Thầy Võ Minh Nghĩa, giáo viên ngữ văn Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), khẳng định việc học ở Chương trình GDPT 2018 với môn ngữ văn, cụ thể Bộ GD-ĐT quy định về việc đề kiểm tra không được sử dụng lại nội dung văn bản được học trong các bộ sách giáo khoa (SGK), giúp phát huy vai trò của việc học kỹ năng xử lý tình huống, xử lý văn bản, xử lý thông tin chứ không phải học vẹt, học tủ. Học sinh (HS) chấm dứt tình trạng thức khuya dậy sớm để "cày" văn mẫu, học thuộc lòng mấy chục tới cả trăm trang để đi thi.
Cô Nguyễn Mộng Tuyền, cử nhân sư phạm ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, thạc sĩ ngôn ngữ học, Giám đốc điều hành Học viện Ngôn từ, cho hay quy định việc không sử dụng ngữ liệu trong SGK cho các bài thi, kiểm tra khẳng định mạnh mẽ hơn tầm quan trọng của việc phát triển văn hóa đọc ngay từ khi còn nhỏ.
"Theo Chương trình GDPT 2018, định hướng dạy học ngữ văn không còn là tập trung vào tác phẩm nữa, mà là tập trung vào cách chúng ta đọc - hiểu tác phẩm như thế nào. Môn ngữ văn giữ vai trò là môn học phát triển kỹ năng ngôn ngữ để vận dụng vào thực tế cuộc sống muôn hình vạn trạng, chứ không phải để đối phó với thi cử trong các văn bản quen thuộc. Thế nên, kiểm tra ngữ văn không chỉ dừng lại ở việc đánh giá khả năng ghi nhớ, học thuộc, phân tích mà là đánh giá các kỹ năng đọc hiểu tiếng Việt, tư duy lý luận ở nhiều cấp độ. Điều này đòi hỏi HS, ngoài việc đọc SGK còn phải được hướng dẫn cách tiếp cận với nhiều văn bản phong phú hơn nữa", cô Tuyền trao đổi.
MỐI NGUY TỪ VIỆC LƯỜI ĐỌC SÁCH
Thực tế việc đọc sách hiện nay của HS như thế nào? Thầy Võ Minh Nghĩa thở dài: "Bây giờ ra nhà sách, ít thấy trẻ em tự tìm các cuốn sách phù hợp để đọc, ít thấy hơn trẻ em tự lựa cho mình quyển sách yêu thích để bố mẹ tính tiền. Công nghệ thông tin phát triển, HS nghiện thế giới ảo, tốn nhiều thời gian để vào mạng xã hội, xem video clip… nhưng lười đọc sách".
Có một thống kê của Hội Xuất bản VN năm 2023 cho thấy, nếu đặt các loại SGK, sách tham khảo sang một bên, lấy số sách người VN hay đọc còn lại chia đều cho tổng dân số thì người Việt trung bình đọc được khoảng 1,2 quyển sách/người/năm. Một con số rất giật mình.
Theo thầy Võ Minh Nghĩa, việc lười đọc sách, lười tư duy con chữ khiến sinh ra các tác hại: HS sẽ đau đầu khi tập trung đọc và giải quyết các vấn đề liên quan đến ngôn ngữ; không có kỹ năng đọc và xử lý thông tin; không có hứng thú, không có động lực để đọc sách, dẫn đến sợ sách. Tác hại đó sẽ làm nên một bức tường rào rất lớn ngăn cản phát triển tư duy sau này cũng như bây giờ khi học các môn ở Chương trình GDPT 2018.
ĐỂ HỌC SINH HẾT LƯỜI ĐỌC SÁCH
Thạc sĩ Trần Công Thái, Phó hiệu trưởng trung học, Trường tiểu học và THCS Athena Đà Lạt, khẳng định để học tốt môn ngữ văn hay phát triển tư duy ngôn ngữ, thì ở thời kỳ nào, các nhà làm giáo dục cũng khuyến khích HS chăm đọc sách, đọc các tác phẩm văn học ngoài nhà trường, các thể loại sách khác bên cạnh SGK.
Thầy Thái kể những cách làm hay của các trường nơi ông từng công tác như HS có tiết thư viện trong tuần. Vào tiết đó, giáo viên ngữ văn và nhân viên thư viện ngồi lại với nhau, tổ chức các hoạt động để HS phải làm việc nhóm cùng với sách. Như đọc các sách theo chủ đề rồi cùng nhận xét (review) sách. Hoặc sau khi đọc xong sách, HS sẽ cùng làm dự án, cùng tự đi chụp ảnh, quay phim, viết phóng sự để làm thành các sản phẩm sống động… Thầy Thái thích hoạt động "Off sách", CLB đọc sách, nơi các HS cùng tới bàn luận về những thông điệp bạn thích nhất từ cuốn sách nào đó. Hoặc HS được khen, sẽ được giáo viên tặng cuốn sách mà các em đang thích.
