Dù sống gần công trình nước sạch nhưng người dân vẫn phải dùng nước giếng hoặc nước tự chảy, đó là thực trạng tại 3 làng Tnao, Griêng và Briêng ở xã La Boòng (H.Chư Prông, Gia Lai). Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho người dân ở 3 làng này được xây dựng từ năm 2007 với kinh phí đầu tư hơn 1,2 tỉ đồng. Song, sử dụng chưa được bao lâu thì nhiều hạng mục của công trình nước sạch này xuống cấp, hư hại. Hệ thống đường ống chính cũng như đường ống dẫn nước về nhà các hộ dân nhiều nơi bị rò rỉ, vỡ. Một số hạng mục không thể vận hành được.
Tại xã Đăk Sông (H.Kông Chro, Gia Lai), công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy Krăk-Blà-Kchăng được xây dựng từ năm 2007 với số vốn đầu tư 733 triệu đồng và công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy Kliết-H’ôn-Kte xây dựng năm 2009, số vốn đầu tư 1,27 tỉ đồng cũng trong hoàn cảnh tương tự. Bể chứa nước bị nứt, nhiều hạng mục công trình đã bỏ hoang. Không có nước từ nguồn cung cấp, người dân đã chọn giải pháp đào giếng, lấy nước suối về sinh hoạt.
Tương tự, hai công trình nước sinh hoạt ở xã Ia H’lốp (H.Chư Sê) được đầu tư hơn 700 triệu đồng, xây dựng từ năm 2012 nhưng chỉ sau vài năm sử dụng đã không còn hoạt động hiệu quả và bị bỏ hoang. Một số máy móc bị hư hỏng, số còn lại thì không thể hoạt động. Cụ thể, sau khi hoàn thành, công trình đã được bàn giao cho các thôn để quản lý, sử dụng. Nhưng do người dân không đóng đủ tiền điện để vận hành, công tác duy tu bảo dưỡng kém dẫn đến công trình lâm cảnh… “đắp chiếu”.
Nhiều công trình cấp nước sinh hoạt khác ở tỉnh Gia Lai cũng chẳng khá hơn. Thực tế, căn cứ vào nhu cầu của người dân, nhiều chương trình nước sinh hoạt với số tiền nhiều tỉ đồng đã được đầu tư, phân bổ về các địa phương. Nhưng do công tác bảo quản, duy tu và qua thời gian sử dụng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tự nhiên, nhiều công trình bị xuống cấp, hư hỏng. Trong khi đó, nguồn thu từ tiền điện, tiền nước hoặc nguồn đầu tư từ địa phương để đảm bảo cho các công trình hoạt động hiệu quả, thường xuyên còn hạn chế. Thực trạng này đã khiến không ít công trình bị xuống cấp, hư hỏng hoặc bị bỏ hoang từ nhiều năm nay.
SỬ DỤNG CHƯA ĐẾN 1/5 CÔNG SUẤT THIẾT KẾ
Trạm cấp nước sạch ở TT.Đăk Đoa (H.Đăk Đoa, Gia Lai), còn có tên gọi là Trạm D, có vốn đầu tư gần 15 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh Gia Lai, với thiết kế công suất cấp nước 1.400 m3/ngày/đêm, cung cấp nước sạch cho người dân ở thôn 1, tổ dân phố 9 và một số vùng lân cận. Trạm cấp nước này còn phục vụ cho khu trung tâm hành chính mới cùng một số cơ quan, đơn vị của H.Đăk Đoa.
Công trình hoàn thành và bàn giao cho địa phương quản lý từ tháng 6.2018, nhưng đến cuối tháng 10.2019 mới được cấp phép đưa vào hoạt động. Nguyên nhân là do trong quá trình triển khai xây dựng, công trình này không tiến hành lập hồ sơ xin khai thác nước ngầm và các thủ tục liên quan, dẫn đến tình trạng chưa thể đưa vào vận hành, khai thác.
