Quản lý thuế qua thương mại điện tử đối với hàng hóa có giá trị nhỏ

11:27 - 22/06/2024

Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đề nghị thu thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa được luân chuyển qua các sàn thương mại điện tử có giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng.

Quản lý thuế qua thương mại điện tử đối với hàng hóa có giá trị nhỏ

 

Hàng tỷ USD hàng hóa không thu được thuế

Hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam phát triển rất mạnh với tốc độ tăng bình quân từ 20 – 25%/năm, thuộc nhóm 5 nước dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng. Quy mô thương mại điện tử đạt trên 20 tỷ USD/ năm, chiếm 8% tổng doanh thu hàng hóa tiêu dùng cả nước. Nhưng thực tiễn cũng đang đặt ra yêu cầu về nghiên cứu thu thuế giá trị gia tăng đối với hàng hoá nhập khẩu có giá trị nhỏ khi giao dịch qua sàn thương mại điện tử. Mới đây, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đã đề nghị Chính phủ nghiên cứu thu thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa được luân chuyển qua các sàn thương mại điện tử có giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng.

Theo Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, với sự bùng nổ của thương mại điện tử xuyên biên giới, lượng giao dịch hàng hóa có giá trị nhỏ xuyên biên giới đã tăng gấp nhiều lần trong thời gian qua. Hàng ngày có trung bình 4 – 5 triệu đơn hàng được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam qua các sàn thương mại điện tử, với giá trị mỗi đơn hàng được chia nhỏ từ 100.000 – 300.000 đồng. Với số lượng này, hàng ngày trung bình có khoảng 45 – 63 triệu USD, tương đương một tháng khoảng 1,3 – 1,9 tỷ USD giá trị hàng hóa được luân chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam, nhưng không thu được thuế.

Bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết: “Hiện nay, theo Quyết định 78 của Chính phủ, hàng hóa từ nước ngoài chuyển về qua phương thức chuyển phát nhanh có giá trị từ một triệu đồng trở xuống không phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế nhập khẩu. Rõ ràng, nếu trường hợp này, họ chia nhỏ ra thì chưa bình đẳng về thuế giữa hàng hóa trong nước với hàng hóa chuyển từ nước ngoài về.

Về nguyên tắc, không có thuế thì giá đó không có thuế giá trị gia tăng. Tuy nhiên, việc quy định giá bán do người bán quyết định và có thể người mua vẫn chịu giá như hàng trong nước nhưng chênh lệch lãi do người bán lại được hưởng qua lãi của mình do nhập từ nước ngoài về. Đó chính là sự bất bình đẳng.

Nếu như có tình trạng một triệu đồng trở xuống gửi qua chuyển phát nhanh và bây giờ thương mại điện tử rất thuận lợi, tất cả hàng chuyển phát nhanh dưới một triệu đồng không phải thuế, người bán hàng sẽ lợi dụng quy chế đó và tôi tin rằng, người ta sẽ không bán rẻ hơn những lô hàng như thế. Nhập khẩu bình thường phi mậu dịch đủ thuế, từ đó người tiêu dùng dù không có thuế nhưng giá cũng như giá có thuế. Còn lãi thì người bán hàng hay người nhập khẩu sẽ được hưởng lợi. Rõ ràng, điều đó không công bằng giữa các nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng, người bán hàng truyền thống cũng như trên sàn thương mại điện tử. Bởi vì, đây là người bán họ hưởng chứ không phải người mua được hưởng”. 

Theo Bộ Công Thương, trích dẫn từ báo cáo Metric (nền tảng số liệu về thương mại điện tử), trong ba tháng đầu năm nay, người Việt chi bạo hơn cho mua sắm trực tuyến. Doanh số của 5 ông lớn thương mại điện tử tại Việt Nam đạt 71.200 tỷ đồng, tăng gần 79% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này vượt xa kỳ vọng, bởi theo nhiều dự báo, doanh số thị trường thương mại điện tử năm nay chỉ tăng khoảng 35% so với năm 2023.

Quản lý thuế qua thương mại điện tử đối với hàng hóa có giá trị nhỏ

Trong ba tháng đầu năm nay, người Việt chi bạo hơn cho mua sắm trực tuyến

Chính sách thuế cần phù hợp với tình hình thực tế

Với sự bùng nổ của thương mại điện tử xuyên biên giới, lượng giao dịch hàng hóa có giá trị nhỏ xuyên biên giới đã tăng gấp nhiều lần trong thời gian qua.

Doanh nghiệp này chuyên làm dịch vụ thông quan hàng nhập khẩu cho hàng hoá của trang Thương mại điện tử Shopee từ các nhà bán hàng ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Nhu cầu mua sắm online tại Việt Nam đang ngày càng lớn nên lượng hàng hoá đã tăng rất mạnh theo từng năm.