Cô Nguyễn Mộng Tuyền cũng cho rằng để khuyến khích tình yêu đọc sách ở HS, người lớn cần tạo ra một môi trường đọc sách thân thiện, hấp dẫn. Bắt đầu là từ sự thu hút của thư viện trường. Bên cạnh đó, việc đưa văn học vào cuộc sống thông qua các buổi thảo luận, diễn kịch, hay khuyến khích HS viết, sáng tác dựa trên những gì các em đã đọc, giúp HS có tư duy phản biện, sáng tạo.
Còn theo thầy Võ Minh Nghĩa, từ nhỏ, trẻ em cần được cha mẹ xác lập thói quen đọc sách. Đầu tiên, cần hướng dẫn trẻ em chọn sách mà con yêu thích để bắt đầu hành trình tạo lập một "thư viện" nho nhỏ tại nhà. Có thể từ khi chưa biết đọc, bố mẹ vẫn hướng dẫn bé chọn sách và ba mẹ đọc thay, ebook đọc thay. Thứ hai, xác lập cho các HS tiểu học (từ lớp 3, lớp 4) một thời khóa biểu đọc sách tại nhà. Tạo thành thói quen, cứ đúng khoảng thời gian đó là con phải đọc sách, đọc từ 10 đến 20, 30 trang mỗi ngày tùy theo thể loại. Khuyến khích bé kể lại cho bố mẹ nghe điều mình vừa đọc. Cần quản lý thời gian sử dụng thiết bị điện tử của con thay bằng thời gian đọc sách. "Đồng thời, khi các HS học từ lớp 6, cha mẹ có thể liên hệ giáo viên để biết các con đang được học những thể loại văn học nào ở mỗi cấp lớp và sưu tầm, tìm tòi các thể loại ấy để con có thêm nhiều sách hay để đọc", thầy Nghĩa nói.
LÀM TỐT TỪ PHẦN ĐỌC MỞ RỘNG TRONG SGK
Hiện nay trong Chương trình GDPT 2018, từ lớp 3, HS đã có phần "đọc mở rộng" trong SGK môn tiếng Việt. Trong các buổi tập huấn SGK mới, các báo cáo viên đã nhấn mạnh GV đừng xem nhẹ rồi bỏ qua phần này, bởi chính từ đây sẽ bồi đắp văn hóa đọc cho HS.
Thạc sĩ Võ Thị Hồng Thu, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Bình Hưng (H.Bình Chánh, TP.HCM), cho biết đọc mở rộng là một hình thức tăng cường kỹ năng đọc hiểu, kỹ năng diễn đạt một nội dung văn bản thông qua một chủ điểm, ví dụ như Mảnh ghép yêu thương, Tuổi nhỏ làm việc nhỏ… Hoặc từ sự tự tìm hiểu, tự đọc sách mà HS có thể tìm đọc một văn bản có nội dung theo yêu cầu của chủ điểm. Sau khi HS đọc được các tác phẩm, cuốn sách hay, các em có thể ghi lại những ý chính, lên lớp cùng trao đổi, thảo luận với cô giáo và các bạn.
"Trong quá trình dạy môn tiếng Việt, giáo viên có thể tích hợp kỹ năng nghe, nói, đọc, viết để từ đó hình thành khả năng sử dụng tiếng Việt của HS ngày càng phong phú. Việc ra đề kiểm tra cuối năm đối với môn tiếng Việt cấp tiểu học thì nội dung cũng thoát ra khỏi các văn bản của SGK, từng bước tạo cho HS hình thành kiến thức tiếng Việt một cách phong phú và đa dạng", thạc sĩ Thu chia sẻ.
Những lợi ích khi đọc sách
Cô Nguyễn Mộng Tuyền cho hay chăm đọc sách, tiếp xúc với ngôn ngữ đa dạng, phong phú trong văn học sẽ giúp HS làm giàu vốn từ, làm quen với các cấu trúc câu phức tạp. Nhờ đó khi ứng dụng vào thực tế, các em sử dụng ngôn ngữ linh hoạt, sáng tạo hơn.
Việc đọc sách hỗ trợ phát triển tư duy phản biện. Các tác phẩm văn học thường chứa đựng những thông điệp, ý nghĩa tiềm ẩn sâu bên trong, đòi hỏi HS phải suy ngẫm, phân tích, đánh giá. Quá trình đọc sẽ giúp các em rèn luyện tư duy phản biện, khả năng đặt câu hỏi và tìm kiếm câu trả lời. Đồng thời, đọc sách sẽ nuôi dưỡng trí tưởng tượng và kích hoạt sự sáng tạo trong HS. "Điều quan trọng là nếu chọn đúng sách để đọc thì các bạn nhỏ sẽ được bồi đắp tâm hồn, giá trị sống", cô Tuyền nhấn mạnh.