Trường ĐH Văn Lang đào tạo 6 khối ngành với quy mô 42.882 sinh viên (năm 2022-2023) thì ở khối ngành III (kinh doanh và quản lý, pháp luật) có 14.629 sinh viên (SV), chiếm tới 34%. Trong khi đó, khối ngành V (máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật, sản xuất và chế biến, kiến trúc và xây dựng...) 7.958 SV, khối ngành VI (sức khỏe) 1.127 SV, khối ngành IV (khoa học sự sống, khoa học tự nhiên) chỉ có 262 SV.
Tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, năm học 2022-2023, khối ngành kinh doanh quản lý và pháp luật lên tới 10.720 SV trên tổng quy mô 33.922 SV, chiếm hơn 30%, cao gấp 30 lần khối ngành IV và 20 lần khối ngành VI.
Trường ĐH Công thương TP.HCM năm học 2023-2024 khối ngành này có 4.530 SV theo học trên tổng số 15.401 SV, tỷ lệ khoảng 30%. Trường ĐH Sài Gòn năm học 2021-2022 có 6.418 SV lĩnh vực kinh doanh, quản lý, pháp luật trên tổng số 16.463, chiếm gần 40%.
Sinh viên khối ngành kinh doanh quản lý của Trường ĐH Nông lâm TP.HCM trong năm học 2023-2024 là 2.490, cao hơn cả SV khối ngành nông lâm nghiệp hay sản xuất chế biến, những ngành vốn là thế mạnh của trường.
Trong khi đó tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, năm học 2022-2023 có tới 9.274 SV theo học kinh doanh, quản lý và pháp luật trên tổng số 27.422 SV, riêng kinh doanh quản lý là 7.961 SV trong khi các ngành kỹ thuật chỉ 1.472 SV, công nghệ kỹ thuật 2.666 SV và khối ngành nhân văn 3.562 SV.
Còn tại Trường ĐH Hoa Sen, SV khối kinh doanh quản lý-pháp luật là 4.125, chiếm gần 50% quy mô toàn trường (8.669 SV) trong năm học 2023-2024.
Theo số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT, khối ngành kinh doanh-quản lý-pháp luật trong 3 năm qua đều trên 500.000 SV theo học mỗi năm, áp đảo so với đa số các khối ngành còn lại.
Tâm lý thích chọn ngành học "nhẹ nhàng"?
Theo tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, có nhiều lý do khiến người học tại các trường ĐH đa ngành thích chọn khối ngành quản lý kinh doanh hơn là kỹ thuật công nghệ.
"Đây là những ngành học có nhiều cơ hội việc làm và mức lương khởi điểm khá hấp dẫn. Các ngành này thường xuyên có nhu cầu nhân lực lớn từ các doanh nghiệp và tổ chức. Nhiều em bị thu hút bởi hình ảnh doanh nhân thành đạt và các nhà quản lý xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện truyền thông. Đây cũng là những ngành liên quan mật thiết đến lĩnh vực khởi nghiệp. Với xu hướng khởi nghiệp ngày càng phát triển, nhiều người trẻ học các ngành này để trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết cho việc tự lập công ty hoặc kinh doanh", tiến sĩ Tuấn nhận định.
Bên cạnh đó, tiến sĩ Tuấn cho rằng không ít thí sinh chọn khối ngành kinh tế quản lý là theo trào lưu, thấy bạn bè chọn thì chọn cùng. Đồng thời việc học các ngành này có vẻ đỡ vất vả hơn các ngành kỹ thuật công nghệ.
"Trong khi đó, các ngành kỹ thuật công nghệ có thể bị coi là khó khăn và đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn do yêu cầu về tư duy logic, kỹ năng toán học và khoa học, điều mà không phải SV nào cũng có hoặc muốn phát triển. Khi tư vấn cho thí sinh, chúng tôi vẫn đưa ra thông tin đầy đủ về các khối ngành. Trong đó khối kỹ thuật có nhu cầu việc làm rất cao, học phí thấp, có nhiều học bổng tài trợ. Nhiều SV năm 3 hoặc 4 đã có doanh nghiệp mời về làm việc, đặc biệt có ngành cam kết đảm bảo 100% SV tốt nghiệp có việc làm. Thế nhưng các em vẫn thích chọn các ngành kinh tế quản lý hơn. Đến một thời điểm nào đó sẽ dẫn đến bão hòa, sinh viên tốt nghiệp bị dư thừa sẽ khó tìm việc trong khi khối ngành khác thì lại thiếu hụt nhân lực", tiến sĩ Tuấn chia sẻ.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cũng thông tin tại trường số lượng ngành kinh doanh quản lý chỉ chiếm 1/2 so với các ngành kỹ thuật công nghệ nhưng số SV luôn bằng hoặc cao hơn.
"Nhu cầu của người học trong 4-5 năm gần đây tại các ngành kinh doanh quản lý tăng vượt trội, chỉ tiêu tại các trường hầu như đạt 100% trong khi khối ngành khác thường thiếu chỉ tiêu. Các em có tâm lý là học các ngành khối kinh tế pháp luật sẽ nhẹ nhàng hơn nên chọn nhiều. Điều này nếu tiếp tục ít nhiều sẽ gây mất cân bằng nhân lực trong thị trường lao động", tiến sĩ Nhân cho hay.
Theo tiến sĩ Nhân, trong những buổi tư vấn hướng nghiệp, cán bộ, giảng viên của trường cũng luôn thông tin với người học về các lĩnh vực một cách hài hòa để tránh việc thiên lệch dẫn đến mất cân đối trong lựa chọn ngành nghề, ảnh hưởng thị trường lao động nhưng vẫn chưa tác động được nhiều tới tâm lý người học.
"Mặc dù năm vừa qua số lượng thí sinh chọn kỹ thuật công nghệ đã tăng hơn nhưng không đáng kể. Lĩnh vực này vẫn luôn thiếu nhân lực. Hy vọng trong tương lai sẽ có sự điều tiết và cân bằng hơn trong việc lựa chọn ngành học", tiến sĩ Nhân chia sẻ thêm.
Doanh nghiệp đang tuyển dụng nhiều ở các nhóm ngành nghề nào?
Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, năm 2024 tại TP.HCM, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo cần 77.736 chỗ làm việc, chiếm 25,51% tổng nhu cầu nhân lực, tuyển dụng nhiều ở các ngành sản xuất sản phẩm từ plastic; gia công cơ khí; xử lý và tráng phủ kim loại; sản xuất sản phẩm khác bằng kim loại; sản xuất sắt, thép, gang; sản xuất linh kiện điện tử...
Nhóm ngành kỹ thuật điện - điện lạnh - điện công nghiệp - điện tử: cần 10.787 chỗ làm việc, cơ khí – tự động hóa: cần 9.660 chỗ làm việc.
Lĩnh vực thông tin và truyền thông cần 24.927 chỗ làm việc, chiếm 8,18% tổng nhu cầu nhân lực. Hoạt động bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác cần 74.750 chỗ làm việc.
Trong khi đó, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm cần 12.829 chỗ làm việc, marketing: cần 9.111 chỗ làm việc...