Ngân hàng trung ương New Zealand vừa chính thức cắt giảm lãi suất tiền mặt chuẩn lần đầu tiên kể từ tháng 3/2020, khiến đồng USD Kiwi lao dốc.
Đây là động thái nới lỏng đầu tiên của ngân hàng trung ương kể từ đầu năm 2020 và diễn ra sớm hơn một năm so với dự báo của chính ngân hàng này.
Giảm lãi suất sớm hơn dự báo do suy thoái
Quyết định giảm lãi suất 25 điểm cơ bản xuống 5,25% được đưa ra sớm hơn gần một năm so với dự báo của Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ), khiến một số thành viên thị trường bất ngờ và thúc đẩy sự đặt cược vào lộ trình nới lỏng mạnh mẽ kéo dài đến cuối năm 2025.
Các nhà đầu tư phản ứng bằng cách hạ đồng đô la New Zealand xuống 1%
Thị trường đã định giá gần 70% khả năng lãi suất sẽ giảm 0,25 điểm phần trăm sau một loạt dữ liệu kinh tế yếu hơn, nhưng mức cắt giảm này đã vượt qua kỳ vọng của hầu hết các nhà kinh tế, khi 19 trong số 31 nhà kinh tế trong cuộc thăm dò của Reuters dự báo RBNZ sẽ giữ nguyên lãi suất như đã làm kể từ tháng 5/2023.
Ngân hàng trung ương New Zealand cho biết, Ủy ban đã nhất trí nới lỏng mức độ kiềm chế chính sách tiền tệ bằng cách giảm OCR (lãi suất tiền mặt chính thức)”. Đồng thời ám chỉ sẽ có thêm nhiều đợt cắt giảm nữa tùy thuộc vào diễn biến của lạm phát.
Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng ASB, Nick Tuffley cho biết, ông hy vọng RBNZ sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất tiền mặt 25 điểm cơ bản trong các cuộc họp liên tiếp. “Nếu áp lực lạm phát bốc hơi nhanh hơn dự kiến, RBNZ có thể cần phải đẩy nhanh quá trình quay trở lại mức trung lập hơn khoảng 3,25%”, Tuffley nói thêm. ASB Bank cùng với Kiwibank và ANZ Bank đã công bố cắt giảm lãi suất cho vay thế chấp.
Ngân hàng trung ương New Zealand đã đưa ra lưu ý thận trọng rằng chính sách sẽ cần phải duy trì ở mức hạn chế trong một thời gian nữa, nhưng vẫn dự báo lãi suất tiền mặt ở mức 3,85% vào cuối năm 2025.
Abhijit Surya, chuyên gia kinh tế tại Capital Economics cho biết: “Mặc dù Ngân hàng có vẻ thận trọng về việc nới lỏng chính sách hơn nữa, chúng tôi cho rằng họ sẽ cắt giảm lãi suất mạnh mẽ hơn nhiều so với dự đoán của nhiều người”.
Quan điểm của thị trường về việc tiếp tục giảm lãi suất phản ánh dự báo kinh tế ảm đạm của chính ngân hàng trung ương New Zealand. Ngân hàng này dự kiến New Zealand sẽ rơi vào suy thoái kỹ thuật – hai quý liên tiếp nền kinh tế suy giảm – trong năm nay.
Ít nhất sẽ ba lần cắt giảm nữa cho đến giữa năm 2025
Hướng dẫn trước của RBNZ đề xuất ít nhất ba lần cắt giảm nữa vào giữa năm tới, dự kiến lãi suất tiền mặt ở mức 4,9% trong quý IV năm 2024 và 4,4% trong quý II/2025. Trước đó, ngân hàng này không dự kiến sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất cho đến giữa năm 2025.
Như vậy có thể thấy, New Zealand tham gia cùng các ngân hàng trung ương khác đang bắt đầu nới lỏng lãi suất. Ngân hàng Trung ương châu Âu, Canada, Thụy Điển và Thụy Sĩ đều đã cắt giảm lãi suất và ngày càng nhiều nhà phân tích hiện đang đưa ra dự đoán về việc cắt giảm lãi suất nửa điểm phần trăm cho cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) vào tháng 9/2024.
Tuy nhiên, quốc gia láng giềng của New Zealand là Úc lại là ngoại lệ so với xu hướng nới lỏng toàn cầu khi Ngân hàng Dự trữ Úc tuần trước đã loại trừ khả năng cắt giảm lãi suất trong ngắn hạn.
Biên bản cuộc họp của RBNZ, được công bố cùng với tuyên bố, cho biết Ủy ban nhận thấy rằng cán cân rủi ro đã thay đổi dần dần kể từ Tuyên bố chính sách tiền tệ vào tháng 5/2024. Đồng thời cho biết thêm, với nhiều chỉ số cho thấy nền kinh tế đang suy thoái nhanh hơn dự kiến, những rủi ro giảm sản lượng và việc làm được nêu bật vào tháng 7 đã trở nên rõ ràng hơn.
Xâu chuỗi từ thực tế cho thấy, là ngân hàng tiên phong toàn cầu trong việc rút lại các biện pháp kích thích thời đại đại dịch, RBNZ đã tăng lãi suất 525 điểm cơ bản kể từ tháng 10/2021 để kiềm chế lạm phát trong đợt thắt chặt mạnh mẽ nhất kể từ khi lãi suất tiền mặt chính thức được áp dụng vào năm 1999.
Tỷ lệ lạm phát hàng năm của New Zealand đã giảm trong những tháng gần đây và hiện ở mức 3,3% với kỳ vọng sẽ trở lại mức mục tiêu của ngân hàng trung ương vào quý 3 năm nay.
Việc tăng lãi suất đã làm chậm đáng kể nền kinh tế với mức tăng trưởng quý đầu tiên yếu ớt và dữ liệu gần đây cho thấy đà tăng trưởng vẫn còn yếu.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...