"Lộc trời" ở vùng đất phèn
Theo bà Đoàn Thị Út (ngụ ấp 6, xã Mỹ Thạnh Đông, H.Đức Huệ, Long An), cá lia thia còn được gọi cá chọi hoặc cá xiêm, cá phướng hay cá cờ sọc đỏ, sọc đen. Đây là loại cá có thể sống được trong môi trường chất lượng nước kém, thậm chí dễ dàng thích nghi với lũ lụt hoặc hạn hán khốc liệt ở vùng ĐBSCL. Thức ăn chủ yếu của cá lia thia là sinh vật phù du, ấu trùng trong nước, xác tôm cá, trong đó món ăn ưa thích của chúng là bông năng, đòng đòng lúa.
"Từ xưa đến nay, dân ở xứ bưng biền này xem cá lia thia như lộc trời vậy. Hễ ai thấy cá cứ xúc mà không có chủ đất nào ngăn cản hay thu tiền gì cả. Người chuyên xúc cá chỉ cần nhìn màu nước, bóng nước quanh các bụi năng, cỏ dại… là biết có cá lia thia ở đó hay không", bà Út cho hay.
Từ những năm cuối thập niên 80, giọt nước ngọt từ hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh) rửa phèn mặn ở một số ruộng phèn ở Đức Huệ thì nông dân tiến hành cải tạo đất phèn, vụ lúa mùa cũng xuất hiện tại đây. Tuy nhiên, diện tích bưng biền còn hoang hóa vẫn rất nhiều do đất nhiễm phèn quá cao. Và đó là nơi sinh sống của cá lia thia, cũng là chốn mưu sinh đối với nhiều người.
Ở miệt bưng biền phèn mặn Đức Huệ và Thạnh Hóa, đa phần người dân còn nhiều khó khăn, thanh niên chủ yếu làm công nhân tại các khu, cụm công nghiệp xa nhà. Gần đây, nhiều công ty gặp khó khăn kiếm đơn hàng dẫn đến không ít công nhân mất việc, giảm giờ làm và một phần trong số họ chọn quay về quê nhà sống cảnh nông nhàn, đi xúc cá lia thia kiếm thêm thu nhập. Cũng vì vậy mà miệt bưng biền phèn mặn này có thêm hàng trăm tay vợt cá mới.
Phải thường xuyên di chuyển trong nước cao đến ngực thì người xúc mới tiếp cận được những mẻ nhiều cá. Phải ngược xuôi có khi hơn 10 km trong ngày dưới bưng biền mới bắt được lượng cá như người xúc mong muốn nên mất khá nhiều sức lực. Đàn ông, đàn bà đều có thể lặn lội vớt được cá lia thia, nhưng vì mấy năm qua lượng cá giảm nên phải thường xuyên di chuyển xa, bây giờ chủ yếu cánh đàn ông trụ lại với cái nghề săn "lộc trời" này.
Anh Mai Văn Ty (36 tuổi, ngụ xã Mỹ Thạnh Đông, H.Đức Huệ) chia sẻ. "Tôi thường đi xúc cá từ 6 giờ sáng đến 2 giờ chiều tại hầu hết các cánh đồng năng, nơi nào xa thì di chuyển bằng xe máy. Mỗi ngày, xúc được 2 - 3 kg, người nào có sức khỏe và kinh nghiệm nhiều thì xúc 5 - 7 kg là bình thường, giá bán từ 200.000 - 300.000 ngàn đồng. Từ hồi dịch Covid-19, thất nghiệp ở công ty nên tôi ở nhà đi xúc cá đến bây giờ. Nói chung, công việc này vất vả, nhưng thu nhập cũng ổn, lo được cho gia đình".
Món mắm trứ danh
Các loại cá lóc, cá sặc… ở vùng Đồng Tháp Mười đều được làm mắm và gọi chung là mắm đồng, rất được thực khách gần xa ưa thích. Do vậy, hơn 10 năm trước, bà Đoàn Thị Út đã giải nghệ nghề xúc cá, ở nhà thử làm mắm cá lia thia. Hơn 2 năm với nhiều thất bại, cuối cùng bà đã thành công và cung cấp cho thị trường món mắm cá lia thia Út Lớn trứ danh.
Tiếng lành đồn xa, hiện mắm cá lia thia của bà Út đã "tỏa hương" ở nhiều tỉnh, thành với số lượng bán ra gần 100.000 hũ/năm, giá bán mỗi hũ có trọng lượng 0,5 kg khoảng 120.000 đồng. Nhờ quy trình làm sạch, hợp vệ sinh và không trộn hóa chất nên mắm cá lia thia Út Lớn đã được tỉnh Long An công nhận sản phẩm 3 sao trong chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP Long An.
"Vị mắm đồng thơm ngát, ăn ngon miệng, hao cơm lắm. Tôi thường thưởng thức mắm cá lia thia cùng đậu rồng, thịt luộc kèm bún hoặc cuốn bánh tráng. Nói chung rất ngon, rất ấn tượng", anh Lê Văn Đức, một người gốc Hà Tĩnh, lấy vợ và sinh sống tại Long An, chia sẻ về mắm cá lia thia.
Đức Huệ và một phần của các huyện Thạnh Hóa và Đức Hòa là vùng đất chuyển tiếp, giao nhau giữa 2 địa hình đặc trưng Đông Nam bộ và Tây Nam bộ nên 100% diện tích đất đai bị nhiễm phèn nặng và không có mạch nước ngầm ngọt nên nông nghiệp chậm phát triển. Rõ ràng, đây là vùng đất "trũng thấp" về phát triển tại tỉnh Long An. Miệt bưng biền phèn mặn ở đây vẫn mênh mông, bạt ngàn nên người mưu sinh liên quan loài cá lia thia vẫn còn trụ lại với nghề chắc sẽ còn lâu lắm.