiết kiệm chi thường xuyên; đẩy mạnh cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên gắn với đổi mới cơ chế phân bổ chi thường xuyên, bảo đảm chi cho con người, an sinh xã hội, y tế, môi trường, quốc phòng, an ninh và các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ... theo quy định của pháp luật.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng bền vững, giảm tỷ trọng chi thường xuyên; tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, chi trả nợ trong tổng chi ngân sách nhà nước và giảm bội chi ngân sách nhà nước theo quy định tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội; bảo đảm giai đoạn 2021 - 2026, tỷ trọng chi thường xuyên bình quân khoảng 62 - 63% tổng chi ngân sách nhà nước, phấn đấu giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống khoảng dưới 60%.
Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tổ chức thực hiện chi ngân sách nhà nước theo dự toán được giao, bảo đảm phân bổ, giao dự toán cho các đơn vị sử dụng ngân sách và cấp dưới theo đúng thời hạn và quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn...
Nguồn: toquoc.vn
Đang gửi...