Hiện nay, mức giảm trừ gia cảnh là 15,4 triệu (gồm giảm trừ cá nhân 11 triệu và giảm trừ người phụ thuộc 4,4 triệu), duy trì từ tháng 7/2020.
Trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2024, Chính phủ có yêu cầu Bộ Tài chính thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về thuế, phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền ban hành. Kịp thời đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền các chính sách miễn, giảm, gia hạn cần áp dụng trong thời gian tới.
Đáng chú ý, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất Chính phủ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế thu nhập cá nhân để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đời sống của người dân.
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV vào tháng 11/2023, trước ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng, Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện nay đã quá lỗi thời, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói, đã có kiến nghị Chính phủ, Quốc hội đưa vào chương trình sửa luật.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, chỉ số giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân của Việt Nam so với lương cơ sở đang cao hơn so với mức bình quân chung của thế giới là 2,4 lần. Thực tế, ngưỡng chịu thuế bình quân chung ở nước ngoài chỉ tính từ 0,5-1 lần so với lương cơ sở.
"Mức giảm trừ gia cảnh tính thuế thu nhập cá nhân hiện hành là 11 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc, trong khi lương bình quân là 4,6 triệu đồng. Như vậy mức giảm trừ gia cảnh so với lương cơ sở là cao", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết.
Tuy nhiên, so sánh với mức sống đô thị của người dân, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay là thấp. Vì vậy, ông cho biết đã đề xuất đưa vào chương trình sửa luật, sẽ nâng mức giảm trừ gia cảnh lên.
Trước đó, đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm đã thể hiện lo ngại về việc các quy định, như khởi điểm thu nhập chịu thuế và mức chiết trừ gia cảnh, không được điều chỉnh để phản ánh biến động của lương tối thiểu, giá cả và lạm phát trong nền kinh tế.
Một trong những bất cập được nêu nhiều nhất là mức giảm trừ gia cảnh. Hiện, mức giảm trừ gia cảnh là 15,4 triệu đồng (gồm giảm trừ cá nhân 11 triệu đồng và giảm trừ người phụ thuộc 4,4 triệu đồng) duy trì từ tháng 7/2020.
Trong khi hầu hết các mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ đều tăng, khoảng 20-30% từ sau dịch COVID-19, khiến chi phí sinh hoạt của người dân đội lên. Thậm chí có quy định đã lạc hậu, chậm điều chỉnh cả chục năm như 7 bậc chịu thuế áp dụng từ năm 2007 đến nay. "Đây là bất cập lớn, cần thay đổi", ông Lâm nhấn mạnh.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...