ĐỊNH HƯỚNG NGÀNH NGHỀ NGAY KHI VÀO LỚP 10
Theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, học sinh (HS) ngay khi vào lớp 10, ngoài môn bắt buộc phải chọn 4 môn trong các môn lựa chọn. Cụ thể, các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc: văn, toán, ngoại ngữ 1, sử, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh, hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp, nội dung giáo dục của địa phương. Các môn học lựa chọn gồm: địa, giáo dục kinh tế và pháp luật, lý, hóa, sinh, công nghệ, tin học, âm nhạc, mỹ thuật. Việc lựa chọn môn học của HS hướng đến mục tiêu giáo dục định hướng nghề nghiệp giai đoạn bậc THPT.
Với đặc điểm trên của Chương trình GDPT 2018, việc định hướng nghề nghiệp của HS sau lớp 12 cũng có những điểm khác biệt. Chia sẻ trong chương trình tư vấn, thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cho hay: "Chắc chắn, với Chương trình GDPT 2018, HS được định hướng khá kỹ so với chương trình trước đây thông qua hoạt động giáo dục hướng nghiệp".
Để lựa chọn một ngành học phù hợp, thạc sĩ Quảng Tư cho rằng: "Có nhiều khía cạnh của sự phù hợp, phù hợp về nhận thức ngành học tương lai, với điều kiện gia đình, với sự phát triển của xã hội khi hướng tới thị trường lao động trong 4 năm và sau này. Quan trọng là sau 3 năm THPT, với sự đồng hành của phụ huynh, HS có những định hướng nghề nghiệp để đưa ra quyết định ngành học cụ thể vào ĐH".
Liên quan vấn đề này, thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích, Giám đốc Trung tâm truyền thông Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, cũng nêu 3 khía cạnh khác biệt trong lựa chọn ngành học năm nay so với trước đây. Trong đó, bản thân người học đã có định hướng lựa chọn tổ hợp môn để phù hợp với định hướng nghề nghiệp sau này ngay ở năm cuối cấp THCS. Cùng với đó, phụ huynh cũng đã phải tìm hiểu để định hướng nghề nghiệp cho con cái khi các em đang học lớp 8, 9. Ngay cả trường ĐH cũng có những thay đổi trong công tác hướng nghiệp, tư vấn hỗ trợ người học chọn được ngành học phù hợp trong bối cảnh nhiều thay đổi. Từ đó, công tác tuyển sinh của các trường ĐH cũng có sự thay đổi, trong đó có cả việc lựa chọn tổ hợp môn xét tuyển.
CHỌN MÔN HỌC CÓ THẾ MẠNH NHẤT
Thạc sĩ Võ Ngọc Nhơn, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cũng cho rằng sự thay đổi mang tính thực chất và giúp HS có định hướng lựa chọn ngành nghề tốt hơn. Phân tích thêm, thạc sĩ Nhơn nói: "Trong chương trình mới, môn học bắt buộc giảm đi và môn học tự chọn tăng lên, đặc biệt là các môn học mới liên quan đến hoạt động hướng nghiệp, giáo dục địa phương. Từ việc HS tự chọn nhiều môn học có thể giúp các em xác định được xu hướng ngành nghề mà mình quan tâm, mong muốn".
Thạc sĩ Nhơn phân tích thêm: "Việc lựa chọn môn học của HS sẽ phản ánh năng lực của các em bởi sẽ ít có trường hợp lựa chọn môn mình không thích hoặc yếu, thay vào đó sẽ là các môn học bản thân có thế mạnh nhất". Cũng theo thạc sĩ Nhơn, nội dung chương trình học mới mang tính thực tế, chú trọng hơn các hoạt động trải nghiệm, hiểu rõ hơn nơi mình đang sinh sống… là những cơ sở quan trọng giúp HS lựa chọn ngành học cho tương lai. "Đây chính là điểm lợi thế của người học chương trình mới", thạc sĩ Nhơn khẳng định.
