Thu phí trạm QL51 để xóa "điểm đen" nút giao ngã tư Vũng Tàu và Cổng 11
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, hiện nay tình hình giao thông tại các nút giao trên QL51, đặc biệt nút giao ngã tư Vũng Tàu và nút giao khu vực Cổng 11 hết sức phức tạp, thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông.
Mặt khác, tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có điểm đầu giao với tuyến đường Võ Nguyên Giáp (cách nút giao Cổng 11 hơn 1 km, cách nút giao ngã tư Vũng Tàu 6 km), dự kiến đưa vào vận hành, khai thác trong năm 2026. Khi đưa vào khai thác, dự báo lưu lượng phương tiện tập trung lưu thông rất lớn, dẫn đến khu vực Cổng 11 và nút giao ngã tư Vũng Tàu sẽ ùn tắc giao thông nghiêm trọng hơn.
Để giải quyết bài toán ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông và sẽ gia tăng trong thời gian sắp tới, UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị QH cho phép đầu tư 2 nút giao nêu trên theo hình thức BOT.
Cụ thể, cho khai thác trạm thu phí QL51 để đầu tư nút giao khu vực Cổng 11 và nút giao ngã tư Vũng Tàu, dự kiến tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 6.000 tỉ đồng.
Trong trường hợp không thể đầu tư bằng hình thức BOT, đề nghị QH xem xét đầu tư nguồn vốn đầu tư công 2 nút giao trên và hỗ trợ nguồn vốn ngân sách T.Ư để thực hiện. Trong đó ngân sách địa phương sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng (khoảng 2.847 tỉ đồng), vốn T.Ư khoảng 3.197 tỉ đồng đầu tư xây dựng.
Tổng mức đầu tư 2 nút giao hơn 13.000 tỉ đồng
Trước đó, như Báo Thanh Niên đã đưa tin, UBND tỉnh Đồng Nai đã có đề xuất Bộ GTVT cải tạo, nâng cấp 2 nút giao nói trên.
Cụ thể, đối với ngã tư Vũng Tàu đây sẽ là nút giao được thiết kế nhiều tầng và có kiến trúc hiện đại. Phương án cải tạo sẽ là chỉnh hầm cong rẽ trái thành hầm đi thẳng từ QL51 về cầu An Hảo và xây dựng thêm 1 đơn nguyên hầm để tạo thành 4 làn xe đi thẳng từ QL51 về cầu An Hảo và ngược lại.
Đồng thời xây dựng 4 nhánh rẽ trái trực tiếp bằng các nhánh cầu; xây dựng cầu thép nhẹ dọc theo QL1 cho xe máy đi thẳng theo hướng từ TP.HCM đi Bình Thuận; giao thông dưới cầu cho xe máy và ô tô rẽ phải. Theo đánh giá của Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, phương án này đáp ứng nhu cầu giao thông dài hạn trong tương lai (đến năm 2050) và có kiến trúc đẹp hiện đại, ít phải giải phóng mặt bằng và phù hợp với điều kiện mặt bằng khu vực nút giao. Chi phí đầu tư hơn 4.700 tỉ đồng.
Đối với nút giao Cổng 11, sẽ xây dựng 2 cầu vượt và các nhánh cầu vượt hoa thị, tổng mức đầu tư gần 8.500 tỉ đồng.