Ra mắt cuốn hồi ký của cố Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Hồng Quân

13:44 - 12/07/2024

Những ghi chép của cố Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, GS-TS Trần Hồng Quân trước khi mất, những bài phát biểu, bài viết trong suốt sự nghiệp của ông đã được gia đình và bạn hữu tập hợp lại thành cuốn hồi ký đầy xúc động và mang nhiều giá trị.

Sáng nay 17.4, tại Trung tâm Phát triển giáo dục và đào tạo phía nam, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cùng gia đình và các đơn vị liên quan đã tổ chức lễ ra mắt cuốn hồi ký Đã là thuyền phải ra khơi của cố Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, GS-TS Trần Hồng Quân, nhân dịp giỗ đầu của ông.
Ra mắt cuốn hồi ký của cố Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Hồng Quân

Bìa cuốn hồi ký

MỸ QUYÊN

Hồi ký dài 476 trang gồm 3 phần, do Nhà xuất bản Hội nhà văn phát hành. Phần 1 kể về cuộc đời thăng trầm từ thời thơ ấu của GS-TS Trần Hồng Quân ở quê nhà và quá trình trưởng thành đi tập kết ra bắc, sau đó trở thành giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài rồi trở về phục vụ, gắn bó với sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước nhà với nhiều trọng trách khác nhau.

Phần 2 (Tiếng lòng) là những bài thơ, bản nhạc do chính cố GS sáng tác, thể hiện rõ "tiếng lòng" của một chính khách, nhà quản lý, nhà khoa học đầy lãng mạn.

Phần 3 gồm 21 bài viết và các bài phát biểu xuyên suốt cuộc đời hoạt động giáo dục của cố GS.

Tại lễ ra mắt sách, GS-TS Trình Quang Phú, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam, bày tỏ: "Đọc toàn bộ cuốn hồi ký, chúng ta xúc động trước một người thầy đã dành cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giáo dục. Ngay khi làm việc ở Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, thầy đã 'dong thuyền ra khơi'. Thầy chính là người đề xuất đổi mới giáo dục căn bản và toàn diện, cụ thể là đẩy mạnh tự chủ ĐH, xã hội hóa giáo dục, khởi xướng hệ thống trường ĐH ngoài công lập ở Việt Nam…".

Theo GS-TS Quang Phú, những phát biểu, quan điểm, tư duy của GS-TS Trần Hồng Quân về giáo dục từ những năm 1980 đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự và có giá trị sâu đậm, thể hiện tư duy đổi mới, cấp tiến, tầm nhìn xa rộng của một nhà giáo tài đức.

Ra mắt cuốn hồi ký của cố Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Hồng Quân

PGS-TS Trần Mai Đông, con trai của cố GS Trần Hồng Quân (thứ 2 từ phải sang), cùng các nhà văn, nhà báo khách mời chia sẻ về cuốn hồi ký

MỸ QUYÊN

Chẳng hạn bài phát biểu kết luận chương trình nghiên cứu "Đổi mới tư duy để phát triển giáo dục ĐH Việt Nam" của cố GS được in trong cuốn hồi ký, đã thể hiện rất rõ tư duy và tầm nhìn đó.

Tại bài viết, cố GS có 15 đề xuất để đổi mới phát triển giáo dục Việt Nam. Ông nêu quan điểm: Giáo dục Việt Nam, nhất là giáo dục ĐH cần sớm nghiên cứu hoàn thiện và xác lập chính thức triết lý giáo dục để làm kim chỉ nam trong mọi hoạt động của hệ thống. Cần xác định lại mục tiêu đào tạo trong giai đoạn mới, không đào tạo ra những con người thụ động, chỉ biết làm theo, không dám nghĩ khác, không dám sáng tạo.

GS-TS Trần Hồng Quân cũng đề nghị nhà nước đặc biệt quan tâm tới đội ngũ giáo viên vì đây là đội ngũ chủ lực của giáo dục, bằng các chính sách tôn vinh, ưu đãi, khuyến khích nghề dạy học "cao quý mà gian khổ" này, trước mắt là giải quyết vấn đề thu nhập…

Luôn tâm huyết với chính sách xã hội hóa giáo dục, cố GS đề xuất nhà nước nên giúp đỡ các trường ngoài công lập tồn tại và phát triển, tạo điều kiện về đất đai, giảm miễn thuế…

Ra mắt cuốn hồi ký của cố Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Hồng Quân

Cố GS-TS Trần Hồng Quân (trái) lúc sinh thời

MAI VI

Vấn đề phong GS, PGS mà xã hội luôn quan tâm cũng được đề cập. Cố GS-TS Trần Hồng Quân từng đề xuất: "Cần nghiên cứu lại việc phong chức vụ khoa học. Chức vụ GS, PGS nên để từng trường tự xét phong theo yêu cầu cụ thể của trường mình, đó là những người có trình độ và năng lực phụ trách lãnh đạo những tập thể khoa học phục vụ cho việc đào tạo hoặc nghiên cứu khoa học. Danh hiệu GS phải được gắn với một trường cụ thể, không có GS chung, không nên có GS quốc gia…".

Có mặt tại lễ ra mắt cuốn hồi ký, PGS-TS Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, chia sẻ: "Bộ GD-ĐT, các thế hệ lãnh đạo Bộ, các đồng chí, đồng nghiệp đều ghi nhận và đánh giá rất cao về nhân cách mẫu mực và công lao to lớn của cố GS Trần Hồng Quân đối với ngành. Trong bối cảnh đất nước bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới đầy khó khăn thử thách, việc tìm giải pháp cho các điểm nghẽn, tháo gỡ các nút thắt cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo là rất quan trọng. Đến nay, nhiều ý kiến của thầy Trần Hồng Quân vẫn được tiếp thu trong quá trình hoạch định chính sách, chiến lược phát triển giáo dục".

Ở góc độ khác, nhà văn Trần Quốc Toàn nhận định cố GS-TS Trần Hồng Quân viết những trang hồi ký "như một nhà văn chuyên nghiệp", không chỉ có giá trị văn học mà còn có giá trị lịch sử và xứng đáng đoạt giải thưởng sách của năm.

Học cách bay bổng trên đôi cánh tự do và trách nhiệm

Kể lại một kỷ niệm về ba mình trong buổi ra mắt sách, PGS-TS Trần Mai Đông (làm việc tại ĐH Kinh tế TP.HCM), con trai đầu của cố GS Trần Hồng Quân, bồi hồi: "Hồi bé, một lần ba hỏi tôi: con nghĩ sông khác biển như thế nào. Sau khi nghe tôi trả lời là "biển mặn, có bãi cát dài…" thì ba nói: Sông có 2 bờ, khi con hét to sông sẽ vọng lại. Còn biển thì không. Biển cô đơn. Tôi rất nhớ hình ảnh ba lúc đó".

Theo PGS-TS Mai Đông, cố GS không chỉ dạy các con cách sống, mà còn hướng dẫn các con học cách bay bổng trên đôi cánh tự do và trách nhiệm. "Ba dạy chúng tôi cách tự do khám phá, theo đuổi đam mê và tự do lựa chọn con đường đi của riêng mình, chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình", PGS-TS Mai Đông chia sẻ.

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thanh toán hóa đơn SCTV

lịch phát sóng trên truyền hình

Sui Gia Nan Giải - SCTV9

 

Bà xã cát tường - SCTV9

 

Cuộc sống hôn nhân - SCTV9

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...