Tuy nhiên, kể từ 1.3.2020, Thông tư 27/2019 của Bộ GD-ĐT quy định nội dung chính ghi trên văn bằng chỉ gồm thông tin về trình độ đào tạo (cử nhân) và ngành đào tạo. Nên hiện nay, bằng đại học liên thông sẽ không còn ghi hình thức đào tạo là “liên thông” như trước đây.
Bên cạnh đó, luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học có hiệu lực từ 1.7.2019 quy định: Văn bằng giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương. Người học hoàn thành chương trình đào tạo, đạt chuẩn đầu ra của trình độ đào tạo theo quy định, hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm của người học thì được hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học cấp văn bằng ở trình độ đào tạo tương ứng.
Như vậy có thể hiểu rằng, bằng đại học liên thông chính quy và bằng liên thông vừa làm vừa học đều có giá trị tương đương bằng đại học chính quy.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng ĐH Duy Tân, tuy không ghi hình thức đào tạo trên văn bằng nhưng trong bảng điểm của khóa học, phụ lục văn bằng sẽ có ghi hình thức đào tạo chính quy hay vừa học vừa làm. "Hệ vừa học vừa làm cũng có nhiều khác biệt với chính quy như: phương thức, thời gian, địa điểm và quy chế đào tạo", tiến sĩ Hải nói thêm.
Cũng theo tiến sĩ Võ Thanh Hải, việc không ghi hình thức đào tạo trên văn bằng sẽ phù hợp với thông lệ quốc tế, loại bỏ sự phân biệt về hình thức đào tạo.
"Việc loại bỏ nội dung ghi hình thức đào tạo sẽ tạo nên cơ hội công bằng, mang tính cạnh tranh tích cực trong việc nâng cao chất lượng nội tại của mỗi trường, mỗi chương trình đào tạo; đồng thời mở rộng cơ hội tìm kiếm việc làm cho sinh viên tốt nghiệp", tiến sĩ Hải chia sẻ.
Về điều kiện liên thông, theo Quyết định 18/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về liên thông giữa trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng với trình độ đại học, người tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng có thể học tiếp các chương trình đào tạo trình độ đại học theo hướng chuyên môn phù hợp, hoặc theo hướng chuyên môn khác nếu đáp ứng được các điều kiện của chương trình đào tạo.
Cũng theo Quyết định 18/2017, chỉ tiêu tuyển sinh liên thông chính quy, liên thông vừa học vừa làm không vượt quá 20% chỉ tiêu tuyển sinh chính quy, chỉ tiêu tuyển sinh vừa làm vừa học tương ứng theo ngành đào tạo.
Tuyển sinh liên thông giữa trình độ trung cấp, cao đẳng với đại học thực hiện theo các phương thức thi tuyển hoặc xét tuyển hoặc kết hợp thi tuyển với xét tuyển do thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học quyết định theo quy định hiện hành về tuyển sinh đại học của Bộ GD-ĐT.
Theo đó, người có bằng tốt nghiệp trung cấp liên thông lên trình độ đại học sẽ tuyển sinh cùng với thí sinh tốt nghiệp THPT ở kỳ tuyển sinh vào đại học hàng năm của cơ sở giáo dục đại học.
Người có bằng tốt nghiệp cao đẳng thì tuyển sinh liên thông theo các hình thức do cơ sở giáo dục đại học quyết định, có thể tuyển sinh cùng với thí sinh tốt nghiệp THPT ở kỳ tuyển sinh vào đại học hằng năm hoặc dự thi tuyển sinh liên thông riêng do cơ sở giáo dục đại học tự ra đề thi và tổ chức thi tuyển. Các môn thi tuyển sinh liên thông riêng bao gồm: môn cơ bản, môn cơ sở ngành và môn chuyên ngành hoặc thực hành nghề.
Về chương trình đào tạo, người học chương trình đào tạo liên thông đại học chính quy được học các tín chỉ trong chương trình đào tạo cùng với sinh viên chính quy. Người học hình thức vừa làm vừa học được học các nội dung trong chương trình đào tạo cùng với sinh viên vừa làm vừa học tương ứng.