Bà Nguyễn Thị Nghiệp – Trưởng Trung tâm Khai báo – Khai thác, Công ty CP Công nghệ Thần tốc chia sẻ: “Một hai năm nay số lượng hàng tăng lên nhiều nên nhân viên của chúng tôi tăng gấp 3 gấp 4 so với những năm trước để phục vụ cho công việc thông quan hàng hóa”.

Chun buộc tóc hay ốp điện thoại, đa dạng các loại hàng hoá, trung bình mỗi tháng đơn vị này tiếp nhận và làm thủ tục thông quan nhập khẩu cho gần 25 triệu gói hàng giá trị chỉ từ vài nghìn đồng tới hai ba trăm nghìn đồng. Sản lượng hàng hoá tăng cao theo từng năm. Ví dụ năm nay tăng gấp rưỡi so với năm ngoái và đặc biệt, vào những dịp khuyến mại thì lượng hàng hoá còn tăng cao hơn nhiều so với ngày thường.

Ông Hà Sỹ Đồng – Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nêu ý kiến: “Tôi cũng rất đồng với nhiều ý kiến thảo luận ở Quốc hội là phải siết chặt và có quy chế để đánh thuế các mặt hàng thương mại điện tử và các hàng gửi qua đường bưu điện đến người tiêu dùng để mang tính công bằng cũng như là tránh thất thu thu”.

Việc Việt Nam miễn thuế với những hàng nhập khẩu nhỏ lẻ cũng là thực hiện theo Công ước quốc tế Kyoto về đơn giản hoá thủ tục hải quan. Tuy nhiên hiện một số quốc gia trên thế giới đã bỏ quy định này.

Ông Đặng Ngọc Minh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính nhận định: “Trong thời gian vừa rồi, nhiều nước có sự thay đổi. Chúng ta có thay đổi hay không thì Chính phủ và Quốc hội sẽ cân nhắc để sửa đổi các quy định này. Khi có sửa đổi, ngành thuế và hải quan sẽ triển khai các biện pháp để thực hiện quản lý chặt đối với các hàng nhỏ lẻ”.

PGS.TS. Lê Xuân Trường – Trưởng khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính đưa ra ý kiến: “Rõ ràng việc này chúng ta nên sửa đổi, áp dụng thủ tục hải quan điện tử vẫn có thể thực hiện hài hòa hóa, đơn giản hóa thủ tục hải quan để đẩy nhanh thời gian thông quan mà vẫn thu được thuế trong bối cảnh hiện nay chứ không giống như trước đây là thủ tục hải quan giấy mà mình thu được ít tiền thuế, thủ tục rườm rà”.

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, “khi tham gia các công ước quốc tế về đơn giản và hài hòa thủ tục hải quan, chúng ta tham gia Luật Việt Nam ký kết với công ước thỏa thuận quốc tế. Từ đó, Việt Nam ban hành ra quyết định không thu thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng đối với các hàng hóa gửi chuyển phát nhanh. Ở đây, chúng tôi muốn nói rằng, gửi qua chuyển phát nhanh, còn hàng hóa mua bán bình thường thì giá trị gì cũng phải thu thuế. Nhưng người ta đã lợi dụng chuyển phát nhanh chuyển qua các sàn thương mại điện tử vì vậy không thu thuế. Và khi đưa ra quy định này, Việt Nam cũng đã nghiên cứu số liệu của các nước như Anh, Singapore, Thái Lan… Thực tế, các nước này cũng gửi nhiều. Việt Nam thời đó chưa có thương mại điện tử và gửi chuyển phát nhanh thường đắt tiền, bởi vì tiền cước rất cao, cho nên mới đưa ra con số một triệu đồng. Từ năm 2010 đến nay, thời thế thay đổi, thương mại điện tử rất thuận tiện. Bây giờ giá trị thay đổi, từ đó người ta lợi dụng điều đó, từ khi rất ít hàng hóa giờ thành ra tràn ngập. Đó là một phần thất thu thuế rất lớn và rất rõ”.

Hiện một số quốc gia đã bỏ việc miễn thuế này. Chẳng hạn, Liên minh châu Âu bỏ chính sách miễn thuế giá trị gia tăng đối với lô hàng dưới 22 Euro. Cũng có quốc gia trong khu vực như Thái Lan áp thuế giá trị gia tăng 7% với tất cả hàng nhập khẩu được gửi qua bưu chính không phân biệt giá trị. Đối với Việt Nam, vì thực hiện công ước quốc tế về hài hòa và đơn giản thủ tục hải quan, luật quy định giá trị nhỏ tối thiểu thì không thu thuế nhập khẩu và thuế khác.

