"Kỹ lưỡng tối đa vẫn hơn!"
Trung tuần tháng 4, vào những ngày thời tiết TP.HCM nắng nóng gay gắt, sau một buổi ăn bên ngoài, chị Chúc Linh có dấu hiệu đau bụng, liên tục đi vệ sinh. Tình trạng kéo dài 2 ngày và không có dấu hiệu thuyên giảm, chị vào viện khám và được chẩn đoán bị nhiễm trùng đường ruột.
"Tôi nghĩ mình đã ăn đồ không sạch sẽ bên ngoài, vì thời tiết nắng nóng này, thực phẩm dễ bị hư hỏng và dễ xảy ra trúng thực, mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Suốt mấy ngày liền, tôi khó chịu trong người, không ăn uống gì nổi, không có tinh thần làm việc. Sợ luôn!”, chị nhớ lại.
Vụ việc xảy ra như một hồi chuông cảnh báo, khiến chị Linh quan tâm và kỹ lưỡng hơn tới vấn đề ăn uống của bản thân. Từ đây, chị hạn chế tối đa mua đồ ăn từ hàng rong, những quán vỉa hè vì lo ngại vấn đề sức khỏe, ngộ độc có thể tái diễn lần nữa.
Chị Chúc Linh cho biết hiện tại, chị chủ yếu mua đồ ăn, uống ở những hàng quán lớn, uy tín. Nếu có mua nước ở quán vỉa hè, chị cũng chọn mua ở những quán quen mà mình đã uống nhiều năm năm, không mua ở những quán lạ hoặc người bán di chuyển nhiều vì tiềm ẩn nhiều rủi ro.
“Tôi cũng rất kỹ trong việc uống đá viên những ngày này. Đá ở những quán vỉa hè, nhiều nơi sẽ không rõ nguồn gốc, không sạch sẽ, uống vào cũng dễ bị đau bụng, đau họng. Nói chung nắng nóng như lúc này, kỹ lưỡng tối đa vẫn hơn chứ bị một lần rồi, sợ quá", chị nói thêm.
Còn Kim Thoa (25 tuổi, ngụ Q.8) cho biết đầu tháng 4, chị có đưa bạn đi khám bệnh ở một phòng khám Đông y ở Q.6. Trong lúc chờ đợi, chị được một người phụ nữ bán bánh dày kẹp chả dạo mời mua hàng.
Bình thường, chị Thoa cho biết mình rất ít mua bánh bán "di động" như vậy vì nguy cơ nhiễm khuẩn cao, không rõ nguồn gốc. Chưa kể, chị cũng đọc nhiều thông tin về những vụ ngộ độc từ chả lụa ôi thiu nên ám ảnh, nếu mua đồ hàng rong như vậy có xảy ra vấn đề gì về sức khỏe, chị cũng không biết làm sao tìm người bán để chịu trách nhiệm.
“Vậy nên tôi từ chối, không mua đồ của cô. Nhưng cô cứ nài nỉ mãi nên tôi mua 2 phần bánh, giá 20.000 đồng. Nói thật là tôi mua để ủng hộ, chứ không dám ăn. Những ngày nắng nóng như vậy, kỹ một chút vẫn hơn", chị nói.
Nếu có việc gì xảy ra, quán sẽ "lãnh đủ"
Anh L., chủ một quán bánh canh vỉa hè bán hơn 5 năm ở Q.5 cho biết việc giữ an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được quán coi trọng nhất, bởi nếu có xảy ra vấn đề gì, quán sẽ "lãnh đủ".
Thời tiết nắng nóng, anh càng chú trọng tới vấn đề này hơn, khi thực phẩm để bên ngoài dễ bị ôi thiu, hư hỏng. Bán từ sáng tới tối, anh L. chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu cho cả ngày, tuy nhiên nhiên lại luôn bảo quản trong tủ mát, tủ lạnh để tránh bị hỏng.
“Dùng tới đâu, tôi mang ra tới đó, chứ không có chuyện đem hết nguyên liệu ra để lên quầy từ sáng tới tối. Làm như vậy, món ăn không còn ngon nữa, chưa kể chất lượng không đảm bảo rất dễ xảy ra những chuyện không hay", anh chủ cho biết.
Trong khi đó, một người phụ nữ bán bánh dày kẹp chả dạo ở Q.8 thì cho biết mỗi ngày, bà chỉ bán vào buổi sáng, tới khi hết thì thôi. Tuy là bán dạo, nhưng bà cố gắng che chắn kỹ, nguyên liệu cũng được dùng mới mỗi ngày chứ không để qua đêm hôm sau bán tiếp.
“Nếu bán ế thì gia đình tôi ăn chứ bỏ thì tiếc. Nên tôi làm cũng như làm cho người nhà của mình. Bán phải có tâm. Tôi bán ở khu vực này quen mặt mọi người, nếu có xảy ra vấn đề gì thì mang tiếng lắm, làm sao buôn bán gì được", bà nói.
"Sẽ xử lý thẳng tay!"
TP.HCM đang trong "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024" với chủ đề: "Tiếp tục đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới". Tháng hành động diễn ra từ ngày 15.4 - 15.5.2024.
PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM khuyến cáo người dân cần cẩn trọng hơn về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm thời điểm nắng nóng này.
Bà cho biết đặc biệt với những nơi bán món ăn đường phố, nhất là những hàng quán di động, phương tiện bảo quản thực phẩm không nhiều, việc vệ sinh chén bát cũng khó. Chưa kể họ di chuyển, đi lại nhiều nơi khiến nguy cơ vi khuẩn xâm hại thực phẩm cao, không đảm bảo an toàn.
Theo bà Lan, với 15.400 cơ sở bán thức ăn đường phố ở TP.HCM, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM tập trung tăng cường nhận thức cho họ như tập huấn, trang bị dụng cụ nấu ăn hợp vệ sinh. Họ cũng nằm trong đối tượng thường xuyên lấy mẫu thực phẩm để kiểm nghiệm. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện có hành vi vi phạm, gây mất an toàn thực phẩm, Sở sẽ xử lý thẳng tay.
"Có những trường hợp chúng tôi phát hiện làm sushi, nấu cơm ngày hôm trước sáng hôm sau mới cuộn cuộn làm, cắt ra bán cho học sinh. Cũng có trường hợp bán bánh giò còn ế, hôm sau hâm lại bán tiếp, chả lụa để nhớt ra vẫn bán. Nguy cơ gây ngộ độc, mất vệ sinh an toàn thực phẩm là rất lớn", bà Phạm Khánh Phong Lan cảnh báo.