Viết trên tờ China Science Daily hôm 10.12, tiến sĩ Liang Xianping, nhà nghiên cứu tại ĐH Sư phạm Hoa Nam (Trung Quốc), cho biết để đối mặt cuộc cách mạng khoa học và công nghệ cũng như sự chuyển đổi ngành nghề, đội ngũ kỹ sư phải có khả năng đổi mới và giải quyết các vấn đề phức tạp. Song, thực tế đào tạo khối ngành kỹ thuật ở Trung Quốc lại đang cản bước tham vọng này bởi việc tuyển sinh viên khó khăn hay chương trình bị "lý thuyết hóa".
Để làm rõ hơn vấn đề này, tiến sĩ Liang cùng đồng nghiệp năm 2023 đã tiến hành phỏng vấn sâu 31 người, gồm sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật từ những ĐH hàng đầu nước này, nhà tuyển dụng và lãnh đạo doanh nghiệp, cùng một số giảng viên hay quản lý ĐH. Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong nhiều trường hợp, những gì sinh viên được dạy trong chương trình đào tạo ở trường ĐH hóa ra lại "vô dụng" ở nơi làm việc.
Phân tích cụ thể, bà Liang nhận định có 4 nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này. Một trong số đó là cách dạy cứng nhắc, khó kết hợp lý thuyết với thực tiễn. "Việc giảng dạy chủ yếu xoay quanh giáo trình nhưng giáo trình lại lỗi thời... Việc đánh giá cũng chỉ dựa trên thi cử và làm luận văn, chưa điều chỉnh theo hướng khuyến khích sinh viên thực hành", nữ tiến sĩ liệt kê một số nguyên nhân.
"Các công ty gặp khó khi tuyển dụng sinh viên ngành kỹ thuật mới ra trường vì kỹ năng của các bạn chưa đáp ứng được yêu cầu công việc. Trong khi đó, hệ thống giáo dục hiện tại lại chỉ chú trọng đến việc sinh viên phải viết các bài báo khoa học mà chưa quan tâm đúng mức đến việc phát triển kỹ năng thực tế", tiến sĩ Liang nêu ý kiến trên tờ báo chính thức của Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc.
Một số lý do khác được nữ tiến sĩ đặt ra là mô hình tổ chức ở trường ĐH cản trở sự hợp tác sâu rộng giữa đơn vị đào tạo và doanh nghiệp; thiếu đào tạo tích hợp liên ngành mà công việc yêu cầu; chính sinh viên cũng thiếu hứng thú với ngành và không lập kế hoạch cá nhân rõ ràng với sự nghiệp tương lai. "Điều này khiến sinh viên chỉ biết học thụ động và đối phó với các kỳ thi", tiến sĩ Liang lưu ý.
Giải pháp nâng cao năng lực của sinh viên
Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, nước này có "hệ thống giáo dục ngành kỹ thuật lớn nhất thế giới" với hơn 6,7 triệu sinh viên học trong 23.000 chương trình đào tạo tại các trường CĐ, ĐH vào năm 2023. Và theo tờ South China Morning Post, Trung Quốc đang nỗ lực tự chủ những công nghệ then chốt trong bối cảnh Mỹ và đồng minh áp đặt quy định hạn chế xuất khẩu chip tiên tiến, máy khắc bán dẫn đến nước này.
Tuy nhiên, theo báo cáo của ĐH Tài chính và kinh tế Tây Nam (Trung Quốc), sinh viên nước này sau khi ra trường lại ngần ngại làm các công việc kỹ thuật ở lĩnh vực sản xuất chế tạo, với lý do địa vị xã hội thấp và mức lương không cạnh tranh so với lao động phổ thông. Những năm gần đây, chưa đến 40% sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật chọn các nghề này, dù Trung Quốc đang cần tới 45 triệu lao động liên quan vào năm 2035.
Để cải thiện điều này, tiến sĩ Liang Xianping cho rằng các ĐH nên hợp tác chặt chẽ hơn với doanh nghiệp, cung cấp nhiều cơ hội thực tập hơn cho sinh viên, đồng thời phải cải thiện chất lượng giáo dục các môn khoa học cơ bản. Điều quan trọng là cần "kết hợp cả bên trong lẫn bên ngoài", xây dựng cơ chế đào tạo phối hợp nhiều chủ đề và lấy thực tế làm trọng tâm như thực hành thực tế và học các vấn đề thực tế, theo bà Liang.
Cũng liên quan đến khía cạnh khoa học, công nghệ, chính phủ Trung Quốc mới đây kêu gọi các trường tiểu học, trung học đưa trí tuệ nhân tạo (AI) vào chương trình giảng dạy. Đây là một phần trong chiến lược nhằm nâng cao vị thế của nước này trong cuộc "chiến tranh công nghệ" với Mỹ, cũng như để cải thiện kỹ năng số, khả năng giải quyết vấn đề của thế hệ trẻ.