Cần áp thuế tiêu thụ đặc biệt để giảm tình trạng tiêu thụ rượu, bia quá mức

08:04 - 01/08/2024

Để giảm tỷ lệ uống rượu, bia và đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế, Việt Nam cần điều chỉnh tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này theo lộ trình.

Cần áp thuế tiêu thụ đặc biệt để giảm tình trạng tiêu thụ rượu, bia quá mức

 

Đây là chủ đề chính được đưa ra bàn luận sôi nổi tại Tọa đàm “Chính sách thuế với đồ uống có cồn” do Thời báo Tài chính Việt Nam chủ trì tổ chức chiều nay, ngày 30/7.

Tiêu thụ rượu, bia ở mức cao và có xu hướng gia tăng nhanh

Phát biểu tại tọa đàm, bà Nguyễn Thúy Anh – Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) cho biết, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) hiện hành quy định, thuế suất thuế TTĐB đối với rượu từ 20 độ trở lên là 65%; rượu dưới 20 độ là 35% và bia là 65%. Mặc dù mặt hàng bia và rượu đã được tăng thuế suất thuế TTĐB theo lộ trình từ năm 2016 – 2018, tuy nhiên, sức mua của người Việt Nam vẫn tăng do thu nhập tăng nhanh trong khi giá tăng rất chậm. Hiện, thuế và giá rượu, bia ở Việt Nam còn ở mức thấp.

Theo tính toán của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thuế rượu, bia của Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 30% giá bán lẻ, trong khi ở nhiều nước tỷ trọng thuế rượu, bia chiếm từ 40 – 85% giá bán lẻ. Do vậy, lộ trình tăng thuế TTĐB đối với rượu và bia từ năm 2016 – 2018 chưa đủ mạnh để tác động đến giảm tiêu dùng rượu bia. Trước mắt, cần tiếp tục tăng thuế để tăng giá bán lẻ rượu, bia lên mức ít nhất tỷ trọng thuế rượu, bia chiếm 40% giá bán lẻ.

Trong thời gian qua, tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam vẫn ở mức cao và có xu hướng gia tăng nhanh. Theo thống kê của Bộ Y tế, rượu, bia là yếu tố xếp thứ 2 trong 10 yếu tố nguy cơ gây bệnh tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam. Đây cũng là nguyên nhân liên quan đến chấn thương, tai nạn giao thông, rối loạn tâm thần, xơ gan, bệnh tim mạch, ung thư, một số bệnh truyền nhiễm.

Không chỉ vậy, việc sử dụng, lạm dụng rượu, bia còn gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng về mặt xã hội như tai nạn giao thông, chấn thương, bạo lực gia đình, mất an ninh trật tự, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Rượu, bia là một trong 3 nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới độ tuổi 15 – 49; 30% các vụ gây rối trật tự xã hội và 33,7% các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam. Ước tính chi phí trực tiếp cho tiêu dùng rượu, bia ở Việt Nam vào năm 2017 là 4 tỷ USD, gần bằng 7% số thu ngân sách nhà nước (chưa tính đến chi phí gián tiếp).

Do vậy, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã đề ra nhiệm vụ: “Tăng thuế TTĐB đối với các hàng hoá có hại cho sức khoẻ như đồ uống có cồn, có ga, thuốc lá để hạn chế tiêu dùng”.

Phù hợp với cam kết quốc tế 

Theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), trong vòng 3 năm kể từ ngày gia nhập, Việt Nam sẽ áp dụng một mức thuế suất % thống nhất với tất cả các sản phẩm bia không phân biệt bao bì đóng gói sản phẩm, nghĩa là bia tươi, bia hơi, bia chai hoặc bia lon.

Chia sẻ ý kiến tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) cho biết, tại Việt Nam, chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm có cồn, tính từ khi có Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) năm 1990 đến nay đã được sửa đổi 12 lần, từ sản phẩm chịu thuế, thuế suất, nồng độ cồn. 

Quá trình hoàn thiện chính sách thuế TTĐB trong thời gian từ năm 1990 đến nay đã thể hiện rõ tính chất điều tiết, đặc trưng của sắc thuế và mức độ phức tạp của thuế TTĐB nói chung, đồ uống có cồn, rượu bia nói riêng. Thuế suất thời điểm cao nhất đối với rượu (trừ rượu dưới 20 độ) và bia các loại là 90%, gấp hai lần thời điểm thấp nhất là 45%.

“Những sửa đổi phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia, đồng thời phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam trong từng giai đoạn lịch sử”, bà Cúc nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, bà Cúc phân, cơ cấu thuế TTĐB trên thế giới gồm cơ cấu thuế theo %, cơ cấu thuế tuyệt đối, cơ cấu thuế hỗn hợp.  Trong đó, cơ cấu thuế theo % được xác định theo tỷ lệ % trên giá tính thuế (giá xuất xưởng hoặc giá bán lẻ); cơ cấu thuế tuyệt đối là mức thuế cố định tính trên đơn vị hàng hóa; cơ cấu thuế hỗn hợp là kết hợp giữa thuế tính theo tỷ lệ % và thuế tuyệt đối.

