Thông tin với Thủ tướng, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, tính cả khối công lập và ngoài công lập, trên cả nước hiện có 1,6 triệu nhà giáo ở tất cả các cấp học từ mầm non, phổ thông, dạy nghề và đại học.
Cô Nguyễn Thị Chuyên, giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Mường Toong số 1, H.Mường Nhé (Điện Biên), chia sẻ nhiều năm gắn bó với ngành giáo dục, cô chứng kiến sự thay đổi không ngừng của ngành.
Điện Biên là một tỉnh biên giới thuộc phía tây của Tổ quốc, với vị trí địa lý rất xa, người dân ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, tiếp xúc với giáo dục phổ thông còn hạn chế.
Tuy nhiên, những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến sự nghiệp giáo dục, có nhiều trường được xây dựng với các trang thiết bị dạy học hiện đại như máy tính, máy chiếu. Đây cũng là động lực để những người làm nghề như cô Chuyên cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục ở vùng biên cương.
Cô Đào Thị Huế, Chủ tịch Công đoàn Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng, cho biết với người thầy dạy những đứa trẻ em khuyết tật, hạnh phúc đến từ những điều rất nhỏ nhoi, rất bình dị.
"Hạnh phúc đó là khi các em tới trường có thể thực hiện được những kỹ năng sống hàng ngày, chẳng hạn như là có thể mặc quần áo, tự xúc cơm ăn, các em đến lớp biết chào cô, biết nhận ra lớp của mình, các em có thể viết được những dòng chữ vụng về trên tấm thiệp tặng cô ngày 20.11", cô Huế chia sẻ.
Lắng nghe tâm tư của các thầy cô giáo, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ ngày 20.11 có thể xem như "ngày tết" của các thầy cô giáo, là ngày thiêng liêng khẳng định truyền thống "tôn sư, trọng đạo" của dân tộc Việt Nam.
Với tâm trạng của một người học trò, một người đã tham giảng dạy và một phụ huynh học sinh, Thủ tướng vui mừng được chào đón những thầy cô giáo tiêu biểu, những người đã có nhiều đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của đất nước, đại diện cho 1,6 triệu thầy cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục trên cả nước.
Theo Thủ tướng, suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, giáo dục luôn đồng hành, vun đắp cho nền văn hiến lâu đời của dân tộc, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong từng thời kỳ.
Trong công cuộc đổi mới, ngành giáo dục đã không ngừng phát triển, đổi mới về tư duy, nhận thức và phương thức; cả quy mô và chất lượng dạy và học, đóng góp to lớn cho tiến trình đổi mới và hội nhập của đất nước.
Nước ta từ một quốc gia nghèo khó, lạc hậu, bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh đã chuyển mình thành nước có quy mô kinh tế thứ 34 thế giới năm 2023; từ một nước phải chống "giặc đói, giặc dốt", hơn 90% dân số mù chữ trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới và xếp hạng 59 thế giới về chất lượng giáo dục.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, vượt qua sự tàn phá của chiến tranh, những khó khăn do bao vây, cấm vận, ngành giáo dục Việt Nam đã vươn lên, khẳng định mình, đạt được những thành tựu rất đáng tự hào so với quy mô nền kinh tế, thu nhập bình quân đầu người và cơ sở vật chất…
Đưa giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến
Hướng tới kỷ nguyên mới, kỷ nguyên xây dựng đất nước giàu mạnh và thịnh vượng, theo Thủ tướng, giáo dục tiếp tục là quốc sách hàng đầu. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước nhà phải quyết liệt đổi mới căn bản và toàn diện hơn nữa, phải được xây dựng thực sự chất lượng và sáng tạo, để giáo dục và đào tạo Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045.
Song song với việc xây dựng luật Nhà giáo, cần huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, nhất là bếp ăn, bảo đảm vệ sinh y tế học đường, vệ sinh trường học; đẩy mạnh phòng, chống bạo lực học đường; tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa học đường.
Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ làm công tác giáo dục và đào tạo. Tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ để giáo viên được thụ hưởng mức lương tương xứng với công sức của mình, nhất là giáo viên mầm non, những người đang công tác ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn, các nhà giáo giảng dạy ngành nghề nặng nhọc, độc hại...
Đặc biệt, cần sớm khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, thực hiện đúng tinh thần "ở đâu có học sinh, ở đó có giáo viên".
Thủ tướng cũng nhấn mạnh 3 vấn đề: hoàn thiện thể chế giáo dục đào tạo phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam, khả thi, toàn diện, bao trùm.
Xây dựng cơ chế huy động các nguồn lực (nguồn lực nhà nước, nguồn lực xã hội, nguồn lực hợp tác công tư, các nguồn lực hợp pháp khác) để ngày càng nâng cao cơ sở vật chất giáo dục đào tạo ngang tầm các nước phát triển.
Phát triển đội ngũ giáo viên ngày càng có chất lượng cao hơn, ngày càng toàn diện hơn, phù hợp với tình hình mới, đáp ứng các yêu cầu mới, ngày càng yêu nghề hơn, ngày càng đắm đuối với học sinh, sinh viên nhiều hơn, ngày càng tự hào hơn về nghề nghiệp.
"Muốn có học sinh giỏi, phải có người thầy giỏi, người thầy tốt. Phải tôn trọng sự khác biệt, sự đa dạng, khuyến khích sự sáng tạo; có tư duy phản biện, đam mê tìm tòi, khát vọng cống hiến…, phát huy cao nhất tiềm năng, trí tuệ, phẩm chất của mỗi học sinh. Mỗi nhà giáo cần là khởi nguồn bất tận thổi bùng trong thế hệ trẻ ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết...", Thủ tướng nhấn mạnh.