Cụ thể, đối với đường bộ sẽ tiếp tục nâng cấp, cải tạo QL1, tuyến tránh QL1, bố trí đường gom khi đi qua khu vực đô thị; hoàn thiện nâng cấp tỉnh lộ 3; mở rộng đoạn tuyến qua núi Cù Hin, kết hợp bố trí hệ thống giao thông công cộng, hoàn thiện hệ thống kè, ta luy đảm bảo an toàn. Đồng thời nghiên cứu quy hoạch xây dựng hầm qua núi Cù Hin.
Về đường sắt, nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM; xây dựng mới ga Nha Trang tại khu vực Vĩnh Trung và ga đường sắt tốc độ cao tại Diên Khánh; sau năm 2030, chuyển đổi chức năng ga Nha Trang hiện hữu.
Đới với đường thủy, cảng Nha Trang sẽ chuyển đổi công năng thành bến khách đầu mối du lịch theo tiêu chuẩn quốc tế, tiếp nhận tàu khách đến 225.000 GT. Cảng Hải quân thuộc quân đội quản lý, có thể tiếp nhận tàu có trọng tải dưới 2.000 tấn. Cảng xăng dầu Mũi Chụt sẽ giảm dần công suất, đến năm 2025 thì di dời. Đồng thời bổ sung bến, cầu cảng du lịch tại khu vực biển Vĩnh Hoà. Cùng với đó nghiên cứu xây dựng sân bay cho thủy phi cơ phục vụ du lịch gắn với các cảng khách du lịch tại Nha Trang.
Đối với các bến thủy nội địa (bến tàu phục vụ dân sinh, du lịch, bến du thuyền) sẽ xây dựng mới tại khu vực sông Cái, sông Quán Trường, Hòn Rớ, biển Vĩnh Hòa, khu vực Hòn Tre, chân đèo Cù Hin, khu vực Vĩnh Lương... và tại các khu vực có nhu cầu phát triển phục vụ dân sinh, du lịch đường thủy dọc theo ven biển, dọc các sông. Các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão được bố trí tại khu vực Vĩnh Lương và Hòn Rớ.
Phát triển thêm nhiều tuyến giao thông trọng yếu
Về giao thông đô thị, các tuyến trục chính theo hướng bắc - nam được nâng cấp, cải tạo các tuyến đường Phạm Văn Đồng, đường 2/4, đường Trần Phú, đường Lê Hồng Phong; hoàn thiện hệ thống đường vành đai 2, vành đai 3; kết nối đường D1 với đường tỉnh lộ 3; xây dựng đường D3 kết nối đường Võ Nguyên Giáp với QL1; xây dựng hệ thống đường trục chính khu đô thị tây Nha Trang và các tuyến đảm bảo yêu cầu kết nối.
Các tuyến trục chính theo hướng đông - tây sẽ nâng cấp, cải tạo kết hợp xây dựng mới các tuyến đường, gồm: đường Nguyễn Chích - Nguyễn Xiển; đường Điện Biên Phủ; đường Mai Xuân Thưởng - Đường N5; đường phía nam sông Cái - đường N1 - đường A1; đường nối Phạm Văn Đồng với QL1 qua khu đô thị Vĩnh Hòa; đường Nguyễn Thị Minh Khai - Phong Châu; đường Lê Thánh Tôn - 23/10; đường 23/10; đường Nguyễn Đức Cảnh; đường Lạc Long Quân kết nối với đường Lê Hồng Phong. Kết nối đường Võ Nguyên Giáp với đường trục chính tại khu đô thị sân bay Nha Trang cũ.
Ngoài ra, xây dựng mới cầu, đường qua núi Hòn Rớ kết nối đường Trần Phú và đường Nguyễn Tất Thành, định hướng hầm qua núi Cù Hin kết nối đường Nguyễn Tất Thành với khu vực Cam Lâm.
Trung tâm quản lý điều hành giao thông công cộng được quy hoạch ở khu vực Vĩnh Trung. Nâng cấp, cải tạo bến xe phía bắc tại P.Vĩnh Hòa; xây dựng mới bến xe phía nam tại xã Diên Toàn (H.Diên Khánh).
Xây dựng bãi đỗ xe cho xe du lịch quy mô lớn, bãi đỗ xe trung chuyển xe khách tại các khu vực cửa ngõ. Xây dựng cầu An Viên và hệ thống cầu qua sông Cái, sông Tắc, sông Quán Trường, đảm bảo tĩnh không đường thủy cho tàu du lịch di chuyển.
Về hệ thống giao thông công cộng, xây dựng hệ thống giao thông công cộng chuyên chở khối lượng lớn (xe điện nhẹ, xe buýt thân thiện) trên các trục giao thông có lưu lượng lớn.
Cụ thể, tuyến 1: Quy hoạch hệ thống xe buýt nhanh (BRT) trên đường vành đai 3 và đường Nguyễn Tất Thành kết nối đi cảng hàng không quốc tế Cam Ranh và đề xuất chuyển đổi sang hệ thống đường sắt đô thị (LRT) khi lưu lượng vượt quá năng lực tối đa của loại hình BRT.
Tuyến 2: Đối với đường Võ Nguyên Giáp kết nối với ga đường sắt tốc độ cao tại khu vực Diên Khánh và khu vực quảng trường Đại Dương: đề xuất quy hoạch hệ thống BRT. Về lâu dài, nếu có nhu cầu, có thể bố trí đường sắt đô thị chuyên chở khối lượng lớn.
Nâng cấp, mở mới các tuyến xe buýt, đảm bảo tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt 20% vào năm 2030 và 30% vào năm 2040.