Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC, trong nhiều năm qua, nhà thầu xây dựng liên tục gặp khó khăn từ sự "đóng băng" của thị trường xây dựng và các dự án bất động sản bế tắc về pháp lý. Tuy nhiên, nhìn về thị trường xây dựng trong nước, vẫn còn nhiều cơ hội và tiềm năng.
Đầu tiên là các luật mới đã được thông qua như luật Nhà ở, luật Kinh doanh bất động sản, luật Đầu tư, luật Đất đai... Tiếp đó là ngành xây dựng Việt Nam đang có xu hướng chuyển dịch sang xây dựng công trình ngầm trong 5 - 10 năm tới. Đầu tư công đón nguồn ngân sách trong năm 2024 lên đến 220.000 tỉ đồng và vẫn có sẵn 500.000 tỉ đồng trong kế hoạch đang giải ngân.
Vấn đề đặt ra là các nhà thầu thuộc VACC có những hành động, kiến nghị gì để có cơ chế phối hợp, hợp tác tham gia đấu thầu, xây dựng các dự án đầu tư công.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Khắc Hải, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Vinaconex, cho biết 46/63 tỉnh, thành có công trình giao thông, sân bay, cao tốc, bến cảng... Năm 2024 có gần 500.000 tỉ đồng cho hạ tầng, đây là nguồn dự án quan trọng cho các nhà thầu có việc làm.
Do đó, các nhà thầu cần làm việc với nhau để nhà thầu nhỏ có việc làm, tăng tỷ lệ thầu phụ. Đây không được coi là bán thầu mà phải áp dụng pháp luật, giải thích được cơ chế và loại bỏ rủi ro pháp luật, bảo vệ quyền lợi nhà thầu xây dựng.
Ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch Nhà thầu xây dựng Newtecons, cho biết những năm sau dịch Covid-19, thị trường bất động sản gặp khó khăn ở khâu cấp phép.
"Giờ không ai dám ký", ông Dương nói và cho rằng, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản cần khai thông "nguồn công việc từ Nhà nước", tức là ở khâu cấp giấy phép.
Ông Dương cho biết thêm, trước đó có xin giấy phép giúp một tỉ phú người Đức mà cuối cùng phải lên tận Quốc hội giải quyết. Bởi vì chủ tịch, bí thư tỉnh không ký với lý do "thiếu điện". Ông Dương mất hơn 1 năm mới giúp chủ đầu tư xin được giấy phép.
Ghi nhận tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hiệp cam kết VACC sẽ tập hợp, chia sẻ thông tin để các doanh nghiệp hợp tác. VACC cũng chính thức khởi động Đề cương Văn hóa doanh nghiệp nhà thầu xây dựng để các hội viên cùng thông qua và thực hiện.
"Các vấn đề về giá thầu thấp, thiếu tính cạnh tranh, ảnh hưởng chất lượng công trình và nguồn lực xã hội, trình độ nhân công, đơn giá, định mức, quy chuẩn, tiêu chuẩn, giải phóng mặt bằng, quy hoạch mỏ nguyên vật liệu san lấp, nợ đọng kéo dài, các hình thức hợp tác mới... là những vấn đề mà hiệp hội mong muốn hội viên đưa ra đề xuất, làm cơ sở để VACC đề nghị lên Thủ tướng trong cuộc làm việc vào tháng 4", ông Hiệp kết luận.
Nỗ lực ổn định sản xuất để phát triển
Theo VACC, tình hình kinh tế năm 2024 tiếp tục khó khăn. Do đó, định hướng các hoạt động của VACC năm nay vẫn là chung sức hỗ trợ doanh nghiệp đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên hiệp hội, tạo sự ổn định sản xuất để phát triển.
Để đạt các mục tiêu, VACC dự kiến tập trung vào 11 hoạt động chính, trong đó sẽ tiếp tục kiến nghị các cơ chế, chính sách gặp vướng mắc trong các luật: Xây dựng, Đấu thầu và các nghị định, hướng dẫn thi hành 2 luật này.
Tiếp tục kiến nghị Bộ Xây dựng bổ sung, hoàn thiện các định mức kinh tế kỹ thuật còn thiếu hoặc không phù hợp để phục vụ xây dựng đơn giá cho các công trình xây dựng trọng điểm của nhà nước có sự tham gia của thành viên hiệp hội…