Sau hơn 2 năm tìm hiểu và sử dụng các công cụ AI như ChatGPT và Claude AI, Lê Phương Uyên, sinh viên (SV) ngành báo chí Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nhận định AI hiện "như hình với bóng" trong mọi hoạt động học tập lẫn nghiên cứu khoa học của cô. "Tôi từng lo AI ảnh hưởng đến nhu cầu tuyển dụng nhưng thực tế chỉ ra đây là công cụ hiệu quả nhất để chúng tôi "nâng cấp" sản phẩm của chính mình", Uyên chia sẻ.
Nữ SV cho rằng các công cụ AI có thể giúp tóm tắt số lượng lớn tài liệu trong thời gian ngắn hoặc hỗ trợ phân tích, đánh giá các vấn đề giảng viên (GV) đưa ra. "Như ở một môn chuyên ngành là tiếng Anh báo chí, AI có thể cung cấp thông tin khái quát cùng những luồng quan điểm phổ biến để tôi có thể tham khảo và tìm hiểu thêm", Uyên nói.
Còn đối với việc nghiên cứu khoa học, nữ SV có thể đưa file PDF vào để nhờ AI "đọc" và tóm tắt lại các ý chính, hỗ trợ công việc tổng quan tài liệu. AI còn có thể đề xuất các câu hỏi nghiên cứu và gợi ý cấu trúc đề cương nghiên cứu để các bạn mới bắt đầu làm quen công việc nghiên cứu có thể hiểu rõ hơn. "Hai kỹ năng cần thiết để dùng AI hiệu quả là kiểm chứng thông tin và biết cách đưa ra câu lệnh phù hợp", nữ SV nói và cho biết thêm hiện trường cô không có quy định về việc nên dùng AI thế nào.
Hồng Ân, SV Trường ĐH Luật TP.HCM, chia sẻ nhờ dùng ChatGPT, anh có thể phân tích các hồ sơ vụ án một cách nhanh chóng, toàn diện hơn. Đó là vì AI có thể tìm kiếm, tổng hợp quy định pháp luật hay án lệ liên quan đến vụ án mà đề bài đưa ra cũng như đưa ra những kiến giải phù hợp dưới góc độ pháp lý. "Nó cũng có thể so sánh những bộ luật khác nhau hay đánh giá tính hợp pháp của hợp đồng", nam SV chia sẻ.
Nguyễn Đắc Thiên Ngân, học viên (HV) cao học ngành An toàn thông tin Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, cho biết ChatGPT và ChatPDF hỗ trợ cô rất nhiều trên hành trình học trái ngành, nhất là ở các khâu nghiên cứu như dịch thuật, rút trích thông tin và gợi ý viết luận.
"Đặc thù của ngành tôi học là phải đọc nhiều nghiên cứu mới nhất, sau đó so sánh ưu - nhược điểm của từng nghiên cứu. Vì thời gian có hạn, chúng tôi thường đưa vào ChatGPT một số đoạn văn để nó tóm tắt và đưa ra những ý chính. AI này cũng có tính năng nhớ những dữ liệu trước đó nên chúng tôi cũng nhờ nó so sánh luôn", Ngân cho biết.
"Hầu hết thầy cô của chúng tôi đều khuyến khích dùng AI vì học lên càng cao thì tự học càng nhiều, không có ai có thể chỉ bảo mãi được nên có thể xem ChatGPT như mentor (người dẫn dắt) của mình, cần gì thì hỏi liền. Tất nhiên GV cũng lưu ý cách tạo ra câu lệnh như thế nào cho hợp lý và cảnh báo không lạm dụng AI khi viết luận, vì thầy cô có công cụ để nhận ra văn phong của AI", cô chia sẻ thêm.
KHÓ KIỂM SOÁT GIAN LẬN BẰNG AI
M., HV cao học ở một trường ĐH công lập tại TP.HCM, nhận định cái hay của AI là có thể tóm tắt kiến thức các môn học một cách ngắn gọn, dễ hiểu nhất cho SV, HV. Tuy nhiên, ở những môn chuyên ngành đòi hỏi sự đào sâu, AI lại tỏ ra "hụt hơi" vì chỉ có thể đưa ra những câu trả lời tổng quan, kém sáng tạo, thậm chí sai kiến thức.
"Hiện tại, AI chỉ có thể thuần đưa ra thông tin và phân tích, so sánh, chứ không thể đưa ra quan điểm, suy nghĩ riêng, trong khi đây lại là yêu cầu của hầu hết các môn chuyên ngành, nhất là ở bậc học cao hơn. Thế nên, ở các môn này, tôi chỉ dùng ChatGPT để hỗ trợ trong việc trình bày và làm rõ ý tưởng của bản thân, hoặc giúp giải đáp những thuật ngữ chuyên ngành khó hiểu", M. nói.
