Giảm gánh nặng thuốc trị ung thư

09:02 - 16/12/2024

Đối với bệnh nhân ung thư, bên cạnh nỗi đau về thể xác và tinh thần thì việc chi trả trong quá trình khám chữa bệnh, nhất là tiền thuốc, tạo gánh nặng rất lớn.

Đối với người mắc ung thư (UT), căn bệnh không chỉ là "án tử" treo lơ lửng trước mắt mà còn gây ra gánh nặng rất lớn về kinh tế. Nhiều người đã phải bán tài sản, nhà cửa, vay mượn để trị bệnh.
Giảm gánh nặng thuốc trị ung thư

Nhà nước đang có những động thái hướng tới giảm chi phí, tăng tiếp cận các loại thuốc mớicho bệnh nhân ung thư

ẢNH: BVCC

Bán nhà cửa, ruộng đất chữa bệnh

Giữa năm 2024, chị Nguyễn Phương Th. (45 tuổi, ở TP.HCM) phát hiện mắc UT cổ tử cung giai đoạn muộn. Quá trình tìm hiểu điều trị, chị được tiếp cận một loại thuốc điều trị UT mới. Liệu trình 35 đợt, mỗi đợt 3 tuần và từ đó đến nay, chi phí vào thuốc của chị là khoảng 1 tỉ đồng, thuốc có hiệu quả tốt. Chị nhẩm tính nếu hết liệu trình thì tốn khoảng 3 tỉ đồng. Là người có điều kiện, nhưng chị Th. cũng vô cùng lo lắng với chi phí này.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Ng. (54 tuổi, ở TP.HCM) điều trị bệnh UT vú giai đoạn 2 ở Bệnh viện (BV) Ung bướu cơ sở 2 (TP.Thủ Đức, TP.HCM) được hơn 1 năm. Nhớ lại thời điểm phát hiện bệnh, bà Ng. rưng rưng chia sẻ: "Năm ngoái, tôi phát hiện có một khối u nhỏ ở ngực trái. Sau khi khám thì tôi được chẩn đoán mắc bệnh UT vú giai đoạn 2 và chi phí chữa bệnh lên đến cả tỉ đồng. Nghe số tiền lớn như vậy, tôi không biết lấy đâu ra mà chạy chữa. Tôi khụy xuống sàn, tay chân bủn rủn và không ngừng khóc".

Giảm gánh nặng thuốc trị ung thư

Khu vực vào thuốc điều trị ung thư tại Bệnh viện Chợ Rẫy

ẢNH: BVCC

Bà Ng. là thợ phụ cắt chỉ quần áo, mỗi tháng kiếm được từ 3 - 4 triệu đồng. Chồng bà là thợ điện lạnh nhưng hiện đã thất nghiệp. Không còn cách nào khác, vợ chồng bà đành bán nhà để có tiền chạy chữa. "Đường cùng, chúng tôi ngậm ngùi bán đi căn nhà duy nhất của mình với giá hơn 2 tỉ để chữa bệnh. Chúng tôi mua một căn nhỏ hơn, tiền còn dư tôi dùng để thuốc men nhưng cũng đã sắp hết", bà Ng. nói và cho biết thêm mỗi toa thuốc sinh học điều trị bệnh dao động từ 10 - 11 triệu đồng. Mặc dù được bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả 80% chi phí chữa bệnh nhưng số tiền này vẫn là một con số lớn đối với vợ chồng bà. Nghĩ về tương lai, bà Ng. không biết xoay xở ra sao.

Còn bà Lê Hồng C. (45 tuổi, ở Kiên Giang) phát hiện bệnh UT từ tháng 5.2023 và được chỉ định dùng thuốc đặc trị dành cho bệnh nhân UT vú giai đoạn di căn. "Toa thuốc đầu tiên, tôi phải trả đến 140 triệu đồng, các toa tiếp theo thì 75 triệu đồng mỗi lần. Tính đến nay, tôi đã vào 18 toa với số tiền đã chi trả là hơn 1 tỉ đồng", nói rồi, bà C. đưa tay gạt đi những giọt nước mắt trên gương mặt hốc hác vì truyền thuốc. Bà nói mình đã bán đất đai để chữa bệnh. Kể từ ngày bà bệnh nặng, chồng bà là giáo viên trở thành trụ cột duy nhất của gia đình, vừa làm việc, vừa chăm sóc mẹ già và một đứa con nhỏ. "Vì thương mẹ, thương chồng, thương con còn quá nhỏ, tôi chưa bao giờ có ý định buông xuôi. Nhưng mỗi lần nhìn vào số tiền trị bệnh quá lớn, tôi lại lo sợ. Hơn 1 tỉ đồng bán đất đã gần cạn, mà con đường điều trị thì vẫn còn dài", bà C. chia sẻ.