CÁC TIÊU CHÍ LỰA CHỌN NGÀNH VÀO ĐH
Về việc chọn ngành xét tuyển vào ĐH, CĐ, thạc sĩ Cao Quảng Tư lưu ý: "Hiện nay, ngành học rất đa dạng và phong phú, tính liên ngành của các ngành học cũng rất lớn. Vì vậy điều quan trọng là thí sinh cần tính toán, hạn chế khu biệt ngành học trong phạm vi rất nhỏ. Thay vào đó, cần nhìn ngành học trong một tương lai rộng, có thể làm được nhiều công việc khác nhau". Cũng theo thạc sĩ Tư: "Hiện nay hầu hết các trường ĐH đều đi theo xu hướng đa ngành, trong một trường có nhiều mã ngành khác nhau. Hiện không còn khu biệt một trường đào tạo sâu một lĩnh vực cụ thể nữa. Khi lựa chọn một ngành, thí sinh cũng không hẳn nhất thiết học xong ngành đó ra trường chỉ làm đúng việc đó. Giữa các ngành học có sự liên ngành với nhau, nhiều kiến thức nằm ở mảng chung yêu cầu người học phải cập nhật liên tục để có sự thích ứng với xã hội".
Trong các tiêu chí lựa chọn ngành học, thạc sĩ Tư cho rằng cần tính đến đầu tiên là sự phù hợp. "Sự phù hợp ở đây là với người học, người thực thi công việc và gắn bó với nó suốt chặng đường dài về sau chứ không phải sự phù hợp dưới góc nhìn của người khác", thạc sĩ Tư nhấn mạnh.
Liên quan vấn đề này, thạc sĩ Võ Ngọc Nhơn cũng chia sẻ: "Có nhiều yếu tố quan trọng khi lựa chọn ngành nghề như: năng lực, sở thích, điều kiện kinh tế gia đình, nhu cầu xã hội… Mỗi tiêu chí có vai trò nhất định nhưng trong trường hợp phải lựa chọn thì quan trọng nhất vẫn là yếu tố năng lực".
Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cũng cho rằng để lựa chọn một ngành học phù hợp trong năm tuyển sinh 2025, quan trọng nhất người học cần xác định được đâu là thế mạnh của bản thân. Bởi lẽ, khi giỏi một lĩnh vực, người học thường có thiên hướng yêu thích, đam mê về điều này. Tuy nhiên, lựa chọn này cũng cần dựa trên sự nắm bắt xu thế thị trường lao động để xác định ngành học không chỉ phù hợp với bản thân mà còn của cả xã hội.
Cũng theo thạc sĩ Trị, khi xác định được bản thân muốn học ngành nào, điều tiếp theo thí sinh cần tìm hiểu lựa chọn trường học. Việc lựa chọn trường học cần căn cứ trên 3 yếu tố: chất lượng đào tạo của trường, điều kiện đầu vào trong tuyển sinh và chính sách học phí. Đáng chú ý, việc hiểu rõ chính sách học phí sẽ giúp người học có sự chuẩn bị cần thiết cho hành trình học ĐH.
Lời khuyên cho thí sinh trong thời điểm này, thạc sĩ Cao Quảng Tư cho rằng thí sinh nên luôn trong tâm lý sẵn sàng, thoải mái. Những điều chỉnh về thi cử và thông tin tuyển sinh nếu có đều hướng đến tạo thêm sự thuận lợi cho người học. "Mọi sự lựa chọn đều có giá của nó, đều phụ thuộc vào lựa chọn của các bạn ngày hôm nay", thạc sĩ Tư nhấn mạnh.
Dự kiến các phương thức tuyển sinh năm 2025
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành dự kiến sử dụng 4 phương thức xét tuyển trong năm 2025, gồm: kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025; xét học bạ; dựa vào kỳ thi riêng của ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM; xét tuyển thẳng.
Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn dự kiến tiếp tục duy trì các phương thức xét tuyển, gồm: xét học bạ; xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM; xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM dự kiến có 4 phương thức tuyển sinh dựa vào điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT, điểm kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM, điểm kỳ thi V-SAT và điểm học bạ.
Trường ĐH Công nghệ TP.HCM dự kiến bổ sung phương thức xét điểm thi đánh giá đầu vào ĐH V-SAT để xét tuyển, bên cạnh xét học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức.