ThS Dược lâm sàng, chuyên gia tư vấn dinh dưỡng Hoàng Kim Long công tác tại Trung tâm dinh dưỡng Long Thành (TP.Đà Nẵng) đã "bật mí" những món ăn thích hợp trong mùa mưa, vừa ngon cho mọi người, vừa đảm bảo sức khỏe.
Mùa mưa, đa dạng thực phẩm
Theo chuyên gia, vào mùa mưa, thời tiết se lạnh và độ ẩm cao tạo điều kiện lý tưởng cho sự sinh sôi nảy nở của thực vật và động vật, mang đến cho mọi người sự đa dạng trong lựa chọn thực phẩm.
Thời điểm này mọi người nên thường xuyên ăn:
- Cháo, súp hoặc lẩu: Giúp ấm cơ thể và dễ tiêu hóa (cháo thịt bằm, cháo cá lóc, cháo hàu, cháo sò huyết, cháo lươn, lẩu cá hồi, lẩu thái...)
- Canh nóng: Ví dụ canh rau củ hoặc canh thịt, cá bổ sung nước và dinh dưỡng (canh củ dền nấu cùng cà rốt, khoai tây và thịt heo, canh cải thịt bằm...)
- Món xào: Sử dụng rau xanh và đạm để tăng cường vitamin và khoáng chất (súp lơ xào thịt gà, bông thiên lý xào thịt bò, đậu đũa xào thịt heo...)
- Thực phẩm probiotic và lên men (dưa, kim chi, sữa lên men giúp cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột và hỗ trợ tiêu hóa)...
"Chế biến món ăn ngoài đảm bảo hương vị thơm ngon, phù hợp thời tiết ngày mưa gió còn cần đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, cung cấp đầy đủ năng lượng nhằm giúp mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe cả gia đình bạn trong những ngày mưa", ThS.Hoàng Kim Long nói thêm.
Bên cạnh đó, trong những ngày mưa lạnh, để cơ thể chống lạnh và giữ cho da không bị khô hay bong tróc, chuyên gia cũng khuyên nên chú ý bổ sung các chất sau:
- Chất béo lành mạnh: Các loại dầu thực vật (như dầu ô liu, dầu hạt cải), cá hồi và quả bơ giúp cung cấp độ ẩm cho da và giữ ấm cho cơ thể. Với món cá hồi hoặc bơ, tốt nhất nên làm các món hấp, luộc, chế biến đơn giản.
- Protein: Thịt nạc, trứng, cá, các loại đậu giúp cơ thể phục hồi và tạo năng lượng, đồng thời hỗ trợ việc duy trì cấu trúc da.
- Bổ sung vitamin: Đa dạng các thực phẩm giàu vitamin với rau xanh như cải bó xôi, cải kale chứa nhiều vitamin và khoáng chất, hỗ trợ sức khỏe tổng thể. Ngoài ra, bổ sung thêm một số trái cây: cam, kiwi, dâu tây giàu vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng và hỗ trợ sản xuất collagen cho da. Bên cạnh đó, các loại hạt hướng dương, hạnh nhân, quả óc chó rất giàu vitamin E và omega giúp duy trì độ ẩm cho da và chống oxy hóa.
- Nước: Uống đủ nước, đặc biệt là nước ấm, để giữ ẩm cho cơ thể và da.
Bằng cách bổ sung những chất này, bạn sẽ giúp cơ thể mình giữ ấm và bảo vệ làn da hiệu quả trong những ngày mưa lạnh. Chuyên gia cũng nói thêm, mùa mưa, không khuyến cáo ăn quá nhiều các món chiên, xào, nướng vì cách chế biến của những món này nhiệt độ cao tạo ra chất oxy hóa, axit béo bão hòa, chất độc không tốt cho cơ thể. Tuy nhiên, mọi người thỉnh thoảng có thể thay đổi khẩu vị bằng các món trên để cảm giác ăn uống được ngon miệng hơn.
Trái cây nào nên ăn vào mùa mưa?
Theo chuyên gia, việc bổ sung đa dạng các loại trái cây vào khẩu phần ăn hàng ngày sẽ cung cấp vi chất cần thiết, nâng cao sức đề kháng giúp cơ thể bạn và gia đình khỏe mạnh hơn và có thể chống chọi các tác nhân gây bệnh phổ biến vào mùa mưa như cảm cúm.
