Kỳ thi phù hợp Chương trình giáo dục phổ thông mới
Từ năm 2025, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt gồm các bài thi: toán, vật lý, hóa học, sinh học, ngữ văn và tiếng Anh với quy mô mở rộng dự kiến không chỉ phục vụ cho công tác tuyển sinh của trường mà còn cho các trường ĐH khác.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết: "Đề minh họa kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt theo cấu trúc mới từ năm 2025 có nhiều điểm mới so với năm 2020. Cụ thể là thêm 2 dạng thức câu hỏi mới: câu hỏi trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn có nhiều hơn 1 phương án đúng và dạng thức câu hỏi sử liệu dữ liệu chung. Các dạng thức đặc thù này góp phần để đo các năng lực chuyên biệt và năng lực chung theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018".
Trên tinh thần đó, kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt từ năm 2025 của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sẽ có nhiều điểm cải tiến trong cấu trúc đề thi của các môn để phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Tiến sĩ Sái Công Hồng, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, nguyên Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho rằng với các cấu trúc đề thi minh họa như được công bố và qua tìm hiểu về quá trình xây dựng đề thi minh họa của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho thấy việc tiếp cận xây dựng đề thi dựa trên các năng lực thành phần của môn học, các biểu hiện của các năng lực thành phần của năng lực môn học và các yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 để xác định các mốc chuẩn đánh giá khi xây dựng ma trận, đặc tả đề thi các môn học, đồng thời có thử nghiệm để chuẩn hóa ma trận, đặc tả của đề thi.
Trong tất cả các đề thi đều sử dụng đa dạng các dạng thức câu hỏi để đánh giá các năng lực phù hợp với 2 dạng thức quen thuộc được kế thừa đề thi các năm qua là trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn có 1 phương án đúng và câu hỏi trắc nghiệm điền đáp số đúng. Đặc biệt, trong đề thi minh họa xuất hiện 2 dạng thức câu hỏi mới tương đối đặc sắc là câu hỏi trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn có nhiều hơn 1 phương án đúng và dạng thức câu hỏi sử dụng dữ liệu chung. Các yêu cầu của các câu hỏi có độ khó tăng dần và các dạng thức đặc thù này có khả năng đo các năng lực chuyên biệt ở mức cao và các năng lực vận dụng ở mức cao như phân tích, tổng hợp, đánh giá và cả các năng lực chung về giải quyết vấn đề, ra quyết định…
Đề thi minh họa có 2 dạng thức câu hỏi mới
Cụ thể, các môn toán học, vật lý, hóa học, sinh học bao gồm 40 câu hỏi chia làm 3 phần. Phần 1 gồm 25 câu hỏi thi trắc nghiệm khách quan (được chia thành 2 dạng thức khác nhau là trắc nghiệm khách quan nhiều phương án lựa chọn, có 1 phương án đúng và trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn, có nhiều hơn 1 phương án đúng). Phần 2 có 5 câu hỏi thi trắc nghiệm khách quan khai thác dữ liệu tổng hợp và phần 3 gồm 10 câu hỏi điền đáp số.
Môn ngữ văn sẽ gồm 22 câu hỏi và chia thành 3 phần. Phần 1 là đọc hiểu với 20 câu hỏi thi trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn. Phần 2 viết đoạn văn ngắn với 1 câu hỏi tự luận và phần 3 viết bài luận với 1 câu hỏi tự luận.
Với môn tiếng Anh, cấu trúc đề thi vẫn giữ nguyên như các năm vừa qua, hướng tiếp cận theo định dạng bài thi đánh giá năng lực từ bậc 3 đến bậc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Ngữ liệu trong đề thi đa dạng, được lấy trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Thời gian làm bài thi của môn toán, vật lý, hóa học, sinh học, ngữ văn là 90 phút và tiếng Anh là 180 phút. Thí sinh đọc và làm bài thi trên máy tính.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung cho biết thêm, đề minh họa được thiết kế phục vụ đối tượng dự thi là học sinh theo học chương trình THPT hiện hành, tham dự các đợt thi tổ chức từ năm 2025. Trong đó phần nội dung kiến thức của chương trình lớp 12 chiếm 70-80%, còn lại là nội dung kiến thức của chương trình lớp 10 và 11.
Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt phục vụ tuyển sinh ĐH đã được Trường ĐH Sư phạm TP.HCM triển khai từ năm 2022. Năm 2024, tổng số lượt thí sinh tham gia cả 5 đợt đạt 8.540. Từ năm 2025, để mở rộng quy mô tổ chức kỳ thi phục vụ cho công tác tuyển sinh của trường và các trường ĐH khác, kỳ thi dự kiến sẽ tổ chức thi tại các địa điểm gồm TP.HCM, Long An, Gia Lai, Đà Nẵng và tiếp tục mở rộng số các cơ sở giáo dục ĐH có sử dụng kết quả.