Cụ thể, trong báo cáo của UBND H.Đăk Đoa đã thừa nhận: “Khi tiếp nhận và quản lý công trình Trạm D từ tháng 6.2018 – 10.2019, công trình không được vận hành và khai thác để cấp nước cho dân vì chưa có giấy phép khai thác và sử dụng nước dưới đất”.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Xuân Giang, Đội trưởng Đội công trình đô thị H.Đăk Đoa (đơn vị được giao quản lý, vận hành công trình), cho biết: “Công trình hiện có thể cấp 1.800 m3 nước/ngày/đêm và đã có hơn 18 km đường ống. Đến nay, chỉ mới có 286 hộ đăng ký sử dụng. Trung bình mỗi hộ sử dụng khoảng 1 m3/ngày/đêm. Hiện giá nước được tính theo bậc thang từ 3.800 – 4.800 đồng/m3. Riêng hộ đồng bào thiểu số được hỗ trợ với giá đồng mức 2.500 đồng/m3. Doanh thu của Trạm D năm 2022 là 441 triệu đồng và trong 7 tháng đầu năm nay là 210 triệu đồng”.
Công trình cấp nước sinh hoạt được xây dựng với chiến lược “dài hơi”, nhưng trong 4 năm qua với số người dùng khiêm tốn như trên thì chưa phát huy hiệu quả mong muốn trong tiêu chí xây dựng Nông thôn mới. “Chúng tôi cũng vận động theo nhiều cách, trong đó có hình thức lan tỏa. Đó là khi có hộ đăng ký sử dụng, chúng tôi vận động những hộ xung quanh nếu chưa có nhu cầu thì bắc luôn đường ống chờ, khi cần sẽ đấu nối rất nhanh và không phải mất công đào đường, thi công… Nhưng hiệu quả vẫn chưa cao do mật độ dân số thưa, người dân có thói quen dùng nước giếng có sẵn lâu nay, chỉ khi nào hạn nặng họ mới tìm đến mình. Đấy cũng là cái khó”, ông Giang nói.
Dân không còn nhu cầu sử dụng (?)
Theo ông Nguyễn Xuân Giang, mật độ dân số các tỉnh thuộc Tây nguyên còn thấp, những khu vực đông dân cư chủ yếu tập trung ở một số vùng nhất định, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Đây là thực trạng nan giải khi cơ quan chức năng triển khai khảo sát, đầu tư các công trình dân sinh, công cộng, trong đó có các công trình nước sinh hoạt. Tại nhiều địa phương, công trình nước sinh hoạt được đầu tư bài bản, thiết kế cho nhiều hộ dân sử dụng nhưng thực tế chỉ một cộng đồng nhỏ được thụ hưởng vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan. Ngoài ra, có nhiều công trình không được bảo vệ tốt, duy tu bảo dưỡng thường xuyên nên chỉ sau một vài năm sử dụng đã xuống cấp, hư hại nhanh chóng dẫn đến hoạt động kém hiệu quả hoặc bỏ hoang gây lãng phí.
“Một nguyên nhân khác khiến nhiều công trình nước sinh hoạt chưa thể phát huy hiệu quả là do người dân không thể trả đủ chi phí tiền điện hay một số hộ dân đã tự đào giếng nên không còn nhu cầu sử dụng. Hoặc một số công trình hoạt động kém hiệu quả do nguồn nước không đủ cung cấp hay chỉ đủ cấp nước cho các hộ dân đầu nguồn công trình”, ông Giang nhìn nhận.
CẦN RÀ SOÁT ĐỂ TRÁNH LÃNG PHÍ
Theo báo cáo mới nhất của Chi cục Thủy lợi Gia Lai, chỉ tính riêng các công trình nước sinh hoạt nông thôn tại Gia Lai, hiện có 97/285 công trình hoạt động tương đối bền vững, 57/285 hoạt động kém bền vững và 61/285 công trình cấp nước tập trung không hoạt động.
“Tình trạng nhiều công trình nước sinh hoạt chưa phát huy tác dụng, không còn hoạt động là có. Song, cũng phải nói rằng nhiều công trình đã xây dựng từ lâu, thiếu duy tu bảo dưỡng và giữ gìn từ cộng đồng nên đã xuống cấp, hư hỏng. Thiếu đầu tư do kinh phí địa phương còn khó khăn, người dân không đóng góp để duy tu, bảo dưỡng công trình cũng là nguyên nhân. Thói quen dùng nước dẫn về làng từ sông, suối hay giếng đào, giếng khoan cũng là nguyên nhân. Để phát huy tốt, các địa phương cần rà soát lại để có kế hoạch, chiến lược nhằm phát huy hiệu quả của công trình, tránh lãng phí nguồn lực và đặc biệt là giúp người dân thiếu nước sinh hoạt có điều kiện để thụ hưởng nguồn nước này”, ông Nguyễn Chúc, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Gia Lai, trăn trở.