Sáng 29.3, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức đợt đầu tiên kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết kỳ thi gồm 6 môn diễn ra trong 2,5 ngày. Ở ca thi đầu tiên, 655 thí sinh đến dự thi trong tổng số 700 thí sinh đăng ký bài thi toán (chiếm tỷ lệ 93,57%). "Thí sinh đến sớm và kỳ thi được ghi nhận diễn ra nghiêm túc, ổn định", thạc sĩ Trung cho biết.
Hệ thống của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM ghi nhận gần 3.500 thí sinh đăng ký dự thi đợt 1. Theo kế hoạch, bài thi môn toán diễn ra trong 2 buổi sáng 29 và 31.3, hóa học chiều ngày 29.3, vật lý chiều 30.3, sinh học sáng 30.3, ngữ văn sáng 30.3. Riêng bài thi tiếng Anh có 3 ca thi vào chiều 29, 30.3 và sáng 31.3.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung cho biết kết quả của đợt 1 sẽ được công bố sau 2-3 tuần, tức ngày 15-20.4. Từ ngày 1.4, kỳ thi sẽ tiếp tục nhận thí sinh đăng ký dự thi cho các đợt thi tiếp theo tại Gia Lai (4, 5.5), Long An (11, 12.5), Đà Nẵng (17, 18.5) và ngày 7.4 cho đợt thi tại TP.HCM. Thí sinh có thể lựa chọn đăng ký một hoặc nhiều bài thi trong số các bài thi kể trên và tham gia dự thi 1 hoặc nhiều đợt thi.
Bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt toán học, vật lý, hóa học, sinh học gồm 35 câu trắc nghiệm khách quan và 15 câu hỏi ở dạng trả lời ngắn với thời gian làm bài 90 phút. Bài thi đánh giá năng lực môn ngữ văn gồm 20 câu trắc nghiệm khách quan và 1 bài viết luận chủ đề nghị luận xã hội với thời gian làm bài 90 phút. Riêng môn tiếng Anh, thí sinh sẽ có 180 phút làm bài và bài thi sử dụng dạng thức đánh giá năng lực tiếng Anh từ bậc 3 đến bậc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Theo kế hoạch tuyển sinh Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm 2024, kết quả bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt được sử dụng trong phương thức xét tuyển kết hợp với kết quả học tập THPT và chiếm tối đa 30% chỉ tiêu của từng ngành. Điểm xét tuyển được xác định là tổng điểm bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt (môn chính) được nhân hệ số 2, cộng với điểm 2 môn còn lại trong tổ hợp là điểm trung bình môn trong 6 học kỳ ở THPT. Tổng điểm này được quy đổi về thang điểm 30 và cộng điểm ưu tiên đối tượng, khu vực theo quy định của Bộ GD-ĐT và được làm tròn đến hai chữ số thập phân.