Theo đó, Bảo hiểm xã hội TP.HCM đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chủ động rà soát thuốc có giá cao khi xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu trong thời gian tới.
Mặt khác, đối với các thuốc có giá cao, đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế yêu cầu nhà thầu thương thảo giảm giá nhằm góp phần sử dụng quỹ bảo hiểm y tế hiệu quả, tiết kiệm.
Ngoài ra, điều chỉnh giảm sử dụng thuốc giá cao, sử dụng thuốc khác thay thế nhằm cân đối chi bảo hiểm y tế theo dự kiến chi.
Theo Bảo hiểm xã hội TP.HCM, đối với các cơ sở khám chữa bệnh có tổng chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vượt thông báo dự kiến chi, việc sử dụng thuốc có giá cao với tỷ lệ cao được xem là nguyên nhân chủ quan gây vượt chi.
Trước đó, qua rà soát thuốc thanh toán bảo hiểm y tế trên địa bàn (theo kết quả thầu được công bố đến tháng 6.2024 do các cơ sở khám chữa bệnh báo cáo), Bảo hiểm xã hội TP.HCM cho biết có trên 600 loại thuốc có cùng hoạt chất, hàm lượng có giá cao, do khác dạng bào chế, đóng gói, nhóm tiêu chí kỹ thuật hoặc khác nhà sản xuất.
Theo Sở Y tế và Bảo hiểm xã hội TP.HCM, 6 tháng đầu năm 2024, số chi bảo hiểm y tế (cho 10,6 triệu lượt bệnh nhân nội trú và ngoại trú, tăng hơn 1 triệu lượt so với 2023) của TP.HCM đã là 11.941 tỉ đồng, tăng so với cùng kỳ 2023 là hơn 1.525 tỉ đồng. Năm 2024 Chính phủ chưa giao dự toán nên TP.HCM tạm tính theo tổng mức chi bảo hiểm y tế 2023 hơn 21.931 tỉ đồng.
Về giải pháp kiểm soát chi phí khám chữa bệnh hợp lý, Sở Y tế và BHXH TP.HCM đã có báo cáo UBND TP.HCM và tham mưu chỉ đạo. Theo đó, hằng tháng, Bảo hiểm xã hội TP.HCM có thông báo chi phí bình quân gia tăng của các đơn vị để rà soát, nếu bất hợp lý thì điều chỉnh. Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cũng đề nghị bệnh viện tăng cường rà soát quy trình kỹ thuật, phác đồ điều trị, kê đơn thuốc và đảm bảo cung ứng thuốc… để sử dụng hiệu quả quỹ.
Tại cuộc làm việc với các bệnh viện ở TP.HCM mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), khi làm dự thảo sửa đổi luật Bảo hiểm y tế thì cần cập nhật tối đa danh mục thuốc và vật tư y tế để có cơ sở thanh toán, cụ thể bằng nghị định và thông tư. Đề nghị thanh toán bảo hiểm y tế theo người bệnh, tức người bệnh sử dụng gì thì chi như vậy. Đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội khi bệnh viện sử dụng vượt quỹ dự kiến, bảo hiểm đã thẩm định thì cần thanh toán nhanh cho bệnh viện để trang trải chi phí hoạt động và mua sắm.
Cũng tại cuộc làm việc làm, Thứ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo việc chỉ định thuốc, vật tư trong điều trị linh hoạt, tức không phải điều trị theo sở thích mà chỉ định theo thực tế đang có ở bệnh viện.