Theo ông Hải, đây là loại bê tông thấm nước, khác với bê tông thông thường. Loại bê tông này được các nước ứng dụng rộng rãi để làm đường dạo trong công viên, khu dân cư, vỉa hè, bồn gốc cây với mục đích tăng không gian mặt bằng sử dụng, đồng thời tạo thẩm mỹ và đạt được giải pháp thấm, thoát nước tự nhiên cho bề mặt.
Vật liệu được sử dụng tại các gốc cây trên đường Trường Sơn là một trong những mẫu thiết kế thí điểm đầu tiên nên sẽ có đánh giá để cải tiến về độ thẩm mỹ, khả năng thấm nước, mức độ tiện lợi.
Cơ quan chức năng cũng tính toán thiết kế tháo dần khoanh vật liệu xung quanh gốc cây khi cây tăng trưởng về kích thước, nhất là đối với những loài cây có sự tăng trưởng nhanh như cây giáng hương lá lớn.
Mẫu vật liệu này có thành phần chủ yếu là vật liệu cấp phối đá mi, sỏi màu các loại với chất kết dính là keo polycem resin. Với thiết kế hiện nay, loại vật liệu này không ảnh hưởng đến hô hấp của hệ rễ cũng như quá trình sinh trưởng chung của cây.
Ông Hồ Hữu Hải cho biết, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM đã sử dụng bê tông thấm nước ở một số tuyến đường như Phạm Văn Đồng, Quốc Hương (TP.Thủ Đức), bước đầu đánh giá đảm bảo mỹ quan, tăng không gian sử dụng công cộng và đáp ứng tốt việc thấm, thoát nước. Thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục ứng dụng trên nhiều tuyến đường khác, đặc biệt ở khu vực trung tâm.
Đối với các cây xanh trên tuyến đường Trường Sơn (Q.Tân Bình), ông Hải cho biết một số cây tăng trưởng nhanh khiến cho gốc cây bị chèn vào phần vật liệu. Qua theo dõi, các cây giáng hương lá lớn này vẫn sinh trưởng, phát triển bình thường và chưa có dấu hiệu mất an toàn.
Đại diện Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM cho biết một số tổ chức, cá nhân có hành vi xâm hại cây xanh đường phố bằng việc xây trám xi măng, đổ bê tông thông thường gây bít gốc cây. Ngoài biện pháp tháo gỡ, việc từng bước sử dụng loại vật liệu bê tông thấm nước là một trong những giải pháp cần thiết để tăng thêm không gian sinh hoạt công cộng, đồng thời giảm thiểu việc xây trám xi măng, đổ bê tông “bức tử” cây xanh.