Ngoài đề xuất cho vay vốn ưu đãi, HoREA cũng đề nghị xem xét giảm bớt một ít mức thuế khoán thuế thu nhập cá nhân đang áp dụng cho các chủ nhà trọ hiện nay. Bởi thuế thu nhập cá nhân bằng 7%/doanh thu đối với các chủ nhà trọ hiện khá cao, chưa thật hợp tình hợp lý. Do vậy, cần bổ sung thêm chính sách ưu đãi thuế để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho thuê. Mức thuế thu nhập cá nhân đề xuất là 5%/doanh thu.
Bộ Xây dựng cũng đang xây dựng dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý nhà xã hội, trong đó hộ gia đình, cá nhân được vay vốn ưu đãi. Thời hạn, lãi suất cho vay này tương tự chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội. Theo đó, mức vốn vay tối đa 80% tổng mức đầu tư dự án, thời hạn cho vay tối thiểu 15 năm và không quá 20 năm. Lãi suất cho vay áp dụng theo ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc không vượt quá 50% lãi suất cho vay bình quân các ngân hàng trên thị trường trong cùng thời kỳ.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA: Liên đoàn Lao động TP.HCM đã khảo sát, điều tra xã hội học, kết quả cho thấy có đến khoảng 60% công nhân, lao động nhập cư chỉ có nhu cầu thuê nhà trọ với giá thuê phòng trọ chỉ tầm khoảng trên dưới 1,5 triệu đồng/tháng và chỉ chịu đựng nổi chi phí thuê nhà tầm khoảng 20% thu nhập hàng tháng và chỉ muốn làm việc trong khoảng 10 - 15 năm rồi trở về quê.
Trong lúc còn rất thiếu các khu nhà lưu trú công nhân, ký túc xá của Nhà nước hoặc của doanh nghiệp đầu tư thì đã có đến khoảng 60.470 cá nhân, hộ gia đình đã đầu tư xây dựng các khu nhà trọ với nhiều phòng trọ cho thuê hoặc nhà ngăn phòng cho thuê với tổng số khoảng 560.219 phòng trọ, bao gồm 38.800 khu nhà trọ (tập trung) với 357.246 phòng trọ và 25.670 nhà (căn hộ) ngăn phòng cho thuê với 202.973 phòng trọ.
Lượng nhà trọ này đã góp phần giải quyết nhu cầu thuê phòng trọ cho hơn 1,4 triệu công nhân, lao động, người nhập cư và có cả thành phần trí thức, chuyên viên thuê nhà trọ, nên rất cần bổ sung chính sách Nhà nước hỗ trợ về nhà ở đối với các chủ nhà trọ trong việc xây dựng, cải tạo, nâng cấp nhà ở.