Trong khi đó, lãnh đạo UBND TP.Gia Nghĩa khẳng định sẽ yêu cầu chính quyền địa phương xử lý nghiêm; yêu cầu cá nhân vi phạm phải trả lại hiện trạng đất ban đầu, không để tình trạng phạt rồi cho tồn tại. Vậy, khu vực suối bị lấn hiện thế nào?
Ngày 8.8, chúng tôi quay lại khu vực đã phản ánh để tiếp tục ghi nhận. Điều đáng nói là ngoài việc không trả lại hiện trạng đất ban đầu, dọc dòng suối dưới chân cầu đường tránh Gia Nghĩa còn có dấu hiệu lấn chiếm nghiêm trọng hơn. Con đường đất thời điểm chúng tôi ghi hình nay đã “biến” thành con đường bê tông kiên cố (khu vực thuộc P.Nghĩa Tân). Còn khu vực thuộc địa bàn P.Nghĩa Phú, trên đất đã được trồng thêm chuối, sắn…
Trong khi đó, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, trong những ngày mưa lũ vừa qua, khu vực suối Đắk Nông và suối Đắk R’tih (TP.Gia Nghĩa), là một trong những điểm “nóng” về ngập lụt, sạt lở.
Cách khu vực chúng tôi ghi nhận khoảng 200 mét là hiện trường của vụ sạt lở bờ ta luy âm đường tránh Gia Nghĩa, thuộc địa bàn P.Nghĩa Tân (TP.Gia Nghĩa). PV Thanh Niên ghi nhận dòng suối Đắk R’tih (nằm kế bên tuyến đường bị sạt lở) nước chảy rất mạnh và xiết. Phía bên kia bờ, cây cối phủ khá nhiều và không có dấu hiệu của việc sạt lở. Ngược lại, phía bờ có vụ sạt lở thì cây cối còn rất ít, thay vào đó là nhà cửa, công trình… Sau sạt lở, có căn nhà sụp đổ gần như hoàn toàn, nằm ngổn ngang dưới vực.
Đáng chú ý, ngày 7.8, tại buổi làm việc với UBND tỉnh Đắk Nông về công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị trong quy hoạch chung và các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội từ cấp xã trở lên, Đắk Nông cần chú ý đến công tác phòng, chống thiên tai, sạt lở; đặc biệt đảm bảo số lượng rừng và chất lượng rừng, tôn trọng dòng chảy tự nhiên.
Như lời cảnh báo của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, bên cạnh việc giữ rừng, Đắk Nông cần phải “tôn trọng dòng chảy tự nhiên”. Nếu không vào cuộc quyết liệt, chế tài nghiêm, thì việc lấn, chiếm suối, thay đổi dòng chảy tự nhiên sẽ ngày càng phức tạp, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống thiên tai của địa phương này ở cả hiện tại và trong tương lai.
Quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai
Theo thống kê của UBND tỉnh Đắk Nông, từ ngày 28.7 – 6.8, mưa lũ đã làm 2 người tử vong, 192 căn nhà bị ngập nước, hơn 650 ha cây trồng các loại bị ngập úng và hơn 217 ha ao nuôi thủy sản bị ngập. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương đã di dời 283 hộ dân tại khu vực có nguy cơ cao sạt lở đến nơi an toàn. Thiệt hại ước tính khoảng 250 tỉ đồng.
Tối 8.8, UBND tỉnh Đắk Nông quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để ứng phó, khắc phục đối với công trình hồ chứa nước Đắk N’ting (xã Quảng Sơn, H.Đắk Glong); đường Hồ Chí Minh, đoạn qua P.Nghĩa Thành, TP.Gia Nghĩa (còn gọi là QL14); sạt trượt tại khu vực bon Bu Krắc và bon Bu Prăng 1A (xã Quảng Trực, H.Tuy Đức).