Bà Nguyễn Thị Cúc nêu ý kiến: “Khi ban hành chính sách chế độ, chúng ta phải xem xét lại thời điểm lịch sử của nó. Thu thuế cũng vậy, thời điểm trước, chúng ta phải thực hiện thu thuế bằng thủ công cũng như khai về hải quan nhiều thủ tục hơn. Cho nên để giảm thiểu, những thủ tục nhỏ lẻ, mình khai thủ tục nhiều dẫn đến chi phí cao. Nhưng bây giờ, khi thực hiện điện tử hóa, số hóa, việc đó thay đổi. Khi thay đổi về công nghệ, có điều kiện về quản lý hàng hóa rất nhanh, việc cắt bỏ cũng là điều bình thường. Như Singapore, Anh, Scotland…, họ đã bỏ. Rõ ràng, người ta xét thời điểm đó là hợp lý nhưng thời điểm này cần phải sửa đổi. Và như vậy, chính sách thuế ngày càng hoàn thiện, phù hợp với tình hình thực tế. Cho nên, trong quá trình đó, khi thực hiện các thủ tục về hải quan điện tử, Bộ Tài chính đã có tờ trình lên Chính phủ, khi làm thủ tục về hải quan điện tử, bỏ luôn quy định không còn miễn thuế đối với những lô hàng dưới một triệu. Vì quyết định đó chỉ nằm ở quyết định. Còn Luật thuế giá trị gia tăng không quy định mà Luật do Quốc hội thông qua. Quyết định của Chính phủ khi thời điểm thay đổi, các nước trên thế giới thay đổi thì mình cũng thay đổi theo là hoàn toàn phù hợp. Chúng tôi nghĩ rằng, bây giờ bỏ Quyết định 78 hoàn toàn hợp lý”.

Quản lý thuế qua thương mại điện tử đối với hàng hóa có giá trị nhỏ

Tăng cường ứng dụng dữ liệu điện tử để quản lý thuế

Tăng cường ứng dụng dữ liệu điện tử quản lý thuế

Hiện nay chúng ta đang tăng cường ứng dụng dữ liệu điện tử để quản lý thuế. Chỉ thị 18 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ. Người bán hàng online không thể giấu danh tính và phải công khai doanh thu, kê khai và nộp thuế. Còn tại Nghị định 91/2022 của Chính phủ, tất cả sàn thương mại điện tử đều phải gửi các thông tin về cho cơ quan thuế định kỳ.

Bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết thêm: “Trước hết, chúng ta phải thay đổi, có nghĩa là bỏ Quyết định 78 của Chính phủ, không còn hiệu lực nữa. Như vậy, tất cả hàng hóa, dù giá trị nhỏ mà thực hiện qua tất cả các kênh kể cả chuyển phát nhanh hay qua các sàn thương mại điện tử đều phải kê khai nộp thuế bình thường. Điểm thứ hai, các sàn thương mại điện tử, ngoài chịu trách nhiệm như Nghị định 91 đã quy định, phải công bố mã số thuế, mặt hàng, các giấy tờ liên quan của những cá nhân, tổ chức kinh doanh trên sàn cho cơ quan thuế theo định kỳ thì phải chịu trách nhiệm về nguồn gốc, xuất xứ mà mình cho bán sản phẩm đó. Như hàng hóa nhập từ đâu, hàng hóa là hàng chính ngạch hay hàng nhập lậu, chất lượng hàng hóa nhãn hàng như thế nào… lúc đó mới đảm bảo tránh tình trạng kê khai gian lận để trốn thuế. Rõ ràng, khi giao dịch trên sàn phải có uy tín với người tiêu dùng, phải chịu trách nhiệm với Nhà nước, bên cạnh cung cấp thông tin, cung cấp địa chỉ, mã số thuế để cơ quan quản lý thuế thu. Còn trường hợp cá nhân nhãn hàng đó không thể nộp thuế trực tiếp được, sàn thương mại điện tử có thể thỏa thuận để nộp thuế thay cho những người nộp thuế có các hàng nhỏ lẻ. Chúng tôi biết hiện nay, một số sàn thương mại điện tử đã nộp thuế thay như Tiktok đã thực hiện nộp thuế thay cho các cá nhân”.

Theo sách trắng thương mại điện tử năm 2023, số lượng người tiêu dùng Việt Nam tham gia mua sắm trực tuyến tăng lên đến 61 triệu người, tăng hơn 7% so với cùng kỳ. Ước tính giá trị mua sắm trực tuyến của mỗi người đạt mức 336 USD/năm, tăng trên 16%. Để tăng cường hiệu quả quản lý thuế thương mại điện tử, chính sách pháp luật thuế và chính sách pháp luật chuyên ngành cần được củng cố, sửa đổi, bổ sung nhằm bao quát toàn bộ các hoạt động thương mại điện tử. Đồng thời, cần quan tâm tạo điều kiện thuận lợi trong việc kê khai, nộp thuế, sử dụng hóa đơn điện tử, tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử.

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thanh toán hóa đơn SCTV

lịch phát sóng trên truyền hình

Báo Thù: Bí mật đằng sau những âm mưu và tội ác chồng chất

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

Nguồn: Vietcombank

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...