Phát biểu mở đầu tọa đàm, tiến sĩ Huỳnh Văn Thông (Trưởng bộ môn Truyền thông, khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) nhận định chống tin giả, tin xấu, độc hại không chỉ là "cuộc chiến" tại Việt Nam mà còn là bài toán nan giải ở quy mô toàn cầu.
Tiến sĩ Huỳnh Văn Thông nhận định, trước đây thông tin sơ khởi thường sẽ trải qua quá trình kiểm chứng và biên tập có trách nhiệm của những đơn vị làm tin tức, có trách nhiệm chuyên nghiệp, tuân theo những chuẩn mực đạo đức, quy tắc chuyên nghiệp để biến chúng thành những thông tin đáng tin cậy, rồi từ đó chuyển qua những kênh chính thức như báo chí, nhà xuất bản, truyền hình... để trở thành thông tin đại chúng. Khi trở thành thông tin đại chúng thì nó vẫn có câu chuyện đúng sai thì lúc đó lại trải qua một quá trình hậu biên tập, chỉnh sửa, cải chính, giải thích.
Nhưng xã hội, lịch sử nhân loại luôn luôn phát triển và chúng ta đã không còn có cơ hội để quay trở lại như trước. Giống như ngày xưa người ta nói muốn có kiến thức thì đọc báo, bây giờ điều đau khổ là muốn đọc báo thì phải có kiến thức. Vì vẫn có những chuyện như là lâu lâu thì cũng có thông tin sai lệch, có thông tin gọi là xuyên tạc. Thông tin sai lệch thì có thể là do lỗi do sơ suất, còn thông tin xuyên tạc, tức là cố tình.
Truyền thông trực tuyến đã tạo ra thông tin nhanh chóng, đã mang đến những cơ hội đổi đời chỉ trong chốc lát cho mọi người. Tiến sĩ Thông cho rằng môi trường truyền thông trực tuyến bắt đầu từ người gửi đầu tiên, tạo ra tin gốc, sau đó chuyển qua cơ chế sản xuất, cơ chế tự sản xuất. Sẽ có rất nhiều người tham gia vào quy trình mới, tái sản xuất/tự sản xuất, tương tác, chia sẻ... và sẽ lặp đi lặp lại nhiều lần.
Khi đến được với công chúng thì nó đã trở thành "đám mây tin tức" từ một bản tin ban đầu. Điều này cũng giải thích vì sao nhiều người sa vào các cạm bẫy lừa đảo, bởi kịch bản phía sau đó đã được dựng lên.
Có thể nói để tin tức đầu tiên đến được với công chúng thì đã phải trải qua một quá trình hoàn toàn mất kiểm soát. Hành trình thông tin bình yên giờ đây có thêm quy trình tái sản xuất, lan truyền trên môi trường số, chịu tác động bởi khía cạnh cá nhân và hiệu ứng thiên kiến, hiệu ứng hào quang... Những tác động này chúng ta không có thời gian phân tích, dẫn đến sự rối loạn.
Chúng ta đang sống trong giai đoạn rối loạn thông tin, không chỉ là "tin giả" hay "tin thật". Chúng ta quá tải, không còn đủ tài nguyên, kỹ năng, nhận thức để thông tin đầy đủ, nghiêm túc. Có thể kiểm chứng 1, 10 hay 100 tin chứ không thể nào xử lý hàng ngàn, hàng triệu tin. Bùng nổ thông tin, bùng nổ dữ liệu dẫn đến sự quá tải, từ đó chất lượng của các thông tin sẽ giảm đi.
Vì vậy trong xã hội bùng nổ thông tin, mối đe dọa của những thông tin sai dẫn đến kịch bản đau đớn là ngay cả tin thật cũng bị nghi ngờ, không ai còn tin vào điều gì nữa. Từ đó dẫn đến hiện tượng một số người có xu hướng từ chối tin tức, không còn muốn xử lý thông tin và tiếp đến là rối loạn thông tin, trở thành vấn nạn của truyền thông.
Rối loạn thông tin có thể xem là tình trạng mất kiểm soát về giá trị của thông tin và sự thật, gây ra bởi sự sản xuất và lan truyền những thông tin sai hoặc thông tin gây hiểu lầm, tranh cãi.
Hiện có thể chia làm 3 loại thông tin sai lệch, đầu tiên là thông tin sai nhưng không có ý xấu, tiếp đến là thông tin xuyên tạc (có ý đồ xấu) và thông tin độc hại, đây là loại thông tin có thể có thật, có thể dựa trên điều có thật nhưng động cơ đứng sau thì xấu xa. Khi sơ ý với thông tin, người dùng có thể vô tình tiếp tay cho các nội dung đó. Lừa đảo là một trong những mục đích đằng sau thông tin sai lệch. Hiện có rất nhiều nội dung, đặc biệt là hình ảnh được chia sẻ trên mạng nhằm đánh vào cảm xúc của người xem để phục vụ cho các mục đích khác nhau.
Để tránh trở thành một tác nhân tiếp nhận và lan truyền các thông tin xấu độc, tiến sĩ Thông cho rằng người dùng nên có một động cơ trong sáng cho việc tiếp nhận thông tin, tránh định kiến, đồng thời tự mình kiểm chứng, nếu chưa đủ kỹ năng thì cần tham khảo các ý kiến từ hỏi bạn bè, sử dụng công cụ để kiểm chứng.