Theo Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua, ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm.
Sáng 18/1, Quốc hội đã thông qua Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi). Trong Luật mới được thông qua, Ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, phù hợp với phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Luật cũng cho phép, ngân hàng thương mại được góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực như bảo hiểm, chứng khoán, kiều hối, vàng, bao thanh toán, phát hành thẻ tín dụng, tín dụng tiêu dùng, dịch vụ trung gian thanh toán, thông tin tín dụng.
Trong khi đó, Luật quy định cấm việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.
Theo Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua, ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm
Trước đó, báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật trước khi Quốc hội biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, có ý kiến đề nghị nghiên cứu luật hóa để có chế tài ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm của nhân viên tổ chức tín dụng như việc tư vấn không đầy đủ khiến một số khách hàng nhầm lẫn giữa sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm ngân hàng hoặc yêu cầu mua bảo hiểm gắn với các khoản vay khi có nhu cầu vay vốn của ngân hàng.
Có ý kiến đề nghị không nên cho phép ngân hàng thương mại liên kết bán bảo hiểm; cấm bán chéo bảo hiểm nhân thọ.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng bổ sung quy định: nghiêm cấm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.
Trong khi đó, ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, phù hợp với phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Hôm 15/1, thảo luận về Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) chia sẻ câu chuyện về một khách hàng có khoản nợ phải trả, phải đến ngân hàng cầm cố sổ đỏ, phải đến ngân hàng vay 300 triệu đồng, nhưng phải mua bảo hiểm 20 triệu đồng.
"Bước ra khỏi ngân hàng mà hai hàng nước mắt chảy dài, khóc nấc, câu chuyện tình cờ tôi gặp ở một thương hàng thương mại, thôi thúc tôi đề cập vấn đề này", ông Thịnh nói.
Theo ông Thịnh, mức chiết khấu tối đa công ty bảo hiểm cho đại lý bảo hiểm là ngân hàng với sản phẩm bảo hiểm nhân thọ phổ biến là 4% cho năm đầu. Bên cạnh đó, việc tại các ngân hàng thương mại có liên kết lại làm đại lý bảo hiểm nhân thọ có hiện tượng gợi ý ép khách hàng vay vốn phải mua bảo hiểm nhân thọ với mức đóng 1 năm bằng từ 2% đến 4% giá trị khoản vay.
Ngoài ra, các ngân hàng thương mại, nhân viên ngân hàng được giao chỉ tiêu số hợp đồng bảo hiểm và chỉ tiêu doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang)
Đại biểu Phạm Văn Thịnh nêu chi tiết, giai đoạn từ 2018 đến 2022, thu nhập từ làm đại lý bảo hiểm nhân thọ của các ngân hàng thương mại chiếm tỷ trọng rất lớn trong lợi nhuận của các ngân hàng thương mại.
"Ví dụ như năm 2020, Vietcombank có lợi nhuận trước thuế là 23.000 tỷ đồng, phí trả trước cho hợp đồng độc quyền bán bảo hiểm nhân thọ đạt hơn 9.200 tỷ đồng; việc ACB có lợi nhuận 9.596 tỷ đồng, phí trả trước ngân hàng được hưởng là 8.400 tỷ đồng… chưa tính số hoa hồng đại lý được hưởng", đại biểu đoàn Bắc Giang nêu.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh cho rằng nếu dự thảo Luật chỉ tiếp thu theo hướng: Ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, phù hợp với phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, sẽ không có gì đảm bảo cho được tình trạng chèn ép khách hàng vay vốn mua bảo hiểm hoặc lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng có tiền gửi tiết kiệm để mua sản phẩm bảo hiểm nhân thọ như thời gian gian vừa qua.
"Việc bán chéo bảo hiểm, đã khiến ngân hàng, công ty bảo hiểm bỏ qua các ranh giới nghề nghiệp để bước vào vòng xoáy tìm kiếm lợi nhuận", đại biểu Thịnh nói.
Ông Thịnh đề nghị nên giao Chính phủ ban hành văn bản quy định việc kinh doanh các sản phẩm bảo hiểm mà ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng làm đại lý để đảm bảo công khai, minh bạch, bảo vệ quyền của khách hàng vay vốn cũng như gửi tiết kiệm tại ngân hàng.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...