Điều đó khiến tôi vừa choáng ngợp nhưng cũng không kém phần tò mò khi đến ăn tại quán Phở 2000 có thâm niên hơn 2 thập kỷ.
Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton ghé ăn khi chủ quán… đang ở Mỹ
Một buổi sáng ở TP.HCM, tôi có hẹn với ông Alain Tấn (Huỳnh Trung Tấn), ông chủ của quán Phở 2.000 nằm gần chợ Bến Thành, ở số 210 Lê Thánh Tôn (Q.1).
Thấy tôi, ông chủ tóc đã hoa râm niềm nở đón tiếp, rồi kể tôi nghe những câu chuyện về lần Tổng thống Mỹ Bill Clinton (khi đương nhiệm) đã cùng gia đình của mình ghé quán ăn phở, dù khi đó Phở 2000 mới mở hơn 1 năm.
Đó là một ngày đẹp trời vào tháng 11.2000, quán phở khi đó nằm tại số 1 – 3 Phan Chu Trinh, thì được Tổng thống Mỹ Bill Clinton bất ngờ ghé ăn và hết lời khen ngợi. Nhưng để có được vinh dự này, ông Alain Tấn đã có một cơ duyên hết sức đặc biệt.
“Từ ngày Phở 2000 mở ở gần cửa Bắc chợ Bến Thành, một người bạn Mỹ làm ở lãnh sự hầu như tuần nào cũng ghé đây ăn. Một ngày, người bạn này đòi gặp tôi. Khi tôi hỏi lý do thì anh bạn này mới nói: “Tôi thích quán phở của anh, cũng ăn ở đây nhiều lần, nhân viên của tôi cũng tới ăn hoài. Có mấy người bạn của tôi người Mỹ, họ kỹ lắm, nhất là về vệ sinh an toàn thực phẩm và tôi muốn dẫn họ tới đây ăn.
Nếu anh cho phép, trước khi tôi dẫn họ tới, tôi nhờ người tới quán lấy mẫu kiểm tra. Có được không?”. Nghe anh bạn này nói vậy, tôi thấy thoải mái, bình thường, nói anh muốn kiểm thì cứ kiểm”, ông Alain Tấn nhớ lại.
Kỷ niệm về lần được tổng thống Mỹ ghé thăm vẫn còn được nhắc nhớ ở quán phở này.
Sau đó, vì tất bật với công việc khai trương một nhà hàng tại Mỹ, cũng như con trai ông cũng sắp bước vào đại học ở đó, nên vợ chồng ông Alain Tấn trở lại xứ sở cờ hoa một thời gian. Thời điểm này, cũng là lúc Tổng thống Mỹ Bill Clinton bất ngờ ghé Phở 2000, khi quán chỉ có mẹ vợ ông và nhân viên. May mắn là mọi thứ diễn ra suôn sẻ bởi quán đã được ông bà chủ tổ chức chu đáo, vận hành tốt ngay cả khi không có họ tại quán.
Hay tin, vợ chồng ông Alain Tấn hết sức bất ngờ. Bởi, sự kiện Tổng thống Mỹ Bill Clinton đến thăm Việt Nam, TP.HCM là một sự kiện được nhiều người quan tâm khi đó. Ở Mỹ, ông chủ cũng đọc báo và thấy thành phố đã chọn danh sách 3 – 4 địa điểm để tổng thống thưởng thức ẩm thực, nhưng không hề có quán mình.
“Nghe mọi người kể lại, khi tổng thống vào quán, lực lượng an ninh chốt hết cửa. Ông Bill Clinton cùng con gái lên lầu 2 để ăn. Ông gọi một tô phở gà, một phần nước lọc, sau đó là ly cà phê và một phần sinh tố xoài. Sau đó, ông đứng từ ra ngoài ban công vẫy tay chào mọi người. Ông còn vào bếp bắt tay từng người trong quán. Được tổng thống tới quán thì mình vui chứ, tiếc là tôi không có mặt để đón khách VIP”, ông cười nói.