Vay mượn tiền để trị ung thư

Với những người không có tài sản, nhà cửa, đất đai… để bán thì tình cảnh còn bi đát hơn. "Tôi hay nghe người ta nói UT là bệnh của người giàu, vì có bao nhiêu cũng không đủ. Vợ chồng tôi cùng già yếu, nào có tiền bạc để dành, cứ làm ngày nào ăn uống ngày đó. Hết cách nên tôi đã vay ngân hàng 100 triệu đồng chữa bệnh, nhưng mới mấy tháng mà cũng hết rồi", ông Nguyễn Văn L. (62 tuổi, ở Bình Phước) nói với PV Thanh Niên. Ông cho biết tháng 4.2024 ông được phát hiện mắc UT trực tràng. Ông làm nương rẫy với thu nhập ít ỏi khoảng 3 - 4 triệu đồng/tháng còn vợ ông thì "ai kêu gì làm đó". Dù được BHYT chi trả 80% chi phí nhưng số tiền chữa bệnh đối với gia đình ông vẫn quá sức nên đành đi vay ngân hàng.

Còn bà Hứa Thị D. (66 tuổi, ở Long An) phát hiện UT đại trực tràng từ tháng 5.2024 và đang vào thuốc sinh học tại BV Ung bướu TP.HCM. Chi phí đã lên đến hơn 100 triệu đồng, là tiền vay mượn người thân. Gia đình bà D. thuộc diện khó khăn, bà làm nghề buôn bán nước giải khát để kiếm sống qua ngày và nuôi người anh trai bị bệnh tâm thần. Sau khi phát bệnh, điều bà lo lắng nhất không phải là sức khỏe mà là chi phí chữa trị khổng lồ. "Tôi buôn bán nước giải khát trước nhà, tiền kiếm được còn không đủ ăn uống hằng ngày. Khi bị bệnh, tôi chỉ buồn vì gánh nặng tiền bạc, chứ không buồn vì đau đớn. Từ tháng 5 đến bây giờ, tôi đã chạy vạy vay mượn của người thân, họ hàng hơn 100 triệu đồng", bà nghẹn ngào nói. Mỗi lần đến BV, bà phải đi từ lúc 5 giờ sáng bằng xe buýt để tiết kiệm chi phí đi lại, kể cả ăn uống.

Cũng mắc UT đại tràng, chị Nguyễn Thị Th. (43 tuổi, ở Đắk Nông) luôn đau đáu về áp lực chi phí. Chị Th. làm nương rẫy, chồng làm nghề bốc vác. Thu nhập mỗi tháng của hai vợ chồng khoảng 6 - 7 triệu đồng. Chị Th. cho biết từ khi phát hiện bệnh (giữa năm 2023) đến nay, chị đã vay mượn hơn 40 triệu đồng để chạy chữa. "Mặc dù tôi được hưởng bảo hiểm 100% nhưng còn rất nhiều chi phí để lo, nào là tiền ăn uống của hai vợ chồng, tiền nhà trọ, tiền đi lại… Con út của tôi chỉ mới 13 tuổi còn đi học nên rất khó khăn", chị Th. bày tỏ.

Nguyện vọng của người bệnh

"Hiện nay, chi phí điều trị UT, đặc biệt là các liệu pháp mới như thuốc ức chế miễn dịch, là vô cùng lớn. Với chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng cho mỗi lần truyền, một liệu trình đầy đủ có thể kéo dài hàng chục lần truyền, đẩy tổng chi phí điều trị lên tới hàng tỉ đồng. Đây là con số nằm ngoài khả năng chi trả của đại đa số người dân VN. Điều đáng nói là nhiều loại thuốc điều trị UT mới này không nằm trong danh mục được BHYT chi trả", chị Nguyễn Phương Th. nói.

