Khó khăn xác định giá cho thuê
Cụ thể, tại Công văn số 3574/GDĐT-KHTC của Sở GD-ĐT gửi Sở Tài chính (ký ngày 3.10.2019), Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết đã triển khai cho toàn bộ các đơn vị trực thuộc thực hiện Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo Nghị định 151/2017/NĐ-CP ngày 26.12.2017 của Chính phủ (gọi tắt là Đề án), để Sở xem xét có ý kiến tổng hợp gửi Sở Tài chính tham mưu trình UBND TP phê duyệt theo quy định.
"Đặc thù đối với các đơn vị thuộc ngành giáo dục và đào tạo thực tế phải có tổ chức các hoạt động phục vụ cho học sinh, sinh viên về căn tin nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hoạt động trông giữ xe đảm bảo an toàn trật tự giao thông trong trường học và hoạt động dịch vụ thể dục thể thao ngoài giờ học tạo nguồn kinh phí duy tu bảo dưỡng các công trình thể dục thể thao trong khi nguồn ngân sách và nhân lực cho các hoạt động này chưa đầy đủ.
Bên cạnh đó ngành giáo dục có số lượng đơn vị lớn nên việc lập Đề án cần thiết phải có thời gian dài để rà soát, thẩm định trình UBND TP phê duyệt làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động thường xuyên của các đơn vị. Các hoạt động căn tin, trông giữ xe cho học sinh là hoạt động thường niên và được chuẩn bị trước khi khai giảng năm học mới đã hoạt động ổn định từ nhiều năm nay", công văn này trình bày.
Công văn trên còn nêu tới các khó khăn, vướng mắc của các đơn vị trong việc lập, triển khai thực hiện Đề án. Đáng chú ý trong đó là việc xác định giá cho thuê đối với các dịch vụ tại đơn vị sự nghiệp giáo dục và việc thực hiện lập Đề án; tính toán để xác định tiền thuê đất phải nộp.
"Theo quy định tại Khoản 3 Điều 57 luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Khoản 3, Khoản 4 Điều 46 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP, đơn vị sự nghiệp công lập phải thực hiện xác định giá cho thuê phù hợp với giá thực tế cho thuê trên thị trường và thực hiện đấu giá cho thuê tài sản (giá cho thuê được điều chỉnh tăng theo biến động của thị trường và không được thấp hơn giá trúng đấu giá). Do vậy nếu căn cứ các quy định nêu trên thì mức giá cho thuê sẽ có giá trị cao ảnh hưởng nhiều đến mức chi trả của học sinh, sinh viên có tham gia các loại hình dịch vụ này", công văn của Sở GD-ĐT TP.HCM năm 2019 nêu rõ.
Thời gian qua, các trường duy trì căn tin, bếp ăn như thế nào?
Năm 2021, Sở GD-ĐT TP.HCM có Công văn số 2575 gửi Sở Tài chính về việc báo cáo tình hình khai thác, quản lý, sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập (công văn ký ngày 24.9.2021).
Theo đó, Sở GD-ĐT báo cáo: Căn cứ Thông báo số 634/TB-VP ngày 13.9.2019 của Văn phòng UBND TP thông báo kết luận của UBND TP về việc giải quyết một số kiến nghị của Sở GD-ĐT trong việc thực hiện Kết luận thanh tra số 08/KLTTT-3 của Thanh tra TP, tại Mục 2 có nêu: "Chấp thuận chủ trương các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành giáo dục và đào tạo tiếp tục được duy trì giữ xe, căn tin, hồ bơi, nhà thi đấu phục vụ nhu cầu học tập, rèn luyện của giáo viên và học sinh, tuy nhiên cần phải thực hiện đấu thầu công khai, minh bạch, đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm và thực hiện đúng nghĩa vụ tài chính theo quy định hiện hành".
Công văn 2575 này cũng cho biết: "Sở GD-ĐT đã gửi Công văn số 57/GDĐT-KHTC ngày 7.1.2020 đến các đơn vị trực thuộc, hướng dẫn việc sử dụng tài sản công, trong đó nhấn mạnh một số nội dung về việc lập Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo Nghị định số 151/2017/NĐ-CP và tổ chức rà soát các hợp đồng cho thuê tại đơn vị, trong trường hợp hết hạn thì tổ chức đấu giá việc cho thuê, thời hạn hợp đồng 1 năm (từ năm 2020 trong thời gian chờ phê duyệt Đề án); đôn đốc các đơn vị nghiêm túc thực hiện việc cập nhật, quản lý, tính hao mòn, theo dõi tài sản cố định theo quy định hiện hành".
Sở GD-ĐT từng đề xuất, kiến nghị gì?
Trong báo cáo của Sở GD-ĐT năm 2021 cho thấy, từ ngày 1.1.2018 (ngày Nghị định 151/2017/NĐ-CP có hiệu lực), tới tháng 9.2021, tổng số đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở GD-ĐT đã lập Đề án là 117 (trên tổng số 128 đơn vị công lập thuộc Sở).
Cả 117 Đề án đã được Sở thẩm định nhưng chưa Đề án nào đạt yêu cầu về nội dung theo hướng dẫn, nên không có Đề án nào được thống nhất ngay để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Cả 117 Đề án đều cần phải hoàn thiện về phương án tài chính.
Những vướng mắc phổ biến là vướng mắc trong việc định giá cho thuê; vướng mắc trong tính toán xác định tiền thuê đất phải nộp. Bên cạnh đó, còn những vướng mắc trong việc cung cấp đầy đủ hồ sơ pháp lý theo yêu cầu của Đề án.
Trong Công văn số 2575 của Sở GD-ĐT TP.HCM gửi Sở Tài chính năm 2021, Sở GD-ĐT đề xuất, kiến nghị một số điểm:
- Về các trường hợp (điều kiện) được sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết: Theo quy định hiện hành;
- Về thẩm quyền phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết: Giữ nguyên thẩm quyền như quy định hiện hành.
- Về trình tự thủ tục: Giữ nguyên thẩm quyền như quy định hiện hành;
- Về lựa chọn đối tác, thay đổi đối tác, hình thức liên doanh, liên kết: Áp dụng đối với các đơn vị được Bộ GD-ĐT hoặc UBND TP cho phép bằng văn bản;
- Về việc xác định và nộp tiền thuê đất: Đề nghị được miễn tiền thuê đất.
Theo kế hoạch, trong tuần này (đầu tháng 8.2024), UBND TP.HCM sẽ có buổi làm việc với các sở Tài chính, GD-ĐT, TN-MT và các đơn vị liên quan, nghe các báo cáo liên quan việc phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công trên địa bàn TP, những khó khăn, vướng mắc và giải pháp.