Trao đổi với PV Thanh Niên, TS.BS Hoàng Quốc Cường, Giám đốc Sở Y tế TP.Cần Thơ cho biết sở vừa có văn bản chấn chỉnh Bệnh viện da liễu TP.Cần Thơ trong việc quản lý và sử dụng sản phẩm mỹ phẩm liên quan sử dụng các sản phẩm bằng máy tiêm dưỡng chất đa kim.
Nguyên nhân là trước đó, bệnh viện này bị phản ánh, đã sử dụng 4 loại mỹ phẩm thoa da đưa vào toa mẫu để dùng máy tiêm dưỡng chất Hydro Injector II tiêm vào da mặt cho bệnh trong thời gian dài. Theo đó, 4 loại mỹ phẩm gồm: Goodndoc Vitamin C-16.5 Daily Whitening Serum; Goodndoc Hydra B5 Serum; Beauty Skin Vita C; Beauty Skin EGF MOISTURE. Qua tra phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm do Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cấp và hướng dẫn sử dụng thì sản phẩm thì cả 4 sản phẩm trên đều thuộc dạng "kem, nhũ tương, sữa, gel hoặc dầu dùng trên da (mặt, chân, tay…)".
Trước đó, một lãnh đạo Bệnh viện da liễu TP.Cần Thơ đã gửi báo cáo đến Sở Y tế TP.Cần Thơ tường trình: Ngày 9.12.2023, BS. T.D.H, Khoa thẩm mỹ đã đề xuất 4 sản phẩm mỹ phẩm trên vào toa mẫu của bệnh viện để chỉ định điều trị trẻ hóa da, sạm da cho bệnh nhân. Đề nghị này không thông qua Hội đồng chuyên môn của bệnh viện nhưng sau đó được Giám đốc bệnh viện duyệt đưa vào sử dụng. Theo thống kê, trong thời gian từ tháng 1.2023 đến khi ngưng sử dụng vào tháng 4.2024, đã có hàng trăm bệnh nhân được các bác sĩ của bệnh viện chỉ định điều trị tiêm 4 loại mỹ phẩm nói trên vào da mặt.
Cũng theo báo cáo của một lãnh đạo Bệnh viện da liễu TP.Cần Thơ, sau khi phát hiện việc sử dụng không đúng chỉ dẫn của nhà sản xuất, nhân viên Khoa Dược, của bệnh viện đã liên hệ với 2 công ty phân phối sản phẩm mỹ phẩm nói trên và được phản hồi rằng các sản phẩm không được tiêm vào da.
Trong công văn chỉ đạo chấn chỉnh, Sở Y tế TP.Cần Thơ cũng yêu cầu: "Giám đốc Bệnh viện Da liễu TP.Cần Thơ chịu trách nhiệm về việc chỉ đạo quản lý, sử dụng thuốc và các sản phẩm mỹ phẩm theo đúng quy định hiện hành. Việc sử dụng các sản phẩm mỹ phẩm phải tuân thủ theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất".
Văn bản cũng lưu ý: "Về quy trình kỹ thuật chuyên môn phải đảm bảo theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trường hợp bệnh viện có áp dụng triển khai các phương pháp, kỹ thuật mới trong khám bệnh, chữa bệnh phải thực hiện các thủ tục trình cấp thẩm quyền phê duyệt theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh hiện hành".
"Chỉ xiên xâm lấn tối thiểu, không phải tiêm"
Trao đổi về việc sử dụng 4 loại mỹ phẩm trên máy tiêm dưỡng chất Hydro Injector II, BS.CK2 Lê Văn Đạt, Giám đốc Bệnh viện da liễu TP.Cần Thơ cho biết, "Kỹ thuật này được Bộ (Bộ Y tế -PV) duyệt hết rồi. Sản phẩm sử dụng rất hiệu quả. Thay vì dùng thoa, điện di lăn bên ngoài không xâm lấn thì phương pháp này có xâm lấn tối thiểu đưa dưỡng chất vào lớp trung bì, nhằm giữ da ẩm và tăng độ đàn hồi da".
BS Đạt cũng giải thích thêm: "Đây không phải là tiêm. Tiêm là phải dùng xi lanh tiêm sâu vào cơ còn phương pháp trên là gọi là xiên xâm lấn tối thiểu. Thiết bị điều trị giống như cây súng có gắn 9 đầu kim, khi bóp cò sẽ hít chặt da mặt bệnh nhân để các đầu kim xiên qua lớp thượng bì khoảng 0,5mm, dưỡng chất sẽ chảy theo những lỗ xiên đó vào lớp trung bì".
Giám đốc Bệnh viện da liễu TP.Cần Thơ cũng khẳng định, quy trình để ra toa mẫu điều trị với 4 loại mỹ phẩm trên gồm nhiều công đoạn, đúng quy trình trước khi đưa lên hệ thống, để các bác sĩ khám và chỉ định điều trị cho bệnh nhân sử dụng. Tuy nhiên, ông Đạt cũng cho biết, từ yêu cầu của Sở Y tế TP.Cần Thơ, bệnh viện cũng đã chấn chỉnh rà soát lại toàn bộ quy trình; đồng thời đã có báo cáo cụ thể gửi lãnh đạo Sở. Bệnh viện cũng đã ngưng sử dụng 4 loại mỹ phẩm trên từ tháng 4.2024 do nguồn cung "đứt hàng".