Dành 6 tháng trời chỉ thưởng thức món ăn… đài cát
Sau lần thăm đó, quán Phở 2000 vốn đã nổi tiếng ở TP.HCM nay lại càng nổi tiếng hơn. Nhiều lời đồn cũng bắt đầu xuất hiện, người thì đồn rằng ông chủ quán phải có một mối quan hệ “không phải dạng vừa” thì mới có thể mời được Tổng thống tới ăn. Nói về điều này, ông chủ lắc đầu cho biết điều đó là không đúng sự thật.
“Nhiều người cứ nghĩ tôi mời được tổng thống tới ăn, nhưng chuyện này là không thể nào vì tổng thống Mỹ mà, làm sao biết họ ở đâu, khi nào họ tới. Tất cả đều là do cái duyên, và sự tình cờ. Nhiều người cũng nói từ khi ông Bill Clinton ghé ăn, tôi mới đổi tên thành Phở 2000 để kỷ niệm sự kiện, nhưng thực chất là không đúng, vì quán này được tôi đặt tên từ lúc mới mở năm 1999”, ông lý giải.
Những năm 1990, vợ chồng ông Tấn trở thành một trong những người đi đầu về kinh doanh nhà hàng cao cấp tại TP.HCM. Những chuỗi nhà hàng mà họ mở ra lần lượt tạo tiếng vang trên bản đồ du lịch của thành phố: Le Mekong, Vietnam House, Lemon Grass, Dalat House, Blue Gringer, Chef Lap… Nhiêu khê thay, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1998 ảnh hưởng nặng nề đến những thương hiệu cao cấp, kể cả nhà hàng, khách sạn của ông Alain Tấn.
Lúc này, sau hàng chục năm kinh doanh ẩm thực Pháp cao cấp, ông chủ bắt đầu ấp ủ ý tưởng kinh doanh fastfood, bán các món ăn truyền thống Việt Nam một cách bình dân, nhanh gọn, giá mềm hơn. Trong vô vàn các món ăn đường phố phở biến ở TP.HCM như phở, bún, cuốn, hủ tiếu, bánh canh, bánh khọt, bánh xèo… ông đã chọn bán phở.
“Ở đâu có phở thì ở đó có người Việt Nam, và ở đâu có người Việt Nam, thì chắc chắn sẽ có phở. Đây là một món ăn đặc trưng, là linh hồn của người Việt. Với tôi, phở là một món ăn đài cát với sự hài hòa đầy tinh túy của 18 loại gia vị, với những đặc trưng dai mềm mà không gãy của sợi phở, với cách ăn cùng thịt tái, thịt chín…”, ông Alain Tấn chia sẻ về lý do ông chọn kinh doanh món ăn này.
Từ đó, ông và vợ – bà Huỳnh Mỹ Trúc Liên, mà ông vẫn thường gọi bằng “nickname” đầy thương mến – “bé Đào”, suốt 6 tháng trời, đã thử hết những quán phở Bắc, Nam. Để rồi ông chủ nhận ra mỗi quán đều có một cách nấu phở, một hương vị khác nhau không trộn lẫn vào đâu được, phở ở miền Bắc cũng như miền Nam đều có những đặc trưng rất riêng.Từ đây, ông chọn lọc cái hay, cái tốt của những quán đó, nấu phở lại theo công thức mang đặc trưng riêng của mình.
“Tôi muốn nấu một tô phở không bột ngọt, không dùng đường, mang đậm hương vị truyền thống mà bất cứ ai, đặc biệt là khách nước ngoài ăn vào đều phải công nhận rằng đây là một món ăn thuần Việt không lẫn vào đâu được”, chủ quán chia sẻ. Chính từ đây, khi có được công thức nấu của riêng mình, quán phở của vợ chồng ông ra đời, nằm trên đường Võ Thị Sáu (Q.1).