- Cam và quýt: Giàu vitamin C, giúp tăng cường miễn dịch và chống lại cảm lạnh
- Kiwi: Chứa nhiều vitamin C và chất xơ, hỗ trợ tiêu hóa và sức đề kháng.
- Chuối: Cung cấp năng lượng nhanh chóng, giàu kali và vitamin B6, giúp cải thiện tâm trạng.
- Lê: Giàu chất xơ, giúp tiêu hóa tốt và giữ ẩm cho cơ thể.
- Táo: Cung cấp nhiều chất xơ và chất chống oxy hóa, hỗ trợ sức khỏe tim mạch.
- Nho: Chứa nhiều nước và vitamin, giúp bổ sung độ ẩm cho cơ thể và hỗ trợ hệ miễn dịch.
- Đu đủ: Giàu vitamin C và enzyme, tốt cho tiêu hóa và giúp giữ ẩm cho da.
- Dứa: Cung cấp vitamin C, bromelain giúp hỗ trợ tiêu hóa và kháng viêm…
Nấu ăn hay ăn ngoài?
Chị Ngọc Anh (34 tuổi), sống trong một chung cư tại Q.8 (TP.HCM) những ngày trời mưa như thời điểm này, chị "siêng" nấu ăn hơn. Trong đó, chị thích nấu cho gia đình nhỏ của mình những món ăn nóng như cháo, canh, lẩu.
"Thường cuối tuần, gia đình mình hay đi ăn lẩu bên ngoài lắm. Nhưng trời mưa thì cũng ngại đi, nên 2 tuần qua cả nhà rủ nhau đi siêu thị dưới chung cư mua đồ làm lẩu thái, lẩu chay nè, có khi đi chợ truyền thống về nấu canh măng…
Bên ngoài mưa rả rích, trong nhà mọi người cùng nhau ăn món nóng nóng cảm giác tuyệt vời luôn", chị chia sẻ. Bên cạnh đó, để tránh bệnh cảm cho con nhỏ, chị cũng thường xuyên bổ sung trái cây, các loại rau củ quả giàu vitamin C cho con.
Không có thói quen nấu ăn, anh Phạm Hòa (25 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức) cho biết vào ngày mưa, anh "siêng" ghé các quán bán cháo, lẩu hơn. Lẩu gà ớt hiểm, cháo vịt, cháo lòng hoặc các cửa hàng lẩu lớn luôn là lựa chọn ưu tiên của anh vào mùa mưa này.
"Mùa nóng, mình cũng ngại ăn lẩu. Không phải dịp nào trong năm cũng có thời tiết mưa lạnh như vậy nên ăn lẩu là đúng điệu luôn. Cuối tuần, mình cũng như bạn bè thường rủ nhau đi ăn", anh chia sẻ.
Làm gì để đảm bảo an toàn thực phẩm trong mùa mưa?
Để đảm bảo an toàn thực phẩm ngày mưa, chuyên gia tư vấn dinh dưỡng Hoàng Kim Long khuyến cáo:
- Lựa chọn nguyên liệu tươi: Sử dụng thực phẩm tươi, tránh các nguyên liệu đã bị hư hỏng hoặc có dấu hiệu ôi thiu. Kiểm tra hạn sử dụng của thực phẩm. Nguyên liệu nấu ăn cần sơ chế và rửa sạch trước khi chế biến để loại bỏ bụi bẩn và hóa chất.
- Vệ sinh tay: Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng và nước trước khi chế biến thực phẩm để tránh lây lan vi khuẩn. Ngoài ra, lưu ý sử dụng các dụng cụ khác nhau cho thực phẩm sống và chín để tránh lây nhiễm vi khuẩn.
- Nấu chín kỹ: Đảm bảo các món ăn, đặc biệt là thịt, hải sản và trứng, được nấu chín hoàn toàn để tiêu diệt vi khuẩn và ký sinh trùng.
Ngoài ra, xã hội phát triển và nhiều gia đình thường sử dụng tủ lạnh để bảo quản thực phẩm. Nhằm để thực phẩm bảo quản chất lượng trong thời gian lâu hơn thì thực phẩm cần để tủ lạnh ngay sau khi mua, tránh để ở nhiệt độ phòng trong thời gian dài, đặc biệt là trong điều kiện ẩm ướt.
Bằng cách tuân thủ quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ giúp giảm nguy cơ ngộ độc và bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình trong mùa mưa, theo chuyên gia.