Theo kiến nghị của người dân xã Bình Dân gửi đến các cơ quan chức năng, Công ty TNHH thương mại Tuấn Tú (Công ty Tuấn Tú) nằm giữa khu dân cư các xã Đồng Cẩm, xã Liên Hòa, xã Bình Dân (H.Kim Thành). Cạnh công ty là bệnh viện, ngân hàng, công ty may, chợ và trường học các cấp.
Công ty Tuấn Tú thành lập với dự án là sản xuất rau sạch, nhưng thực tế nhiều năm nay đã không làm rau sạch mà là sản xuất, chế biến phân bón, thức ăn chăn nuôi. Hằng ngày, hoạt động sản xuất của công ty này gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí.
"Hoạt động sản xuất phân bón nhưng không đảm bảo các biện pháp bảo vệ môi trường khiến không khí xung quanh rất nặng mùi, đặc biệt là mùi Amoniac, tỷ lệ người dân bị mắc các căn bệnh ung thư ngày càng cao, các căn bệnh đường hô hấp ở người già và trẻ nhỏ diễn ra thường xuyên", bà Nghiêm Thị Thúy (44 tuổi, trú tại thôn Trung Tuyến, xã Bình Dân) cho hay.
Ngoài những vấn đề liên quan đến sức khỏe, người dân còn phản ánh hoạt động sản xuất của Công ty Tuấn Tú cũng khiến lúa và hoa màu của các hộ dân cũng bị ảnh hưởng, héo úa và chết. Chính vì vậy, họ mong mỏi Công ty Tuấn Tú di dời hệ thống lò nung phân bón đến vị trí khác, ra khỏi khu dân cư để đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng.
Nhiều chỉ số bảo vệ môi trường chưa đạt
Theo nội dung được nêu trong giấy phép môi trường do UBND tỉnh Hải Dương cấp ngày 7.2.2024, Công ty Tuấn Tú được Sở KH-ĐT tỉnh Hải Dương cấp giấy phép kinh doanh lần đầu vào tháng 4.2007 với ngành nghề kinh doanh buôn bán nông sản, máy móc thiết bị. Đến tháng 9.2023, công ty này thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh lần thứ 9 với ngành nghề là sản xuất, pha chế phân bón; kinh doanh hàng nông sản và vật tư nông nghiệp. Tháng 10.2023, Công ty Tuấn Tú được UBND tỉnh Hải Dương ra quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư và nhà đầu tư.
Theo giấy phép môi trường được UBND tỉnh Hải Dương cấp cho doanh nghiệp này, Công ty Tuấn Tú được phép xả nước thải và xả khí thải ra môi trường và thực hiện yêu cầu về bảo vệ môi trường; bảo đảm giá trị giới hạn đối với tiếng ồn, độ rung.
Đồng thời, theo giấy phép môi trường được cấp, công ty chỉ được phép thực hiện các nội dung đã được cấp phép sau khi đã hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường tương ứng. Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi chất ô nhiễm, tiếng ồn, độ rung không đạt yêu cầu cho phép và phải dừng ngay việc xả nước thải, khí thải, phát sinh tiếng ồn, độ rung để thực hiện các biện pháp khắc phục theo quy định.
Trước kiến nghị của người dân về việc gây ô nhiễm môi trường của Công ty Tuấn Tú, UBND xã Bình Dân đã có văn bản đề nghị UBND H.Kim Thành, các ban ngành phối hợp với chính quyền xã Bình Dân, xã Đồng Cẩm giám sát hoạt động của công ty này, đặc biệt việc xả thải khói ra môi trường. Đồng thời, đề nghị Sở TN-MT tỉnh Hải Dương kiểm tra, rà soát lại trình tự thủ tục liên quan đến hoạt động môi trường của doanh nghiệp sau khi được UBND tỉnh Hải Dương cấp giấy phép môi trường.
Ngày 6.3 vừa qua, Đoàn kiểm tra, giám sát của Sở TN-MT tỉnh Hải Dương đã đến Công ty Tuấn Tú để kiểm tra vận hành thử nghiệm của nhà máy trong hoạt động xử lý chất thải. Thời điểm kiểm tra, công ty đã tạm dừng hoạt động sản xuất phân bón hữu cơ, các loại hình sản xuất phân bón khác diễn ra bình thường.
Đối với hệ thống xử lý nước thải, công ty chưa gắn quy trình sản xuất tại chân công trình, bể chứa nước thải không có bùn hoạt tính, chưa hoạt động máy sục khí. Tại nhà xưởng sản xuất phân ép, chụp hút chưa đảm bảo thu gom toàn bộ khí thải về hệ thống xử lý, còn phát tán ra nhà xưởng gây mùi.
Tại nhà xưởng sản xuất phân hữu cơ và sản xuất phân NPK đều phát tán mùi khó chịu, hoạt động không đúng theo giấy phép môi trường được cấp. Việc vệ sinh nhà xưởng không tốt cũng là một trong những nguyên nhân gây mùi; kho chứa chất thải chưa đáp ứng đúng yêu cầu kỹ thuật.
Đoàn kiểm tra, giám sát đã yêu cầu Công ty Tuấn Tú phải khắc phục những tồn tại đã được chỉ ra và có báo cáo gửi về Sở TN-MT tỉnh Hải Dương trước ngày 20.3.
Ngày 13.4, trao đổi với PV Báo Thanh Niên, đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường Hải Dương cho biết, đến thời điểm hiện tại, Công ty Tuấn Tú đã khắc phục những tồn tại được Đoàn kiểm tra, giám sát chỉ ra. "Doanh nghiệp vẫn đang trong quá trình vận hành thử nghiệm hệ thống xử lý chất thải nên các đơn vị chức năng sẽ tiếp tục giám sát về các phương án bảo vệ môi trường của doanh nghiệp này", vị đại diện này cho hay.
Khi được hỏi về phạm vi bảo đảm khoảng cách an toàn từ doanh nghiệp sản xuất phân bón đối với khu dân cư, lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường (thuộc Sở TN-MT tỉnh Hải Dương) cho hay, theo quy định của pháp luật hiện hành trong ngành nghề sản xuất phân bón cho đến nay chưa có quy định về phạm vi khoảng cách an toàn.
Về việc doanh nghiệp thay đổi giấy phép kinh doanh đến 9 lần từ ngành nghề ban đầu là buôn bán nông sản máy móc thiết bị đến sản xuất phân bón mà trước đó chưa có giấy phép môi trường, lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường Hải Dương lý giải: Theo luật Bảo vệ môi trường mới, từ 1.1.2022 doanh nghiệp kinh doanh sản xuất mới phải xin giấy phép môi trường.