Ông chọn cái tên Phở 2000 để đặt cho quán, là vì, ông muốn quán ăn của mình có một dấu ấn đặc biệt khi nhân loại sắp bước sang một thế kỷ mới. Quán phở với phong cách đầy mới lạ, được đưa vào nhà hàng sang trọng, được nấu vệ sinh và cung cách phục vụ chuyên nghiệp mà ông Alain Tấn gọi là “nâng tầm món phở Việt Nam” đã nhanh chóng thu hút đông đảo khách vào thời điểm đó.
Theo lời kể, chưa đầy 3 tháng mở quán, khách xếp hàng dài trên đường Võ Thị Sáu chờ được thưởng thức tô phở 2000 của vợ chồng ông. Đến nay, quán đã có một lượng khách ổn định, tất cả các thành viên trong gia đình ông Tấn, từ vợ chồng ông đến con trai, con dâu đều một lòng một dạ phát triển quán ăn.
90% là khách quốc tế
Những ngày này, quán ăn của ông Alain Tấn đều đặn khách ra vào, đa phần là khách nước ngoài. Ông chủ cho biết 90% khách đến quán của mình là khách quốc tế, còn lại là người Việt. Ở đây, trung bình mỗi phần phở dao động từ 80.000 – 100.000 đồng tùy món và nhu cầu của khách.
Suốt hơn 23 năm qua, ông chủ vẫn miệt mài mang hương vị phở của mình đến với nhiều người hơn nữa. “Chúng tôi không muốn dừng lại ở đó! Thời gian tới, chúng tôi có kế hoạch sẽ mang món phở đến với nhiều quốc gia hơn, đặc biệt ở Hàn Quốc, Úc, Nhật Bản, Mỹ… nhưng không phải ở khu người Việt mà là ở nơi tập trung nhiều người dân địa phương”, anh Huỳnh Trung Khải (con trai ông Tấn) tâm sự. Vợ chồng anh Khải cũng là thế hệ tiếp theo trong gia đình có 3 đời đều theo đuổi ẩm thực.
Tuy nhiên, ông Alain Tấn cho rằng phở là một món ăn nếu không tập trung cao trong việc chế biến, sẽ rất dễ mất chất lượng. Đó là lý do ông vô cùng thận trọng trong việc phát triển kinh doanh. Khi mở bất cứ quán phở nào, ông mong muốn gia đình phải toàn tâm toàn ý, tập trung vào chất lượng sản phẩm để mang tới tô phở chất lượng nhất cho khách, phải kiểm soát được chất lượng của món ăn.
“Một doanh nghiệp thành công không cần phải lớn. Khi nấu được một món ăn làm khách hài lòng, đối xử với nhân viên bằng tình yêu thương, đó mới là điều khiến tôi hạnh phúc, và cũng là thành công lớn nhất của chủ một quán ăn”, ông nhận định.
Ông Tấn là người Sài Gòn, được gia đình cho đi Mỹ du học từ năm 1971. Ông Huỳnh Lập – ba ông – là nhà buôn viễn dương có tiếng. Ông buôn bán, giao nhận, phân phối hàng hóa ở các nước về cảng Sài Gòn, rồi đưa đi khắp miền Nam. Năm 1975, cả gia đình ông sang Mỹ định cư. Sau nhiều năm mở nhà hàng cao cấp Pháp ở Mỹ, ông Tấn về lại Việt Nam sinh sống, làm việc cũng chính bởi từ tình yêu đặc biệt đối với quê hương mình.
Lần thứ 2 đến ăn tại Phở 2000, chị Kim Jiae (38 tuổi, người Hàn) cho biết chị rất thích hương vị phở ở đây. Mỗi lần có dịp đi Việt Nam, chị đều cùng gia đình mình tìm đến thưởng thức.
“Phở này gần chợ Bến Thành, nên sau khi tham quan và ghé mua một ít đồ truyền thống Việt Nam ở chợ là tôi sẽ ghé sang ăn. Nước dùng đậm đà, thơm và sợi phở dai mềm là điều tốt thích nhất trong tô phở này. Thêm nữa, mọi người ở đây đều rất dễ thương, và đặc biệt là nhà vệ sinh rất sạch sẽ!”, thực khách nhận xét.