Với trường hợp của Trung tâm Apax Leaders, nhiều phụ huynh đề xuất các cơ quan chức năng liên quan đến trung tâm ngoại ngữ nói riêng, cơ sở đào tạo ngoài công lập tại địa phương nói chung như Sở GD-ĐT, Sở Kế hoạch - Đầu tư, chi cục thuế... cần quản lý và có công cụ phối hợp xử lý hiệu quả mỗi khi có rủi ro xảy ra, tránh việc cơ quan này đá "quả bóng" trách nhiệm sang cơ quan khác mỗi khi người dân lên tiếng mà không ai thực sự đứng ra giải quyết.
Không riêng Apax Leaders, như Thanh Niên từng đưa tin, nhiều người học tiếng Anh trực tuyến tại Trung tâm Anh ngữ và tư vấn du học LeaderTalks cho biết rất bức xúc vì trung tâm quảng cáo sai sự thật, thực hiện trái cam kết trong việc giảng dạy, từ chối hoàn học phí, dù mức phí dao động từ 39,95 - 44 triệu đồng, tùy theo hình thức đóng một hay nhiều lần.
Là nạn nhân của khóa học trực tuyến kém chất lượng, M.P (chuyên viên truyền thông tại một công ty ở Q.11, TP.HCM) nhận định cần có công cụ quản lý các khóa học trực tuyến thực sự hiệu quả từ các cơ quan chức năng có liên quan. "Cần siết chặt việc xét duyệt, thẩm định nội dung và chất lượng khóa học trực tuyến tương tự với khóa học trực tiếp tại các trung tâm, chứ không nên để ai cũng có thể tự "mở lớp" trên mạng", M.P đề xuất.
Ông Trần Quốc Hà, Giám đốc điều hành Trung tâm Anh ngữ Hà English (TP.HCM), nói thực tế giao dịch hiện nay giữa phụ huynh với trung tâm hình thành chủ yếu trên cơ sở lòng tin và trách nhiệm. Song nếu một bên vi phạm, hầu như rất khó giải quyết bằng quy định hiện nay vì còn lỗ hổng trong khâu bảo vệ quyền lợi học viên, trung tâm.
Cũng theo ông Hà, để phục vụ quá trình quản lý, kiểm định, Sở GD-ĐT TP.HCM thường yêu cầu các trung tâm cập nhật thông tin định kỳ, đồng thời thanh tra đột xuất (nếu có) và có thể cảnh cáo, thậm chí rút giấy phép những đơn vị vi phạm.
Tuy nhiên, ông Hà đề xuất có thể cho phép thêm một đơn vị trung gian độc lập hỗ trợ công tác trên. Khi đó, trung tâm cần đảm bảo phải giao tiếp liên tục, có nhân sự và hệ thống quản lý, cuối cùng là rõ ràng về học phí.