Ngày 4.7, HĐND TP.Cần Thơ khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, tiếp tục ngày làm việc thứ 2 kỳ họp thứ 16 (kỳ họp thường lệ giữa năm 2024). Ông Mai Như Toàn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.Cần Thơ, báo cáo kết quả đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp tại TP.Cần Thơ.
Theo nhiệm vụ phát triển nhà ở xã hội tại TP.Cần Thơ, Chính phủ giao tổng cộng 9.100 căn. Theo lộ trình, cuối năm 2025 phải hoàn thành 4.100 căn, năm 2030 phải hoàn thành 5.000 căn.
Tính đến hết tháng 6.2024, Cần Thơ đã và đang triển khai thực hiện 6 dự án (DA) nhà ở xã hội với tổng cộng 3.531 căn (đạt 86,12% chỉ tiêu). Trong đó, 2 DA đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng với 287 căn hộ; 4 DA đang triển khai với 3.244 căn hộ. Thành phố đang thực hiện các thủ tục mời gọi đầu tư 1 DA với tổng 288 căn (DA nhà ở xã hội tại khu thiết chế công đoàn Q.Ô Môn).
Theo quy hoạch thời kỳ 2021-2030, Cần Thơ xác định sẽ tập trung mời gọi đầu tư 23 DA phát triển đô thị. Điều này sẽ có thêm 23 DA phát triển nhà ở xã hội thuộc quỹ đất 20% đất ở tại các DA nhà ở thương mại.
Đối với công nhân, Cần Thơ đã dành quỹ đất để xây dựng khu tái định cư phục vụ KCN Vĩnh Thạnh giai đoạn 1 với diện tích 5,4ha (dành cho người lao động tại KCN). Ngoài ra còn có khu tái định cư P.Thới Thuận (Q.Thốt Nốt) với diện tích khoảng 1,2 ha.
Nghịch lý nhu cầu cao nhưng người đăng ký mua ít
Theo ông Mai Như Toàn, thời gian qua, việc phát triển các khu công nghiệp, cao tốc liên vùng dẫn đến quá trình đô thị hóa nhanh. Cùng với đó, số lượng người dân trong vùng đến sinh sống và làm việc tại Cần Thơ ngày càng tăng, nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn. Dù vậy, hiện có một "nghịch lý" là số lượng hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội tại địa phương còn ít hơn so với số lượng sản phẩm hiện có.
Giám đốc Sở Xây dựng TP.Cần Thơ cho rằng, nguyên nhân trước hết đến từ sự khó khăn trong quá trình xác nhận cá nhân đăng ký mua nhà ở xã hội. Cụ thể, UBND phường/xã không thể xác định được đối tượng xin mua nhà ở xã hội có sở hữu nhà ở nào khác ngoài địa phương đang sinh sống. Trường hợp nữa là cá nhân thực tế chưa sở hữu nhà ở, nhưng đang sinh sống trong cùng hộ gia đình có bố/mẹ đã sở hữu nhà ở thì thuộc trường hợp đã có nhà ở thuộc sở hữu của hộ gia đình. Điều này dẫn đến việc không thể xác nhận cho cá nhân người đăng ký là chưa có nhà ở thuộc sở hữu hộ gia đình.
Bên cạnh đó là khó khăn về nguồn vốn vay mua nhà ở xã hội. Với chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội (Nghị quyết 33 của Chính phủ), người muốn mua nhà khó tiếp cận do chỉ ưu đãi 5 năm đầu 7,5%, chủ đầu tư 8% (sau đó thỏa thuận với ngân hàng thương mại). Trong khi đó, vay Ngân hàng Chính sách xã hội thấp hơn với 4,8%/năm, ổn định 25 năm; sau 5 năm có thể điều chỉnh nhưng không vượt quá 5%/năm. Tuy nhiên, kế hoạch bố trí vốn năm 2024 cho chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP.Cần Thơ vẫn chưa được phân bổ.
"Nhà ở xã hội là một trong những chính sách quan trọng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt là những người có thu nhập thấp và các đối tượng chính sách. Vì thế, Sở kiến nghị thành phố tăng cường công khai, minh bạch danh mục dự án nhà ở xã hội để mọi người tiếp cận thông tin về đối tượng được hưởng chính sách, chính sách hỗ trợ, thủ tục mua nhà và thủ tục đầu tư", Giám đốc Sở Xây dựng TP.Cần Thơ nói.