Cần áp thuế tiêu thụ đặc biệt để giảm tình trạng tiêu thụ rượu, bia quá mức

Trong thời gian qua, tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam vẫn ở mức cao và có xu hướng gia tăng nhanh

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hệ thống thuế tuyệt đối là hệ thống hiệu quả nhất, vì hệ thống thuế tuyệt đối thể hiện tương quan giữa mức độ cồn trong sản phẩm với số thuế phải nộp. Trong đó, thuế tuyệt đối với đồ uống có cồn từ lâu đã được coi là một hướng cải cách chính sách tốt nhằm tạo điều kiện cho các cộng đồng kinh tế vận hành tốt hơn. Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu các quốc gia thành viên tuân thủ và đảm bảo hệ thống luật nội địa sẽ đánh thuế đồ uống có cồn theo hệ thống thuế tuyệt đối.

Đáng chú ý, Chủ tịch VTCA cho rằng, xu hướng dịch chuyển cơ cấu thuế TTĐB khu vực Đông Nam Á. Theo đó, Indonesia đã bãi bỏ thuế hàng xa xỉ 75% đối với các sản phẩm đồ uống có cồn, thay vào đó, áp dụng thuế tuyệt đối theo thể tích. Việc cải cách hệ thống thuế này cho thấy đánh thuế sản phẩm đồ uống có cồn như hàng xa xỉ theo tỷ lệ % giá bán không còn phù hợp.

Ngoài ra, Philippines trước năm 2012 áp dụng thuế tuyệt đối đa bậc, phân bậc theo giá trị sản phẩm. Từ năm 2012, Philippines áp dụng thuế tuyệt đối đơn bậc cho bia. Thái Lan từ năm 2013 áp dụng thuế tuyệt đối trên toàn bộ sản phẩm đồ uống có cồn trên thị trường, trước đó vẫn áp thuế theo tỷ lệ % cho một số sản phẩm.

Thái Lan đã cải cách hệ thống thuế để loại bỏ tác động của giá sản phẩm đến số thuế phải nộp. Trong năm 2024, Thái Lan sẽ giảm thuế TTBĐ trên sản phẩm rượu để thúc đẩy du lịch và thị trường rượu mạnh, thuế TTĐB đối với sản phẩm rượu giảm từ 10% xuống 5% và với rượu mạnh giảm từ 10% xuống 0%.

Bảo đảm tính công bằng, hài hòa lợi ích

Theo Tổng Biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam Phạm Thu Phong, vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 129/2024/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Luật Thuế TTĐB sửa đổi đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).

Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và 2025 của Quốc hội, Bộ Tài chính đã triển khai nghiên cứu xây dựng hồ sơ dự án Luật Thuế TTĐB sửa đổi. Hồ sơ dự án Luật này đã được gửi xin ý kiến các bộ, ban ngành, hiệp hội doanh nghiệp có liên quan. 

“Những sửa đổi của dự thảo Luật TTĐB sẽ có tác động đến các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ mặt hàng, dịch vụ thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật và người tiêu dùng. Vì vậy, việc lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp và giới chuyên gia trong việc sửa đổi Luật được Bộ Tài chính rất quan tâm, chú trọng…”, ông Phong cho biết thêm.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, Chủ tịch VTCA cho rằng, trong quá trình thay đổi chính sách, tăng thuế TTĐB, cần nghiên cứu thêm kinh nghiệm quốc tế để áp dụng cho Việt Nam. Cần lựa chọn hệ thống thuế và lộ trình chuyển đổi phù hợp với điều kiện cụ thể, phong tục tập quán, thói quen tiêu dùng, hoạt động sản xuất kinh doanh để xây dựng mô hình thuế và cải cách phù hợp để đáp ứng điều tiết cho 3 nhóm đồ uống có cồn theo đặc thù của từng nhóm.

Đồng thời, nghiên cứu để áp dụng mô hình áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp trong tương lai theo Quyết định 508/QĐ- TTg “nghiên cứu áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và mức thuế tuyệt đối đối với một số hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt”. Quá trình thay đổi phương pháp tính thuế phải tính đến yếu tố xáo trộn chính sách làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, thị trường, tiêu dùng xã hội, theo đó cần có lộ trình cải cách cho từng giai đoạn, thời gian cụ thể… giúp doanh nghiệp, các đối tượng điều chỉnh của Luật được chuẩn bị kỹ càng cho tiến trình cải cách.

Đáng chú ý, đa số các chuyên gia cho rằng, tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam vẫn ở mức cao và có xu hướng gia tăng nhanh. Để giảm tỷ lệ uống rượu, bia ở Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu hạn chế tiêu dùng mặt hàng không có lợi cho sức khỏe; đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế, theo khuyến nghị của các tổ chức quốc tế, Việt Nam cần điều chỉnh tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng rượu, bia theo lộ trình./.

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

lịch phát sóng trên truyền hình

Thanh toán hóa đơn SCTV

Hắc sắc nguyệt quang - SCTV9

 

Phía sau cái chết - SCTV14

Hình Cảnh - SCTV9

Xứng danh tài nữ 4 - SCTV9 lần đầu tiên phát sóng tại Việt Nam

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

Nguồn: Vietcombank

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...