Chương trình được phát trực tuyến tại các nền tảng: website thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien, kênh của Báo Thanh Niên trên YouTube và TikTok.
Năm 2024, nhiều trường ĐH đã mở ra những ngành học mới mang tính xu hướng đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động và được xem là đang rất "nóng".
Đó là những ngành học nào? Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển học bạ vào những ngành học này trong thời gian qua ra sao và điểm chuẩn có cao hơn những ngành khác?
Nghe đến "ngành học nóng/hot" là thấy được mức độ hấp dẫn và thu hút của nó đối với thí sinh. Tuy nhiên, có phải cứ chọn ngành học "hot" là sẽ có cảm hứng học tốt, và ra trường là chắc chắn sẽ có việc làm tốt với thu nhập cao hay không? Chọn ngành học nên căn cứ vào yếu tố nào?
Đại diện các trường ĐH sẽ chia sẻ tất cả những vấn đề liên quan đến ngành học "hot", bao gồm cả phương thức xét tuyển, cách đăng ký, sắp xếp nguyện vọng để có cơ hội trúng tuyển cao nhất vào ngành mình mong muốn.
Tham gia chương trình có các khách mời:
PGS-TS Vân Thị Hồng Loan, Trưởng khoa Đào tạo đặc biệt Trường ĐH Mở TP.HCM
Theo PGS-TS Vân Thị Hồng Loan, ngành “hot” là ngành xã hội đang cần. Đó là những ngành nghề có sự liên kết với trí tuệ nhân tạo (AI), kết nối các ngành truyền thống với công nghệ.
Trong những năm qua, những ngành của Trường ĐH Mở TP.HCM có nhiều thí sinh lựa chọn gồm: quản trị kinh doanh, logistic, ngôn ngữ Anh… tỷ lệ chọi cao hơn so với các ngành khác. Năm nay, trường còn một số ngành mới như: kiểm toán, bảo hiểm, fintech. Việc chọn ngành nên dựa vào năng lực, sự yêu thích của bản thân. Sự yêu thích sẽ giúp người học vượt qua chướng ngại trong quá trình học tập. Ví dụ, một học sinh không giỏi toán nhưng chọn công nghệ thông tin sẽ khó có thể theo đuổi ngành này.
Giải đáp câu hỏi của học sinh về việc đặt nguyện vọng, PGS-TS Vân Thị Hồng Loan khuyên: “Bạn phải hiểu mình là ai, thích hướng nào. Từ đó, thí sinh nên chọn các ngành trong cùng một nhóm ngành, tránh tình trạng chọn 1 ngành ngôn ngữ Nhật, 1 ngành công nghệ thông tin, 1 ngành về quản trị kinh doanh. Khi chọn như vậy có nghĩa bạn không hiểu về mình”.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Khả, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công thương TP.HCM
Tiến sĩ Nguyễn Văn Khả lưu ý tất cả ngành nghề đều cần thiết với sự phát triển của xã hội. Chọn một ngành nghề phù hợp với bản thân sẽ giúp thí sinh rút ngắn con đường thành công. Các ngành tại Trường ĐH Công thương TP.HCM được người học lựa chọn nhiều gồm: kinh tế, công nghệ thông tin, ngôn ngữ và các ngành này có tỷ lệ chọi khá cao.
Về băn khoăn của học sinh liên quan đến học vượt trong quá trình học ĐH, tiến sĩ Nguyễn Văn Khả lưu ý sinh viên muốn học vượt cần có đủ kiến thức chuyên môn, khả năng tài chính và quan trọng hơn là phải đảm bảo sức khỏe. Ngoài ra, sinh viên cũng cần đảm bảo các điều kiện đầu ra khác để có thể tốt nghiệp như: điều kiện tiếng Anh. Đáp ứng đủ các yếu tố này, sinh viên có thể đăng ký học vượt để có thể tốt nghiệp sớm, rút ngắn quá trình học tập.
Thạc sĩ Trần Văn Trắng, Phó phòng tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn
Theo thạc sĩ Trần Văn Trắng, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, có những ngành học tích hợp nhiều lĩnh vực khác nhau. Đây là những ngành thu hút nhiều thí sinh trong giai đoạn hiện nay. Năm 2024, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn có ngành học mới gồm: thương mại điện tử, quan hệ công chúng, truyền thông đa phương tiện, công nghệ giáo dục… Trong đợt xét tuyển đầu tiên dựa vào học bạ, các ngành thu hút nhiều thí sinh gồm: ngành quản trị kinh doanh, Đông phương học, logistic và quản lý chuỗi cung
Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc Trung tâm truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM
Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung thông tin, trường đào tạo đa ngành và năm nay có 7 ngành mới gồm: kinh tế số, khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính, công nghệ thẩm mỹ… Trong tổng số 12.500 chỉ tiêu tuyển sinh năm nay, nhà trường dành 50 chỉ tiêu cho mỗi ngành mới. Tuy nhiên, những ngành mới chưa chắc là ngành hot. Ví dụ, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM có những ngành đang thu hút sự quan tâm của nhiều thí sinh như truyền thông đa phương tiện, vốn không phải là ngành mới năm.
Một học sinh băn khoăn trong việc lựa chọn giữa 2 ngành công nghệ tài chính và kinh tế số vì thích cả hai ngành này. Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung tư vấn, 2 ngành học đều đáp ứng được sở thích cả về tài chính và công nghệ thông tin. Một số ngành khác đáp ứng cùng lúc 2 sở thích này như: thương mại điện tử, digital marketing. Tuy nhiên, thí sinh phải xác định từ bản thân mình, nếu chọn ngành không đúng sở thích, đam mê và phù hợp thì sẽ gặp khó khăn trong việc học và đi làm sau này.