Để "làm chủ" khả năng sử dụng AI, M. cho biết cô có đăng ký một khóa học trên mạng. Chưa kể rất nhiều người dùng sẵn sàng chia sẻ những mẫu câu lệnh để tối ưu hóa quá trình dùng AI. "Tuy nhiên, tôi chứng kiến không ít bên thổi phồng và kiếm chác từ điều này, thậm chí thu phí 10 triệu đồng dù nội dung chỉ xoay quanh việc nhập câu lệnh như khóa của tôi, vốn chỉ vài trăm nghìn đồng. Những khóa học "lùa gà" này đang bủa vây các bạn SV", M. nhìn nhận.
Sử dụng AI từ thời SV, một mối quan tâm khác của M. là câu chuyện gian lận. Trường ĐH và khoa của cô không hề có bất kỳ quy định chính thức nào liên quan đến việc dùng công cụ này. "Như trong lớp của tôi có đến một nửa dùng AI để hỗ trợ học tập, và nhiều người trong số đó cũng nhờ viết giúp bài luận, chỉ sửa lại câu chữ là nộp bài. Vì một số môn chỉ kiểm tra bằng hình thức tiểu luận nên không ít HV đã qua môn trót lọt bằng cách này", M. kể.
Các công cụ AI mà học sinh- sinh viên hay sử dụng hỗ trợ cho việc học
CHỤP MÀN HÌNH
LO NGẠI SV MẤT KHẢ NĂNG TƯ DUY
Liên quan đến vấn đề này, cô Trần Thị Thục Huyền, GV thỉnh giảng môn Nói trước đám đông bằng tiếng Anh, Khoa Quan hệ quốc tế - Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, bày tỏ lo ngại SV có thể mất khả năng tư duy nếu dựa vào công cụ AI.
"SV có thể dùng AI để soạn cả bài thuyết trình, không dành thời gian suy nghĩ. Nắm rõ trình độ SV, GV có thể phát hiện một bài thuyết trình là do SV tự làm hay AI tạo ra. Bởi dàn ý bài thuyết trình do AI đề xuất có thể giống nhau, khiến bài thuyết trình máy móc, không có nét riêng, không thể hiện quan điểm cá nhân của người thuyết trình", cô Huyền nói.
Hiện SV có rất nhiều công cụ AI và thường dùng kết hợp để phục vụ việc học. Chẳng hạn, các bạn dùng ChatGPT tham khảo ý tưởng hoặc tổng hợp, tóm tắt tài liệu. Sau đó, dùng QuillBot, Grammarly để kiểm tra câu từ có chuẩn tiếng Anh hay không. "Bên cạnh đó, thị trường còn có nhiều công cụ AI phát hiện đạo văn hoặc kiểm tra văn bản do con người hay là AI viết", cô Huyền nói.
Tuy nhiên, việc chấm điểm, đánh giá cần có sự tinh tế, kinh nghiệm và chuyên môn của GV, không thể dựa hoàn toàn vào công cụ AI để kiểm tra đạo văn. Bởi lẽ có nhiều trường hợp một văn bản do chính con người viết lại bị các công cụ đánh giá là do AI soạn thảo.
Thay đổi cách ra đề
"Trong thời đại AI, GV cũng cần thay đổi tư duy ra đề. Cụ thể, đề bài phải được "cá nhân hóa", tức yêu cầu SV bày tỏ quan điểm cá nhân của mình chứ không nên chỉ dừng ở việc kiểm tra kiến thức đã học", cô Trần Thị Thục Huyền lưu ý.
Nữ GV cho biết thêm: "GV cũng tiết kiệm được nhiều thời gian soạn giáo án nhờ AI, nên việc cấm SV dùng AI là điều không thể. Thay vì dùng AI để lên ý tưởng, tôi khuyến khích SV làm điều ngược lại. Đó là các bạn lên ý tưởng của chính mình trước rồi dùng AI để tìm kiếm thông tin, tổng hợp tài liệu".
Chung ý kiến, thạc sĩ Đỗ Nguyễn Đăng Khoa, GV thỉnh giảng tại Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, cho rằng vấn đề nhức nhối nhất của AI trong nhà trường ở thời điểm hiện tại là câu chuyện liêm chính học thuật. "Năm học 2022-2023 đã có trường hợp SV dùng ChatGPT để gian lận, nhất là ở những môn nộp bài bằng tiếng Anh", thầy Khoa cho hay.
Theo thạc sĩ Khoa, ở cấp trường, nhiều đơn vị hiện cũng có chính sách riêng về AI. Còn với từng GV, thầy cô rất dễ phát hiện những bài do AI viết 100%, tức không kết hợp với tư duy của SV mà chỉ đơn thuần do SV yêu cầu AI viết. "Một động thái khác GV có thể làm là thu thập bài viết của SV làm tại lớp từ những buổi đầu tiên làm dữ liệu đối chiếu với bài làm ở nhà. Nếu có sự chênh lệch quá lớn, ví dụ ở lớp sai ngữ pháp nhiều nhưng về nhà lại "hoàn hảo", thì GV có thể trao đổi riêng với SV của mình", thầy Khoa chia sẻ.