Tuy nhiên, điểm nhấn của sự kiện không phải là tác giả của khối rubik, mà là các nhà khoa học người Hung được giải Nobel. Trong đó, GS Katalin Kariko (tên tiếng Hungary viết là Karikó Katalin) có 2 bài thuyết trình. Bài thuyết trình của bà Lê Lan Hương (cán bộ Viện Hải dương học Nha Trang nay đã nghỉ hưu), bạn học cũ của GS Katalin hồi bà còn du học đại học ở Hungary, mang đến cho người nghe nhiều câu chuyện cảm động.
"Mẹ cháu không quên một cái gì"
Bà Lê Lan Hương cho biết, bà rời Hungary năm 1978, sau khi tốt nghiệp đại học. Đến năm 2022, khi bà Katalin Kariko sang Hà Nội nhận giải thưởng VinFuture 2021, bà Hương chưa gặp lại người bạn học cũ, mà về sau trở thành nhà khoa học được nhắc tên nhiều nhất thế giới khi dịch Covid-19 bùng phát.
Thoạt tiên bà nhận được email của bà Katalin (bà Hương gọi theo tên thân mật là Kati): "Tôi sẽ tới Hà Nội". Rồi hỏi: "Bạn ở xa không? Xin lỗi vì tôi không tới nhà được. Bạn có ra Hà Nội được không".
Ban đầu, bà Hương chỉ nghĩ bà Katalin đến Hà Nội dự một hội thảo quốc tế nào đó. Nhưng sau đó thấy Quỹ VinFuture tài trợ chuyến đi Hà Nội cho mình, và đặc biệt là khi thấy bạn của mình được vinh danh trong đêm trao giải, bà Hương mới vỡ lẽ về danh tiếng "khủng" trong giới khoa học cũng như những đóng góp khoa học của người bạn cũ. Bà Hương bùi ngùi nhớ lại: "Sau 44 năm gặp lại, Kati đã nổi tiếng toàn thế giới, mà vẫn rất chân tình, khiêm tốn".
Trước đêm trao giải, hai người bạn học đã có những buổi hàn huyên nhiều tiếng đồng hồ. Họ không chỉ là bạn học cùng lớp mà còn ở ký túc xá với nhau suốt 5 năm học đại học nên có vô vàn kỷ niệm.
Họ có một mùa hè rong ruổi cùng nhau đến chơi lần lượt nhà các bạn học người Hungary, rồi bà Hương làm món nem đãi các bạn. Bình thường, khi trong bữa ăn có món Việt, các bạn người Hungary ăn rất ít cơm. Nhưng hôm làm món nem, bà Lan Hương lấy 2 kg gạo để nấu cơm mà một nhóm ít người đã ăn hết sạch. Sau 44 năm gặp lại, bà Katalin vẫn gọi chính xác tên món nem, dù chưa từng được ăn lại.
"Ấn tượng rất mạnh với lần gặp lại Kati của tôi là bạn ấy có trí nhớ tuyệt vời. Bạn ấy gợi ra rất nhiều kỷ niệm mà nếu không có bạn ấy nhắc thì hẳn tôi cũng đã quên. Khi thấy tôi ngạc nhiên về trí nhớ khủng khiếp đó, con gái của bạn ấy (cùng sang Việt Nam với mẹ) cười và nói mẹ cháu không quên một cái gì!", bà Hương kể.
ĐH Szenged là nơi bà Katalin Kariko có 9 năm gắn bó (5 năm học ĐH, 4 năm làm tiến sĩ). Sau khi nhận bằng tiến sĩ (năm 1982), bà Katalin làm việc tại một viện nghiên cứu sinh học của Hunggary. Năm 1985, bà sang Mỹ và theo đuổi nghiên cứu về mRNA. Kết quả của nghiên cứu đã được ứng dụng vào việc tạo ra vắc xin mRNA phòng chống Covid-19.
Trước khi được trao giải thưởng Nobel 2023, bà được nhận hàng trăm giải thưởng, trong đó có giải thưởng triệu đô VinFuture của tỉ phú Phạm Nhật Vượng và phu nhân.
Mỗi năm Hungary dành 200 học bổng cho Việt Nam
Theo TS Gyöngyi Heltai, giáo sư thỉnh giảng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội, trong số cựu sinh viên và giảng viên ĐH Szenged, có một nhà khoa học khác cũng được giải Nobel. Đó là GS Albert Szent-Györgyi, chủ nhân giải Nobel y sinh năm 1937, người đầu tiên trên thế giới nghiên cứu thành công trong việc chiết xuất ra vitamin C. Đặc biệt, công trình GS Szent-Györgyi được giải Nobel được thực hiện trong thời gian ông làm việc tại ĐH Szenged.
Đầu năm 2021, bà Katalin Kariko được Hội đồng ĐH Szenged trao giải thưởng Tiến sĩ danh dự (Doctor Honoris Causa) và sau đó được mời làm giáo sư nghiên cứu của ĐH ĐH Szenged. Theo GS Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội, điều thú vị là phòng làm việc mà ĐH Szenged đã giao cho GS Katalin Kariko chính là phòng làm việc trước đây của GS Szent-Györgyi. GS Vũ Hoàng Linh trước đây cũng học cử nhân, thạc sĩ tại ĐH Szenged.
ĐH Szenged nằm ở Szenged, một tỉnh phía nam Hungary, có đường biên giới với Serbia, cách thủ đô Budapest khoảng 150 km. Đây vốn là cơ sở đào tạo và nghiên cứu lâu đời và nổi tiếng ở Hungary.
Sau khi bà Katalin Kariko nổi tiếng trên toàn cầu, sinh viên quốc tế đến học ở ĐH Szenged tăng vọt. Năm học 2023 - 2024, hơn 1.200 sinh viên quốc tế từ 130 nước đã đến ĐH Szenged nhập học, tăng 20% so với trước đó. Đây là mức tăng kỷ lục về sinh viên quốc tế của ĐH Szenged.
Theo trang tin của ĐH Szenged, ĐH này có khoảng 22.000 sinh viên, sinh viên quốc tế hơn 5.000 người. Trong số sinh viên quốc tế ở ĐH Szenged, một tỷ lệ khá lớn sinh viên du học tại Trường Y Albert Szent-Györgyi (mang tên giáo sư được giải Nobel nói trên).
Một số du học sinh Việt Nam học tại đại học danh tiếng này, nhưng trường chưa có số liệu cụ thể. Trong số người Việt Nam từng du học ở Hungary, nhiều người có sự nghiệp nghiên cứu khoa học thành công, tiêu biểu là GS Vũ Hà Văn (GS tại ĐH Yale, Mỹ và Giám đốc khoa học Quỹ VinIF).
Ngài Tibo Baloghdi, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hungary tại Việt Nam, cũng cho biết hàng năm Chính phủ Hungary dành 200 suất học bổng (cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ) cho sinh viên Việt Nam sang Hung học theo chương trình Stipendium Hungaricum.
"Chúng ta hy vọng một ngày nào đó sẽ có một nhà khoa học Việt Nam được trao giải Nobel danh giá", ngài Tibo chia sẻ.
Tại cuộc tọa đàm,Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hungary tại Việt Nam Tibo Baloghdi nói: "Hungary là quốc gia dân số chưa đến 10 triệu người nhưng nằm trong số những quốc gia có tỷ lệ nhà khoa học đoạt giải Nobel tính theo đầu người cao nhất và có nhiều nhà phát minh khoa học nhất trên thế giới".
Đến nay, có 14 người Hungary đạt giải Nobel. Trong đó, 12 người nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học tự nhiên.