Theo chị Th., BHYT có mục tiêu bảo vệ sức khỏe toàn dân, chia sẻ gánh nặng chi phí y tế, nhất là với những người mắc bệnh hiểm nghèo hoặc có thu nhập thấp. Tuy nhiên, khi BHYT không chi trả cho các loại thuốc UT mới và hiệu quả đã làm giảm hiệu quả và đi ngược lại tinh thần nhân văn của chính sách.

"Người bệnh UT không chỉ đối mặt với nỗi đau thể xác mà còn chịu áp lực tài chính khổng lồ. Sự thiếu hỗ trợ từ BHYT trong thời điểm ngặt nghèo có thể đẩy họ vào tuyệt vọng và mất đi cơ hội sống. Để giải quyết vấn đề này, Nhà nước và Bộ Y tế cần xem xét mở rộng danh mục thuốc BHYT chi trả, ưu tiên các loại thuốc mới có hiệu quả cao trong việc kéo dài và cải thiện chất lượng sống của bệnh nhân. Đồng thời, cần xây dựng cơ chế hỗ trợ linh hoạt cho các trường hợp đặc biệt, cho phép chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí thông qua quỹ BHYT hoặc các quỹ hỗ trợ người bệnh nghèo", chị Th. nói và cho rằng ngành y tế cần đàm phán với các công ty dược để giảm giá thuốc, đây cũng là giải pháp cần thiết nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho cả người bệnh và quỹ BHYT.

"Song song đó, việc quản lý quỹ BHYT cần minh bạch và hiệu quả hơn, đảm bảo nguồn lực được phân bổ hợp lý để chi trả tối đa cho người bệnh. Việc mở rộng chi trả cho thuốc UT mới không chỉ là một chính sách y tế mà còn là cam kết nhân đạo và trách nhiệm an sinh xã hội. Đó là cách để đảm bảo rằng khi người bệnh rơi vào tình cảnh khó khăn nhất, họ vẫn nhận được sự hỗ trợ và sẻ chia từ hệ thống BHYT quốc gia", chị Th. chia sẻ.

Hiệu quả thuốc ung thư mới ra sao ?

Theo TS-BS Diệp Bảo Tuấn, Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, hiện đã có rất nhiều thuốc mới được nghiên cứu và ứng dụng để điều trị UT hiệu quả hơn các thuốc hóa trị trước đây. Chẳng hạn, trong bệnh UT phổi di căn (giai đoạn 4) nếu điều trị bằng các loại thuốc hóa trị trước đây thì trung bình thời gian sống chỉ khoảng 9 tháng. Ngày nay với các thuốc miễn dịch như Pembrolizumab, trung bình thời gian sống còn của các bệnh nhân UT phổi giai đoạn 4 có thể kéo dài 26 tháng. Trong bệnh UT vú giai đoạn sớm nếu bệnh nhân được điều trị bằng thuốc kháng Her2 (thuốc nhắm đích) như Trastuzumab thì 25% bệnh nhân sẽ tránh được nguy cơ di căn.

Tuy nhiên, theo TS-BS Tuấn, các thuốc điều trị UT thế hệ mới như thuốc nhắm đích hoặc thuốc miễn dịch có chi phí rất cao. Trong năm 2023, tại BV, số tiền mà bệnh nhân UT bỏ ra để chi cho các thuốc kháng Her2 (dù đã được BHYT chi 60%) là hơn 119 tỉ đồng. Đối với các thuốc chưa được quỹ BHYT chi trả thì số lượng bệnh nhân đủ khả năng chi trả còn rất thấp. Theo một nghiên cứu của BV Ung bướu TP.HCM thì chỉ có 9/283 bệnh nhân UT vú có chỉ định được điều trị với Pertuzumab (3,2%) do không đủ kinh phí. Trước thực trạng đó, BV Ung bướu TP.HCM đã kiến nghị với Bộ Y tế để thêm các thuốc chống UT mới vào danh mục được BHYT chi trả với tỷ lệ thích hợp.

Tại BV Chợ Rẫy, năm qua, tổng trị giá sử dụng thuốc là hơn 2.476 tỉ đồng, trong đó, thuốc UT chiếm 36,67%. Trong số này, thuốc ung thư đề nghị thanh toán BHYT chiếm 68,17%, còn lại bệnh nhân chi trả chiếm 31,83% (khoảng 288 tỉ đồng).

 
 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

lịch phát sóng trên truyền hình

Thanh toán hóa đơn SCTV

Không gian lạ - SCTV9

 

Không khoan nhượng - SCTV9

 

Công công xuất cung - SCTV9

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...