Bà Nguyễn Đoan Trang, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM), cho hay nhà trường vừa thông qua kế hoạch giáo dục của học kỳ 2, trong đó có những nội dung cụ thể đối với học sinh (HS) khối 9. Theo đó, giáo viên (GV) các môn như toán, ngữ văn và tiếng Anh sẽ chủ động, linh động trong việc thực hiện nội dung giảng dạy trên tinh thần vừa dạy kiến thức mới vừa lồng ghép chủ đề ôn thi lớp 10.
Bà Đoan Trang chia sẻ, HS cuối cấp có những áp lực, do đó các em nên có kế hoạch học tập cho riêng mình một cách khoa học và thông minh. "Đây là kỳ tuyển sinh không có cơ hội dành cho những HS "nước đến chân mới nhảy". Chính sự chuẩn bị học đến đâu chắc đến đó, tập trung chuẩn bị kiến thức theo hướng dẫn của thầy cô, tập làm quen với các đề thi năm trước sẽ giúp các em giảm bớt những áp lực", bà Trang nhấn mạnh.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Diệu, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3), cho biết nhà trường không tổ chức lớp riêng phục vụ cho việc ôn thi mà có kế hoạch dài hạn. Cụ thể, GV của 3 môn thi sẽ lồng ghép vừa dạy, vừa học, vừa ôn. Đồng thời cho HS làm quen với các đề thi tuyển sinh những năm trước để rèn kỹ năng làm bài trong phòng thi.
ÔN THI SAO CHO HIỆU QUẢ ?
Thạc sĩ Trần Tiến Thành, chuyên viên môn ngữ văn Sở GD-ĐT TP.HCM, đưa ra những định hướng rèn luyện để HS lớp 9 ngay từ bây giờ có sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi.
Thạc sĩ Thành cho hay về năng lực đọc hiểu, HS có thể lựa chọn các văn bản (báo chí, các bài bình luận, các sách khoa học…) có nội dung phù hợp với lứa tuổi, gắn với tình hình thời sự để luyện tập các kỹ năng như phát hiện, nhận diện, giải mã từ ngữ, chi tiết, hình ảnh. Bên cạnh đó, tìm các vấn đề tiếng Việt có trong văn bản, tập tóm tắt văn bản; nối kết văn bản đang đọc với văn bản khác liên quan, nối kết với thực tế cuộc sống. Đưa ra quan điểm cá nhân về vấn đề đặt ra trong văn bản, sáng tạo cách thể hiện khác, đề xuất giải pháp, đặt nhan đề mới…
Với bài nghị luận xã hội có độ dài 500 chữ, HS cần rèn luyện các thao tác lập luận giải thích, chứng minh, bình luận. Khi tập làm các đề thi những năm trước, lúc viết cần tránh thiếu thao tác lập luận (ví dụ thiếu giải thích về vấn đề bàn luận); vận dụng các thao tác lập luận chưa hiệu quả (dẫn chứng chưa sát với vấn đề, thiếu phân tích dẫn chứng để làm rõ vấn đề…), hoặc chưa rút ra được bài học cho bản thân thông qua việc bàn luận về vấn đề, các ý bàn luận chưa phong phú, chưa sâu sắc, còn sơ sài.
Còn với bài nghị luận văn học, thạc sĩ Thành lưu ý HS cần nắm vững kỹ năng, rèn kỹ năng phân tích, cảm nhận tác phẩm văn học theo thể loại thơ, truyện.
Đặc biệt, thạc sĩ Trần Tiến Thành chỉ ra những hạn chế của thí sinh qua các kỳ thi tuyển sinh là còn diễn xuôi lại tác phẩm, bài làm thiếu cảm xúc do ít đọc, ít suy tư, cũng có thể do học vẹt. Không hiểu rõ yêu cầu của đề, viết lại các nội dung đã học một cách máy móc.
Ở đề thi môn toán, ông Dương Bửu Lộc, chuyên viên môn toán Sở GD-ĐT, thông tin HS thường gặp khó với bài toán thực tế, do khó khăn khi đọc hiểu, khó hình dung với các vấn đề thực tế cuộc sống như lãi suất tiền gửi, thể tích, chu vi… Do vậy trong quá trình học, ngoài nắm các kiến thức toán học, HS cần rèn luyện thêm các hiểu biết về kiến thức thực tế.
Với môn tiếng Anh, bà Trần Thị Vân, GV Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), cho hay đề thi tuyển sinh lớp 10 không đặt nặng phần ngữ pháp (chiếm 30 - 40%), chủ yếu về khả năng đọc hiểu và cách HS sử dụng tiếng Anh.
Chủ đề từ vựng xoay quanh chương trình trong sách giáo khoa tiếng Anh 9. Tuy nhiên đề cập đến từ vựng có tính chất vận dụng hiểu nhiều hơn, kiến thức mở theo hướng tích hợp liên môn.
Vì vậy, bà Trần Thị Vân hướng dẫn HS phải nắm vững từ vựng, hiểu từ, hình thái của từ và các điểm ngữ pháp cơ bản. Luyện tập thường xuyên, từ dễ đến khó, tổng hợp kiến thức đặt trong bối cảnh giải đề.
Do HS thường sai nhiều ở phần Word Forms/Sentence transformation nên bà Vân chỉ dẫn HS cần hết sức cẩn trọng phần kiến thức mang tính phân hóa này: "Nắm vững vị trí từ loại trong câu, viết chữ rõ ràng, chính xác", bà Vân khuyên.